Bối cảnh quốc tế, khu vực

Một phần của tài liệu 5_Bao_cao_TH_DCQHTM_Tien_giang-_sau_khi_ra_soat_da_20180605091301577570 (Trang 52 - 54)

II. PHÂN TÍCH, DỰ BÁO CÁC YẾU TỐ TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỀN THƯƠNG MẠI TỈNH TIỀN GIANG

1. Bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước

1.1. Bối cảnh quốc tế, khu vực

Khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua được xem là lớn nhất kể từ sau cuộc đại suy thái kinh tế năm 1930. Các nền kinh tế lớn đã phải bỏ ra tổng cộng ước khoảng trên 10 nghìn tỷ USD (tương đương với 2/3 GDP của cả nước Mỹ và với 1/6 GDP toàn thế giới), đồng thời phải tiến hành nhiều liệu pháp đau đớn mang tính điều chỉnh vĩ mô và hệ thống để cứu chữa. Bên cạnh nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, khả năng phục hồi sẽ diễn ra không đồng đều giữa các quốc gia. Các điều kiện hội tụ cho phát triển bền vững còn “mong manh” khi mà các nước chấm dứt các biện pháp kích thích kinh tế và tình trạng thâm hụt thương mại. Thế giới vẫn đang lo ngại về một đợt bất ổn định tài chính quốc tế mới với nhiều nguy cơ tiềm ẩn: Hình thành những loại bong bóng mới; Thiếu khả năng thanh toán nợ đúng hạn; nợ ngân sách tăng quá cao; hậu quả của việc nước Anh rời khỏi liên minh châu Âu (Brexit),....

Ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã được thành lập, AEC ra đời là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á và sẽ đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Việc ra đời Cộng đồng Kinh tế ASEAN nhằm hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do và vốn được lưu chuyển tự do hơn, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế- xã hội được giảm bớt vào năm 2020. Mục đích của AEC là: Tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua hội nhập nhanh hơn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của ASEAN. Lợi ích mà các thành viên có được khi AEC được hình thành đó là tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, tăng

cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh, chú trọng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước.

AEC được thành lập sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp khu vực ASEAN nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Đây là một môi trường kinh tế ổn định, thịnh vượng, có khả năng cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp sẽ được bình đẳng như nhau, có cơ hội mở rộng trao đổi thương mại ở một thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng thu hút đầu tư dựa trên lợi thế không gian của một thị trường mở. Các rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ bằng cách hầu hết các mặt hàng nhập khẩu trong nội khối ASEAN sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, môi trường đầu tư thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn với các đối tác như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand thông qua các hiệp định thương mại tự do riêng giữa ASEAN với các đối tác kinh tế lớn cũng như nỗ lực xây dựng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), từ đó doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực. Từ sau 31/12/2015, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu trong nội khối ASEAN sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan 0% thông qua các FTA+1 giữa ASEAN với các đối tác. Các mặt hàng xuất khẩu của VN cũng được hưởng ưu đãi thuế quan 0% khi xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Môi trường đầu tư thuận lợi sẽ đẩy mạnh dòng FDI từ các đối tác vào ASEAN trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi có được các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng cũng sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ. Trong đó có thể kể đến là sức ép từ hàng hóa nhập khẩu, cạnh tranh về dịch vụ đầu tư của các nước ASEAN dẫn đến một số ngành, một số sản phẩm phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường. Điều đáng chú ý là thuế quan của nhiều mặt hàng được cắt giảm nhưng hàng rào kỹ thuật trong thương mại có thể bị biến thành các rào cản thương mại, Trong đó, quy tắc xuất xứ có vai trò đặc biệt quan trọng. Quy tắc xuất xứ yêu cầu ít nhất 40% hàm lượng sản phẩm làm ra phải xuất xứ từ khu vực ASEAN thì mới được hưởng thuế suất 0%, nếu nhập quá nhiều nguyên liệu từ ngoài khu vực thì thuế suất 0% cũng trở nên vô nghĩa. Một số trường hợp quy tắc xuất xứ trở thành một biện pháp kỹ thuật thay cho thuế quan. Trước việc mở cửa hội nhập kinh tế như hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó đáp ứng được những quy định quy tắc xuất xứ. Bởi vì hiện nay chỉ khoảng 30-40% hàng hóa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn về nguyên tắc xuất xứ trong khi các nước khác tỷ lệ này nằm ở mức 90% trở lên.

Tổng kết quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam kể từ khi Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007 đến nay có thể thấy rằng, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế về cơ bản đã có tác động tích cực và dài hạn, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian qua, cụ thể là:

Thứ nhất, thông qua gia tăng xuất khẩu, nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế đã có tác động tích cực, góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, đạt mức bình quân khoảng 6,5% giai đoạn 2001-2015, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.200 USD Mỹ vào năm 2016. Quy mô nền kinh tế mở rộng và nước ta đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, nền kinh tế nước ta về cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại hai chiều của Việt Nam với các đối tác, đặc biệt là các đối tác có FTA hoặc hiệp định thương mại song phương như Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, v.v. Hoạt động xuất khẩu, khập khẩu đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất khu vực, từ đó chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, tập trung nhiều hơn vào các mặt hạn chế.

Thứ hai, hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo những điều kiện thuận lợi để tăng nhanh xuất khẩu, gắn xuất khẩu với nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và công nghệ cho phát triển sản xuất trong nước. Vấn đề đặt ra là nhập khẩu tăng, đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng, tạo ra sức ép cạnh tranh đối với sản xuất trong nước và khiến nhập khẩu siêu hàng hóa tăng.

Thứ ba, cơ cấu kinh tế đã chuyển biến theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương công nhiệp hóa đất nước. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng liên tục tăng trưởng nhanh so với lĩnh vực dịch vụ nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Thứ tư, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã liên tục tăng.

Thứ năm, quá trình đổi mới, cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư đã tạo điều kiện cho việc thực hiện các cam kết trong lĩnh vực đầu tư. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng góp phần cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch, thông thoáng hơn, từ đó thu hút đầu tư để tạo ra tác động tích cực với tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước và tạo việc làm.

Sau gần 10 năm gia nhập WTO, tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và Tiền giang nói riêng đã có bước phát triển mạnh, đặc biệt là với các đối tác có FTA hoặc hiệp định thương mại song phương. Hoạt động xuất khẩu, khập khẩu đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất khu vực, từ đó chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, góp phần nâng cao mức sống của nhân dân.

Một phần của tài liệu 5_Bao_cao_TH_DCQHTM_Tien_giang-_sau_khi_ra_soat_da_20180605091301577570 (Trang 52 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(162 trang)
w