Các yếu tố ảnh hưởng tới tổng quát hoá bản đồ

Một phần của tài liệu Bài giảng bản đồ học (Trang 95 - 98)

Nhà bản đồ không thể tổng quát hoá theo ý muốn chủ quan. Các quá trình tổng quát hoá chịu ảnh hưởng bởi hàng loạt nhân tố bên ngoài. Những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tổng quát hóa bản đồ bao gồm mục đích sử dụng bản đồ, tỷ lệ bản đồ, nội dung chuyên đề (đề tài bản đồ) và đặc điểm địa lý vùng lãnh thổ.

4.1.2.1. Ảnh hưởng của mục đích sử dụng bản đồ

Trên bản đồ chỉ cần biểu thị những đối tượng và hiện tượng phù hợp mục đích của bản đồ và điều kiện sử dụng nó. Những bản đồ có cùng đề tài và cùng tỉ lệ nhưng có mục đích khác nhau thì mức độ chi tiết và đặc điểm của sự biểu thị các yếu tố nội dung cũng khác nhau.

Mỗi bản đồ được thành lập đều xuất phát từ những mục đích rõ ràng và phải trả lời cho câu hỏi:

- Bản đồ dùng để làm gì? - Dùng cho ai?

- Dùng như thế nào?

Về mục đích: Bản đồ dùng để tra cứu và nghiên cứu khoa học sẽ cần nội dung chi tiết, nhiều thông tin, do đó mức độ tổng quát hoá sẽ ít. Các bản đồ dùng cho mục đích phổ thông cần tổng quát hoá nhiều hơn. Những bản đồ dùng cho mục đích chuyên ngành (giao thông, địa chính, lâm nghiệp...) sẽ chú trọng biểu thị tỉ mỉ hơn về các yếu tố chuyên ngành, trong khi đó những yếu tố khác sẽ được khái quát hoá nhiều hơn hoặc thậm chí không cần thể hiện.

Hình 4.1. Ảnh hưởng của mục đích bản đồ

Khi xem xét về mục đích là cũng xét đến đối tượng sử dụng. Mức độ tổng quát hoá cũng cần phù hợp với trình độ nhận thức và tâm lý của người sử dụng (trình độ, tuổi tác…)

Điều kiện sử dụng (treo tường, để bàn, chiếu lên màn hình trên tường hay hiện thị trên màn hình máy tính) cũng đòi hỏi các tiêu chuẩn khác nhau về tổng quát hoá.

Ví dụ: Cùng là bản đồ địa lý tự nhiên khái quát lãnh thổ Việt Nam, có cùng tỷ lệ với nhau nhưng bản đồ phục vụ cho nghiên cứu sẽ khác với bản đồ giáo khoa về mức độ chi tiết các yếu tố tự nhiên (địa hình, địa chất, thủy văn, động thực vật...).

4.1.2.2. Ảnh hưởng của tỷ lệ bản đồ

Những bản đồ có cùng nội dung biểu hiện, cùng mục đích sử dụng nhưng có tỷ lệ khác nhau thì có mức độ tổng quát hóa khác nhau. Bản đồ tỷ lệ càng lớn thì nội dung thể hiện càng chi tiết, ngược lại bản đồ có tỷ lệ càng nhỏ thì nội dung càng khái quát. Vì từ tỷ lệ lớn sang tỷ lệ nhỏ, diện tích vùng lãnh thổ trên bản đồ bị thu hẹp (theo mức độ chuyển đổi tỷ lệ). Trên một diện tích hẹp như vậy không thể chứa đựng lượng thông tin lớn như trên bản đồ có tỷ lệ lớn hơn. Do đó, tỷ lệ càng nhỏ càng phải loại bỏ nhiều chi tiết và khái quát chúng vì lúc này, phạm vi bao quát không gian của bản đồ càng lớn dẫn đến ý nghĩa của đối tượng trên bản đồ cũng thay đổi theo (có đối tượng trên bản đồ tỷ lệ lớn là quan trọng nhưng trên bản đồ tỷ lệ nhỏ lại có thể loại bỏ, bỏ qua).

