Hiện tượng áp lực nhóm

Một phần của tài liệu Giáo trình Giao tiếp và đàm phán trong kinh doanh (Trang 40 - 42)

Trong giao tiếp tập thể, phản ứng của một thành viên thường bị chi phối bởi phản ứng của số đông. Khi đại đa số các thành viên của nhóm đã thống nhất với nhau về một phản ứng tâm lý nào đó, thì thành viên còn lại cũng có xu hướng chấp nhận theo phản ứng đó. Tức là phản ứng của đa số tạo nên sự áp lực đối với phản ứng của một số ít người. Biểu hiện đặc biệt của áp lực nhóm tới cá nhân là tính a dua (hay “theo đuôi"). Chính bản thân từ “a dua” đã biểu hiện nghĩa thích ứng. Đối lập với tính a dua là sự độc lập, vững vàng của cá nhân so với áp lực nhóm.

Tính a dua được nhận thấy khi biểu hiện xung đột giữa ý kiến của cá nhân và ý kiến của nhóm, khắc phục xung đột này dẫn đến có lợi cho nhóm. Có thể chia ra làm 2 loại a dua: a dua bên ngoài hay a dua hình thức và a dua bên trong hay a dua thực tâm. A dua bên ngoài là a dua khi cá nhân tiếp thu ý kiến của nhóm mang tính hình thức, còn trên thực tế anh ta chống lại ý kiến của nhóm. A dua bên trong là a dua khi mà cá nhân hoàn toàn bị ý kiến của đa số thu phục. Loại a dua này là kết quả khắc phục xung đột của cá nhân với nhóm và kết thúc bằng sự có lợi cho nhóm.

Theo Fischer, nhà tâm lý học Pháp, trong sự áp lực nhóm nổi lên ba yếu tố khác nhau: sự tồn tại của những căng thẳng giữa lập trường trước đây của cá nhân và sự thúc ép với mức độ khác nhau từ phía nhóm mà cá nhân phải chịu; sự tán thành của cá nhân đối với điều anh ta được đề nghị; cuối cùng là kết quả của sự thay đổi ứng xử, bao hàm một mặt là phủ định một số khía cạnh ứng xử trước đây và mặt khác là khẳng định bản thân mình bằng việc có những ứng xử mới.

Tính áp lực nhóm phụ thuộc những yếu tố sau:

- Những đặc trưng của cá nhân phải chịu áp lực nhóm như: ý chí bản lĩnh và lập trường của cá nhân, giới tính, lứa tuổi trí tuệ…

- Những đặc trưng của nhóm là chủ thể tạo ra áp lực: quy mô, sự thống nhất của các thành viên của nhóm.

- Mối quan hệ giữa cá nhân với nhóm: vị trí của cá nhân trong nhóm sự trung thành của cá nhân với nhóm, mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các cá nhân trong nhóm…

- Hoàn cảnh: nội dung nhiệm vụ, mức độ quan tâm của cá nhân với nhiệm vụ đó, sự am hiểu của người đó.

4. Bắt chước

Trong giao tiếp hàng ngày, tâm lý của nhóm cũng như tâm lý của mỗi cá nhân đều thường xuyên tác động, ảnh hưởng và chi phối lẫn nhau. Mỗi cá nhân ảnh hưởng đến các thành viên khác của nhóm trước hết bằng sự hiện diện của chính bản thân mình và cũng chịu sự chi phối, ảnh hưởng của các thành viên khác trong nhóm. Một trong những cơ chế ảnh hưởng và tác động qua lại rất phổ biến đó là sự bắt chước.

Bắt chước là sự mô phỏng, tái tạo, lặp lại các hành động, hành vi, tâm trạng, cách thức suy nghĩ, ứng xử của một người hay nhóm người nào đó.

Trong thực tiễn đời sống hàng ngày chúng ta thường gặp những biểu hiện đa dạng của bắt chước: trẻ em bắt chước cách xử thế nhất định của người lớn, xử sự như cha chúng, phản ứng đối với những tình huống nhất định như mẹ chúng; thợ học việc trong xường hành động theo cách của thợ cả; học sinh bắt chước cách ứng xử của thầy giáo; sự a dua của lớp trẻ trong việc lựa chọn nghề nghiệp, cách thức ăn mặc, tiêu xài theo mốt….

Bắt chước là cơ chế quan trọng để hình thành nên chuẩn mực và giá trị của nhóm, của xã hội. Thông qua bắt chước mà mỗi cá nhân xây dựng nên cách xử sự của mình phù hợp với chuẩn mực của xã hội.

Có nhiều hình thức bắt chước:

- Bắt chước vô thức và bắt chước có ý thức. - Bắt chước hình thức và bắt chước bản chất.

- Bắt chước nhất thời (mốt, thời trang, tâm trạng xã hội…) và bắt chước lâu dài (tập quán, phong tục, tín ngưỡng…).

- Bắt chước lẫn nhau trong phạm vi một giai cấp, một thế hệ và sự mô phỏng, lặp lại giữa các giai cấp, giữa các thế hệ.

Bắt chước thường được diễn ra theo qui luật nhất định: bắt chước được thực hiện từ bản chất đến hình thức, nghĩa là các hình mẫu bản chất hấp dẫn sự bắt chước sớm hơn các hình mẫu bề ngoài. Người ta thường bắt chước các tinh thần tôn giáo trước rồi mới bắt chước các nghi lễ, nghi thức sau. Bắt chước được thực hiện từ dưới lên trên theo bậc thang xã hội, nghĩa là tầng lớp hạ lưu có xu hướng bắt chước giới thượng lưu, trẻ em bắt chước người lớn, các vùng phụ cận bắt chước trung tâm…

Một phần của tài liệu Giáo trình Giao tiếp và đàm phán trong kinh doanh (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(155 trang)