TĂNG SẢN (hyperplasia)

Một phần của tài liệu Bài giảng Lý thuyết giải phẫu bệnh (dành cho lớp y đa khoa): Phần 1 (Trang 30 - 31)

Là hiện tượng tăng số lượng tế bào bằng hoạt động phân bào. Như vậy, chỉ những tế bào còn giữ được khả năng phân bào mới có thể tăng sản. Tăng sản cũng được phân biệt thành 2 loại: tăng sản sinh lý và tăng sản bệnh lý.

a. Tăng sản sinh lý

Khi mang thai, các tế bào tuyến vú vừa tăng sản vừa phì đại để chuẩn bị cho hoạt động tiết sữa, tương tự như vậy đối với các tế bào cơ trơn của tử cung. Ở gan, nếu một phần gan bị cắt bỏ, phần còn lại sẽ tăng sản nhằm bù đắp lại số tế bào gan đã mất, còn gọi là tăng sản bù trừ

(Hình 3).

Hình 3: Ảnh chụp CT ở một người trước khi hiến tặng thuỳ phải gan (A); chỉ 1 tuần sau phẫu thuật, thuỳ trái gan (tô mầu xanh) đã to hẳn ra do hoạt động tăng sản bù trừ (B). Vi thể mô gan bình thường ít thấy hình ảnh phân bào (C); còn mô gan tăng sản bù trừ thì có tỉ lệ phân bào cao (D).

24

b. Tăng sản bệnh lý

Hầu hết đều do sự kích thích quá mức của một hormôn đặc hiệu. Tăng sản bệnh lý khác với sự tăng sinh của các tế bào u ở chỗ nó sẽ biến mất khi không còn kích thích của hormôn. Thí dụ như tình trạng tăng sản nội mạc tử cung gây ra bởi sự gia tăng estrogen, khi lượng estrogen trở về bình thường, tình trạng tăng sản nội mạc sẽ biến mất. Tuy nhiên, tăng sản bệnh lý vẫn là một mảnh đất mầu mỡ cho sự phát triển của ung thư, thí dụ tình trạng tăng sản nội mạc tử cung không kiểm soát được có thể dẫn đến carcinôm tuyến nội mạc (Hình 4).

Tăng sản có thể diễn ra đồng đều hoặc không đồng đều cho tất cả các tế bào trong cùng một mô. Trường hợp tăng sản không đồng đều, chỉ xảy ra ở một số nhóm tế bào, sẽ tạo thành các cục tăng sản; do đó kiểu tăng sản này được gọi là tăng sản dạng cục, thường thấy ở tuyến tiền liệt, tuyến giáp, tuyến vú.

Hình 4: Nội mạc tử cung: bình thường (A), tăng sản bệnh lý (B), carcinôm tuyến nội mạc (C).

Một phần của tài liệu Bài giảng Lý thuyết giải phẫu bệnh (dành cho lớp y đa khoa): Phần 1 (Trang 30 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)