Lý thuyết về màu sắc

Một phần của tài liệu Bài giảng bản đồ học (Trang 85 - 86)

Mắt người phân biệt được màu sắc khác nhau là do ba yếu tố cảm sắc gồm ba loại tế bào thần kinh hình nón bị kích thích bởi tác động của ánh sáng (bức xạ điện từ) và truyền về óc người làm cho não sinh cảm giác về màu sắc.

Màu sắc được phân biệt làm hai loại:

+ Màu vô sắc: trắng, gio nhạt, gio đậm, đen (mầu trắng - đen). + Màu hữu sắc: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.

Màu hữu sắc có ba tính chất cơ bản là: sắc thái, độ sáng (độ chói), độ bão hòa (độ sạch).

Sắc thái là chất lượng của màu, nó được tạo ra tương đương với một dải sóng trong dãy quang phổ. Đối với bức xạ đơn sắc thì thể hiện bằng chiều dài bước sóng. Có những màu không có trong dãy quang phổ, như màu hồng, nó được tạo ra từ màu tím và đỏ.

Độ sáng là sự cảm thụ độ chói của mắt.

Độ chói là cường độ tia sáng kích thích vào thần kinh của mắt và nó là số lượng được đo bằng máy. Từ đó có thể coi độ sáng là độ chói. Độ chói của bề mặt được chiếu sáng phụ thuộc vào cường độ nguồn chiếu sáng và đặc tính bề mặt. Độ chói thường nhỏ hơn cường độ tia chiếu vì tia chiếu bị chia ra các phần: phản xạ, hấp thụ, thấu xạ và tán xạ.

Độ bão hòa (độ sạch) của màu là mức độ phân biệt màu hữu sắc với màu vô sắc có cùng độ sáng. Đây là tính chất của sự cảm thụ bởi mắt và cho phép xét đoán những phần màu quang phổ sạch trong toàn bộ màu cảm thụ. Độ bão hòa được đặc trưng bởi số phần màu quang phổ sạch trong hỗn hợp với màu trắng khi hỗn hợp đó có độ sáng cố định. Độ sạch thang màu càng lớn khi màu trắng càng ít.

Một phần của tài liệu Bài giảng bản đồ học (Trang 85 - 86)