Tốc độ tăng trưởng

Một phần của tài liệu Bài giảng Lý thuyết giải phẫu bệnh (dành cho lớp y đa khoa): Phần 1 (Trang 95 - 96)

- Cầu sừng + Cầu liên bào + +

1.Tốc độ tăng trưởng

Tốc độ tăng trưởng của khối u được biểu thị bằng thời gian nhân đôi (TGNĐ), là thời gian cần thiết để số lượng tế bào u tăng gấp đôi.

Vì tất cả tế bào trong u đều là con cháu của một tế bào cơ thể chuyển dạng ban đầu (đường kính khoảng 10µm, nên cần phải qua 30 lần nhân đôi để từ tế bào ban đầu này tạo thành 1 tỷ tế bào, tương ứng với 1 u có đường kính 1cm, nặng 1 gram; là giới hạn nhỏ nhất có thể phát hiện được qua thăm khám lâm sàng. Từ khối u nhỏ này, chỉ cần thêm 10 lần nhân đôi nữa là có thể đạt đến trọng lượng 1kg, chứa 1000 tỷ tế bào; là giới hạn lớn nhất mà cơ

thể chấp nhận được. (Hình 22) Hình 22: Tốc độ tăng trưởng của khối u.

Thời gian tăng sinh từ tế bào chuyển dạng đầu tiên đến 1 khối u phát hiện được trên lâm sàng được gọi là thời kỳ tiền lâm sàng; nếu mỗi TGNĐ là 3 ngày (bằng với chu kỳ tế bào bình thường) thì thời kỳ này chỉ kéo dài có 3 tháng. Tất nhiên tính toán trên chỉ đúng khi tất cả các tế bào u đều cùng hoạt động tăng sinh và không có tế bào nào thất thoát khỏi khối u; nhưng một điều chắc chắn đúng và đáng buồn là khi phát hiện được u trên lâm sàng thì nó đã tiến được khá xa trên con đường phát triển tự nhiên của mình.

Trên thực tế, thời kỳ tiền lâm sàng thay đổi rất khác nhau tùy loại ung thư, khoảng 3 tháng đối với ung thư có độ ác tính cao như limphôm Burkitt (TGNĐ = 3 ngày), 17 tháng đối với sarcôm Ewing (TGNĐ = 17 ngày) hoặc hàng chục năm đối với carcinôm tuyến đại tràng (TGNĐ = 600 ngày). Nói chung, thời kỳ tiền lâm sàng trung bình của đa số các loại ung thư của người được ước lượng vào khoảng 2 năm.

Sự khác nhau về tốc độ tăng trưởng (tức TGNĐ) giữa các loại u là do khác biệt về phân sốtăng trưởngtỉ lệ giữa số lượng tế bào u mới được sản sinh so với số lượng tế bào bị chết hoặc thất thoát khỏi khối u.

Hình 23: Phân số tăng trưởng.

Phân số tăng trưởng là tỷ lệ tế bào đang hoạt động tăng sinh trong khối u. Nghiên cứu cho thấy phân số này chỉ cao trong giai đoạn đầu của quá trình tăng trưởng u, nghĩa là hầu hết các tế bào u đều hoạt động tăng sinh; nhưng sau đó phân số tăng trưởng sẽ giảm dần vì càng lúc càng có nhiều tế bào u được biệt hoá không còn khả năng phân chia hoặc tế bào dừng lại nghỉ ngơi ở giai đoạn G0 hoặc G1. Vì vậy, vào thời điểm được phát hiện trên lâm sàng; phân số tăng trưởng của đa số ung thư thường không vượt quá 20%.

(Hình 23).

Mặt khác, có những tế bào u bị thất thoát hoặc chết do thiếu nguồn dinh dưỡng, có thể làm thay đổi mối cân bằng giữa số lượng tế bào mới sinh ra trên số lượng tế bào mất đi. Các loại ung thư như limphôm, ung thư phổi loại tế bào nhỏ có phân số tăng trưởng cao (khoảng

30%), số lượng tế bào mới sinh vượt trội số tế bào chết nên sẽ có tốc độ phát triển nhanh. Trái lại, các ung thư vú, ung thư ruột già có phân số tăng trưởng thấp (khoảng 2-8%), số lượng tế bào mới sinh chỉ hơi trội hơn số tế bào chết nên tốc độ phát triển sẽ chậm hơn.

Một phần của tài liệu Bài giảng Lý thuyết giải phẫu bệnh (dành cho lớp y đa khoa): Phần 1 (Trang 95 - 96)