TEO ĐÉT (atrophy)

Một phần của tài liệu Bài giảng Lý thuyết giải phẫu bệnh (dành cho lớp y đa khoa): Phần 1 (Trang 31 - 32)

Là hiện tượng giảm kích thước và thể tích tế bào do các thành phần cấu tạo của nó đều bị giảm số lượng. Dưới KHVĐT, người ta thấy có sự gia tăng số lượng túi tự thực và không bào tự thực trong bào tương. Mô hoặc cơ quan sẽ teo nhỏ lại khi có nhiều tế bào bị teo đét. Các nguyên nhân gây teo đét tế bào gồm có: sự giảm yêu cầu chức năng đối với tế bào và mô, mất phân bố thần kinh, giảm tưới máu nuôi, suy dinh dưỡng, mất sự kích thích của hormôn đặc hiệu, sự già nua. Teo đét được phân thành 2 loại: teo đét sinh lý và teo đét bệnh lý.

a. Teo đét sinh lý

- Tử cung nhỏ lại sau sinh.

- Các cơ vân ở người già bị teo lại do sự giảm hoạt động.

- Các tuyến sinh dục của người già bị teo lại do mất các kích thích hormôn.

b. Teo đét bệnh lý

- Teo cơ do bệnh bại liệt làm tổn thương các nơron vận động (Hình 5). - Teo cơ do chi bị gãy xương phải bó bột bất động.

- Sự teo dần bộ não do bệnh xơ vữa động mạch làm giảm lượng máu nuôi.

Cần phân biệt sự teo đét tế bào với hiện tượng thoái triển (involution) của một số cơ quan, xảy ra trong quá trình phát triển tự nhiên của cơ thể. Trong hiện tượng này, có sự giảm số lượng tế bào bằng cơ chế tự hủy tế bào (apoptosis), kết quả cơ quan bị teo nhỏ lại; thí dụ như sự thoái triển của tuyến ức ở tuổi thiếu niên. Trong sự teo nhỏ các cơ quan sinh dục ở người già, thực ra có sự phối hợp của cả 2 hiện tượng: teo đét tế bào và thoái triển.

Hình 5: Teo cơ cẳng chân phải do bệnh bại liệt (A). Tế bào cơ vân bình thường (B). Tế bào cơ vân teo đét.

Một phần của tài liệu Bài giảng Lý thuyết giải phẫu bệnh (dành cho lớp y đa khoa): Phần 1 (Trang 31 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)