Hình 4.2. Ảnh hưởng của tỉ lệ bản đồ

Ví dụ: Để biểu diễn đối tượng có diện tích 1 km2 ngoài thực địa lên các tờ bản đồ có tỷ lệ khác nhau.

+ Bản đồ có tỷ lệ 1: 1.000 --> đối tượng chiếm diện tích 1 m2

+ Bản đồ có tỷ lệ 1:10.000 --> đối tượng chiếm diện tích 1 dm2 + Bản đồ có tỷ lệ 1:100.000 --> đối tượng chiếm diện tích 1 cm2

+ Bản đồ có tỷ lệ 1: 1.000.000 --> đối tượng chiếm diện tích 1 mm2

Với đối tượng có diện tích 1m2 thì trên diện tích ấy, có thể biểu diễn tất cả các đặc điểm lãnh thổ và các yếu tố hiện diện trên nó, còn đối với đối tượng có diện tích 1mm2 thì chỉ là 1 chấm nhỏ trên bản đồ mà thôi.

4.1.2.3. Ảnh hưởng của nội dung chuyên đề (đề tài bản đồ)

Nội dung chuyên đề (đề tài bản đồ) quyết định phạm vi các yếu tố nội dung cần thể hiện, quyết định những yếu tố nào cần thiết được thể hiện chi tiết, những yếu tố nào chỉ cần thể hiện sơ lược, thậm chí có thể bỏ qua không thể hiện. Những bản đồ có nội dung chuyên đề (đề tài bản đồ) khác nhau thì sẽ có mức độ tổng quát hóa các đối tượng cũng khác nhau.

Ví dụ: Bản đồ có cùng tỷ lệ với nhau cùng thể hiện một khu vực lãnh thổ nhất định thì đối với bản đồ chuyên đề thủy văn sẽ tập trung biểu hiện các yếu tố thủy văn, các yếu tố tự nhiên khác có thể được lược bỏ hoặc biểu hiện một cách khái quát, còn đối với bản đồ dân cư thì lại tập trung biểu hiện các yếu tố dân cư...

4.1.2.4. Ảnh hưởng của đặc điểm địa lý vùng lãnh thổ

chúng lại có ý nghĩa khác nhau trong điều kiện địa lý khác nhau.

Ví dụ: Một nguồn nước, giếng nước ở hoang mạc, sa mạc có ý nghĩa rất lớn nên bắt buộc phải thể hiện trên bản đồ nhưng giếng nước ở đồng bằng hay vùng ven biển, ta có thể bỏ qua không thể hiện.

Khi thiết kế thành lập bản đồ bao giờ người ta cũng phải nghiên cứu kỹ đặc điểm địa lý của vùng lãnh thổ cần lập bản đồ để từ đó xác định ý nghĩa của đối tượng và xác định nội dung bản đồ.

Đối với những vùng lãnh thổ lớn có đặc điểm địa lý, địa hình phức tạp, khác nhau, để xác định mức độ tổng quát hoá nội dung bản đồ chính xác, đầy đủ người ta có thể chia ra thành những vùng nhỏ hơn. Trên mỗi vùng nhỏ này sẽ xác định chỉ tiêu chọn lọc, lấy bỏ, khái quát các đối tượng bản đồ.

Ví dụ: Dựa vào điều kiện địa hình người ta chia thành vùng đồng bằng ven biển và châu thổ các sông, vùng trung du đồi núi thấp, vùng núi đá, núi cao. Nếu dựa vào các đai khí hậu chia thành vùng xích đạo, cận nhiệt đới, nhiệt đới, ôn đới, hàn đới và các vùng bắc cực, nam cực.

Một phần của tài liệu Bài giảng bản đồ học (Trang 95 - 98)