TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH TIỀN GIANG THỜI KỲ 2011-2016
1. Những kết quả đạt được
- Thị trường được mở rộng, ngày càng phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Hàng hoá ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, góp phần ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết việc làm, phân công lại lao động trong tỉnh.
Khối lượng hàng hoá lưu thông hàng năm phát triển với tốc độ tương đối cao, hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của sản xuất, góp phần quan trọng vào sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống các tầng lớp dân cư.
- Các doanh nghiệp thương mại nhà nước, mặc dù số lượng giảm nhưng đã có những đổi mới về tổ chức và phương thức kinh doanh, thích ứng dần với cơ chế thị trường, kết hợp chặt chẽ kinh doanh nội thương với ngoại thương, tích cực đầu tư vào sản xuất để tạo nguồn hàng xuất khẩu.
- Quản lý nhà nước về hoạt động thương mại và thị trường có nhiều chuyển biến tích cực. Sở Công Thương và các cơ quan quản lý đã thực hiện chức năng tổ chức hướng dẫn chính sách, pháp luật, quy hoạch, định hướng kế hoạch phát triển thương mại, cung cấp thông tin xúc tiến thương mại, phối hợp với các ngành chức năng liên quan khác tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần thiết lập trật tự, kỷ cương trong kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi hàng hoá, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân cư trên địa bàn.
- Đã hình thành thị trường thống nhất, thông thoáng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; Tiềm năng về lao động, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm buôn bán ... của mọi chủ thể kinh doanh được huy động vào lưu thông hàng hoá. Bản thân thương mại nhà nước đã từng bước chuyển đổi tổ chức và phương thức kinh doanh, thực hiện vai trò cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, gas, phân bón...) đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, đảm bảo tốt các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nông nghiệp, nông dân; nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chủ trương cổ phần hoá. Vai trò của thương mại ngoài Nhà nước ngày càng được khẳng định, nhất là trên thị trường bán lẻ và kinh doanh dịch vụ. - Hoạt động thương mại nội địa phát triển theo đúng định hướng của ngành thương mại và của tỉnh trong bối cảnh có nhiều biến động bất lợi của môi trường kinh doanh trong nước và thế giới. Các mục tiêu phát triển thương mại đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu có sự phát triển mạnh.
- Phương thức kinh doanh ngày càng đa dạng; đã xuất hiện các phương thức giao dịch văn minh, hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi...
- Trật tự kỷ cương trên thị trường từng bước được khôi phục, tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép đã bước đầu được ngăn chặn.
- Quy mô và tốc độ xuất nhập khẩu liên tục được mở rộng và gia tăng. Tỷ trọng xuất khẩu so với GRDP (phản ánh độ mở cửa của nền kinh tế) liên tục tăng đã góp phần hình thành thêm nhiều ngành sản xuất mới, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm xã hội như ngành may mặc, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, thuỷ - hải sản... góp phần gia tăng nguồn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Về cơ bản, kim ngạch và cơ cấu hàng nhập khẩu đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu về vật tư, nguyên liệu và hàng hoá khác cho sản xuất và tiêu dùng, cải thiện dần cán
cân thương mại, góp phần làm phong phú thêm lưu thông hàng hoá trên thị trường.
- Cơ cấu nhóm, mặt hàng đã được cải thiện nhất định nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ trọng của các nhóm, mặt hàng đã qua chế biến tăng dần. Chất lượng hàng xuất khẩu được nâng lên, một số sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời tác động tích cực tới chất lượng sản phẩm trong nước.
- Kết cấu hạ tầng phục vụ cho ngành thương mại đã được quan tâm đầu tư, ngày càng phát triển và hoàn thiện.
2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
2.1. Những hạn chế, tồn tại:
- Thị trường hàng hoá và số người kinh doanh buôn bán, dịch vụ tăng nhanh nhưng mang tính chất tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, vốn ít, mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian. Chưa thiết lập được mối liên hệ lâu dài giữa sản xuất với lưu thông, giữa bán buôn và bán lẻ theo những kênh lưu thông hợp lý, ổn định.
- Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu, việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, sở hữu sản phẩm còn chậm, nhiều mặt hàng chất lượng thấp, qui cách, chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã chậm đổi mới, giá thành cao.
- Xuất khẩu hàng hoá tuy có bước tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng tỷ trọng hàng chế biến sâu vẫn chưa cao. Xuất khẩu dịch vụ còn nhiều hạn chế.
- Hoạt động thương mại chưa thể hiện được là một ngành hỗ trợ tích cực các ngành khác trong phát triển kinh tế. Điều này đã hạn chế việc mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư.
- Công tác quản lý nhà nước về thương mại đã được đổi mới nhưng còn nhiều mặt chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động thương mại. Một số qui định trong qui chế, chính sách còn chưa hợp lý, tạo khe hở để buôn lậu, gian lận thương mại phát triển. Nguồn nhân lực trong ngành tuy đông nhưng chưa mạnh, chất lượng và tính chuyên nghiệp chưa được cải thiện.
- Các ngành, các cấp chưa đề ra những chính sách, các biện pháp hữu hiệu để khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát triển sản xuất các mặt hàng phục vụ du lịch và xuất khẩu.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành thương mại được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, cần được nâng cấp và xây dựng lại. Việc hình thành các loại hình thương mại hiện đại tại các khu đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực hiện xã hội hoá trong đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn chậm do nguồn vốn ngân sách cho việc xây mới hoặc cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ còn ít trong khi đó các nhà đầu tư chợ chỉ chọn lựa đầu tư các chợ ở khu vực có khả nâng sinh lời cao (trung tâm các huyện, thành phố, thị xã), còn tại khu vực nông thôn thì không lựa chọn đầu tư.
- Sự liên kết, hợp tác giữa sản xuất và kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp trong vùng chưa cao.
2.2. Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại:
- Nguyên nhân khách quan:
+ Đất hẹp người đông, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu khó lường xảy ra làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
+ Kết cấu hạ tầng kỹ thuật tuy đã được tăng cường, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, nhất là hạ tầng về công nghệ thông tin, dịch vụ phụ trợ.
+ Nguồn vốn ngân sách có hạn, hạn chế phần nào nguồn vốn đầu tư trung dài hạn cho các thành phần kinh tế để góp phần thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thương mại còn hạn chế, môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, chưa đồng bộ giữa các cơ chế, chính sách, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.
+ Du lịch mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng chưa thật sự hấp dẫn, chủ yếu là du lịch sinh thái, do hệ thống giao thông thuận lợi, lại gần thành phố Hồ Chí Minh nên các chương trình du lịch chủ yếu trong ngày, lượng khách lưu trú qua đêm tại địa phương ít, sức mua chưa cao nên đã hạn chế sự phát triển của thị trường.
+ Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại của Tiền Giang quy mô nhỏ, vốn ít nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển thị trường. Đồng thời, sự phối kết hợp giữa các ngành trong việc nghiên cứu thị trường, hướng dẫn, điều hành sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.
+ Đầu tư vào lĩnh vực thương mại những năm qua còn ít so với yêu cầu của sự phát triển. Các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh thương mại chủ yếu đầu tư ngắn hạn để thực hiện từng thương vụ mà không có điều kiện đầu tư lớn và dài hạn.