Quá trình tổng quát hoá bản đồ

Một phần của tài liệu Bài giảng bản đồ học (Trang 98 - 101)

Quá trình tổng quát hoá bản đồ được thực hiện chủ yếu trong giai đoạn thiết kế thành lập bản đồ gốc. Quá trình tổng quát hoá được tiến hành qua các bước: phân loại các đối tượng và hiện tượng cần biểu thị; lựa chọn các đối tượng biểu thị trên bản đồ; khái quát hình dạng đối tượng; khái quát đặc trưng số lượng; khái quát các đặc trưng chất lượng; thay các ký hiệu riêng biệt bằng các ký hiệu tập hợp.

4.1.3.1. Phân loại các đối tượng và hiện tượng cần biểu thị

Phân loại các đối tượng và hiện tượng cần biểu thị thành từng nhóm, mỗi nhóm bao gồm các đối tượng cùng loại, có cùng đặc tính nào đó. Công việc này nhằm tránh nhầm lẫn, bỏ sót đối tượng và thuận tiện cho việc lựa chọn hay khái quát đối tượng.

Phân loại là một quá trình có tri thức, gộp nhóm các hiện tượng giống nhau vào trong một trật tự để đạt đến một sự đơn giản tương đối. Cho các thuộc tính có tính chất giống nhau vào những cấp bậc.

Ví dụ: Các loại sử dụng đất canh tác, chăn nuôi thành đất nông nghiệp; các loại thực vật thành rừng.

Trong công nghệ thành lập bản đồ tự động hoá thì giai đoạn này chính là cơ sở để phân lớp đối tượng nội dung trước khi tiến hành số hoá. Nói chung, dù

thành lập ở công nghệ cổ truyền hay công nghệ bản đồ số thì công việc phân loại các đối tượng, hiện tượng theo nội dung và mục đích bản đồ là cần thiết và không thể thiếu được.

4.1.3.2. Lựa chọn các đối tượng biểu thị trên bản đồ

Đó là sự hạn chế nội dung bản đồ ở số lượng đối tượng cần thiết cho phù hợp với mục đích, đề tài, tỷ lệ của bản đồ và những đặc điểm địa lý của lãnh thổ bản đồ thể hiện.

Khi lựa chọn phải tuân theo trình tự hợp lý: Trước hết thể hiện những đối tượng quan trọng nhất, sau đó mới lựa chọn thể hiện những đối tượng ít quan trọng hơn. Những đối tượng có kích thước nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, quan trọng về phương diện nào đó (quốc phòng, định hướng...) thì vẫn phải thể hiện.

Để cho việc lựa chọn được chính xác, nhà bản đồ phải hiểu biết rõ ràng về các lớp thông tin (lớp đối tượng) cần được thể hiện lên bản đồ, nhận thức đầy đủ về bản đồ, như mục đích của bản đồ và thiết kế ban đầu. Chúng sẽ chỉ đạo quá trình lựa chọn đối tượng. Sự lựa chọn thường được tiến hành theo tiêu chuẩn hoặc chỉ tiêu lựa chọn. Tiêu chuẩn lựa chọn là giá trị giới hạn quy định kích thước hoặc ý nghĩa của đối tượng cần phải giữ và thể hiện trên bản đồ khi tổng quát hoá.

Ví dụ: Trên bản đồ vẽ tất cả các hồ, ao có diện tích > 2 mm2; tất cả các con sông có chiều dài trên 1cm; các đường ranh giới hành chính từ cấp huyện trở lên.

Chỉ tiêu lựa chọn là chỉ số quy định mức độ lựa chọn. Các chỉ tiêu lựa chọn phải có sự điều hoà tải trọng bản đồ.

Ví dụ: Quy định khi chuyển từ bản đồ địa hình tỷ lệ 1:200.000 sang 1:500.000 thì số điểm dân cư giữ lại 1/3 đối với vùng dân cư dày đặc, đông đúc, giữ lại 1/2 đối với vùng dân cư có mật độ trung bình, vẽ toàn bộ với vùng dân cư thưa thớt. Tuy nhiên, khi xác định chỉ tiêu lựa chọn và vận dụng chúng trong biên vẽ bản đồ cần chú ý không được gây ra sai lệch về tương quan mật độ của các khu vực khác nhau, gây ra hiểu nhầm đặc trưng của đối tượng.

