Các phương pháp phân tích sử dụng bản đồ

Một phần của tài liệu Bài giảng bản đồ học (Trang 138 - 139)

- Phương pháp phân tích trực quan (mô tả): Phân tích trực quan là một phương pháp phân tích bản đồ được ứng dụng rộng rãi. Bản đồ là mô hình kí hiệu hình tượng không gian, vì thế phân tích trực quan là sự phân tích dựa trên cơ sở kết hợp giữa sự cảm thụ thị giác và hoạt động tư duy của người sử dụng bản đồ.

Từ sự phân tích trực quan, người sử dụng bản đồ có thể nhận thấy trên khu vực mà bản đồ biểu thị có những đối tượng, hiện tượng gì, tìm ra quy luật phân bố của hiện tượng, những sự ảnh hưởng tương hỗ lẫn nhau và những sự thay đổi của hiện tượng. Phân tích trực quan là phương pháp được ứng dụng rộng rãi nhất trong các phương pháp vì phương pháp này không cần đến dụng cụ đo, đếm và tính toán chính xác, chỉ phụ thuộc vào trình độ của người sử dụng bản đồ. Phương pháp phân tích trực quan dùng được cho cả các bản đồ riêng tờ và các bản đồ có liên quan đến nhau (xê ri hoặc atlas). Kết quả là bài viết mô tả các đối tượng, hiện tượng cho ta biết khái niệm về các đối tượng, hiện tượng được thể hiện trên bản đồ.

- Phương pháp đồ giải: Là phương pháp căn cứ trên bản đồ để dựng lên các dạng đồ thị, các biểu đồ để phân tích các đặc trưng của các đối tượng, hiện tượng. Các đồ hình và biểu đồ dựng được từ bản đồ thì rất đa dạng như: mặt cắt, biểu đồ khối phối cảnh, biểu đồ hoa hồng…

- Phương pháp đồ giải, giải tích: Là phương pháp phân tích dựa trên cơ sở đo và tính toán các thông tin thu nhận từ bản đồ để được các kết quả đặc trưng về số lượng, các yếu tố, thông số của đối tượng hoặc hiện tượng. Từ bản đồ, ta có thể đo và tính được rất nhiều các trị số tương đối hay tuyệt đối như tọa độ điểm, độ dài, khoảng cách, góc, diện tích, thể tích, độ cao, độ dốc, mật độ, cường độ, độ uốn khúc…

- Phương pháp giải tích (phương pháp mô hình bản đồ toán): Là phương pháp dựa trên cơ sở các số liệu gốc thu nhận được từ bản đồ để thiết lập mô hình toán học của các hiện tượng, các quá trình. Trong phương pháp này, ứng dụng rộng rãi toán thống kê, lý thuyết thông tin, toán giải tích… Dựa vào phương pháp này từ nguồn dữ liệu, thông tin bản đồ đã có ta có thể tạo ra các bản đồ dẫn xuất.

Trên đây là bốn nhóm phương pháp cơ bản để phân tích sử dụng bản đồ. Tuy nhiên, mỗi phương pháp này không đứng riêng biệt mà tất cả các phương pháp phân tích tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh cho phép tiếp cận đối tượng từ nhiều phía khác nhau. Tuỳ thuộc mục đích công việc, điều kiện cụ thể người ta nghiên cứu lựa chọn các phương pháp phân tích phù hợp nhằm đem lại một hiệu quả cao nhất, nếu người dùng chọn sai phương pháp thì có thể khi phân tích sẽ không đem lại kết quả, hoặc cho kết quả kém chính xác gây lãng phí tiền của công sức.

Một phần của tài liệu Bài giảng bản đồ học (Trang 138 - 139)