4.1.3.3. Khái quát hình dạng đối tượng

Khái quát hình dạng đối tượng tức là bỏ đi những chi tiết nhỏ, không quan trọng hình dạng, đường viền của đối tượng được chọn lọc.

của từng loại đối tượng và loại bỏ những chi tiết không cần thiết.

Đối với những chi tiết nhỏ hơn tiêu chuẩn quy định nhưng lại có ý nghĩa về phương diện nào đó thì lại phải phóng to và cường điệu hóa để thể hiện nhưng vẫn giữ được nét tự nhiên của đối tượng. Khi biên vẽ bản đồ cũng thường phải tiến hành liên kết, gộp các đối tượng nhỏ cùng loại vào một đường viền chung.

Ví dụ: Trên bản đồ tỷ lệ lớn có rất nhiều ao, hồ nhỏ gần nhau, khi thể hiện trên bản đồ tỷ lệ nhỏ ta có thể gộp chúng vào một ao, hồ lớn; ở tỷ lệ lớn các điểm dân cư là rời rạc từng nhà, sang tỷ lệ trung bình chúng được gộp và thành khu phố, ở tỷ lệ nhỏ chúng được thể hiện bằng ký hiệu điểm dân cư.

Ngoài ra, trong quá trình khái quát hình dạng đường viền đối tượng cũng cần chú ý đến mối liên quan của hình dạng đối tượng với các đối tượng khác, ý nghĩa kinh tế, xã hội của nó. Khái quát hình dạng đường viền đối tượng khi có sự gộp ghép các đặc trưng về số lượng hay chất lượng.

4.1.3.4. Khái quát đặc trưng số lượng

Là quá trình chuyển từ thang liên tục sang thang phân cấp và tiếp tục tăng dần khoảng cách giữa các thang bậc.

Ví dụ: Khi tỷ lệ bản đồ địa hình nhỏ thì khoảng cao đều lớn và ngược lại tỷ lệ lớn thì khoảng cao đều nhỏ.

4.1.3.5. Khái quát các đặc trưng chất lượng

Là nhằm giảm bớt sự khác biệt về tính chất trên những phương diện nào đó của các đối tượng. Thay đổi giá trị thuộc tính tại một khu vực được chọn để tạo ra một “yếu tố nội dung điển hình” để đưa lên bản đồ, ví dụ từ các giá trị tuyệt đối tính ra giá trị tương đối (giá trị trung bình, tỷ lệ...).

Ví dụ: Trên bản đồ, đất nông nghiệp tỷ lệ lớn thể hiện chi tiết các loại đất: trồng lúa, màu, rau, hoa quả, cà phê, cao su, thuốc lá..., trên bản đồ tỷ lệ nhỏ chúng chỉ thể hiện đất trồng cây nông nghiệp, trồng cây công nghiệp.

4.1.3.6. Thay các ký hiệu riêng biệt bằng các ký hiệu tập hợp

Khi chuyển từ bản đồ tỷ lệ lớn sang tỷ lệ nhỏ thì mức độ tổng quát hoá đôi khi rất lớn. Khi các đối tượng cần thể hiện không thể biểu thị được bằng các ký hiệu đường viền riêng biệt thì người ta phải dùng các ký hiệu tập hợp để thể hiện chúng.

Ví dụ: Trên bản đồ tỷ lệ nhỏ, các điểm dân cư không thể hiện các ngôi nhà, khu phố mà phải dùng các ký hiệu tập hợp có dạng hình học chung (hình tròn) để thể hiện.

Các phương pháp tổng quát bản đồ kể trên dùng cho tất cả các loại bản đồ: Bản đồ địa lý chung và bản đồ chuyên đề và được thực hiện kết hợp nhiều hay một phương pháp cho đối tượng cần thể hiện. Trong quá trình tổng quát hoá bao giờ cũng phải chú ý mối quan hệ khăng khít, lôgic của các đối tượng nội dung bản đồ trong một mô hình bản đồ tổng thể thống nhất.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Bài giảng bản đồ học (Trang 98 - 101)