Khi sống trong xã hội, dù muốn hay không bạn cũng là một nhà thương lượng. Đàm phán, thương lượng là thực tế của cuộc sống. Bạn thỏa thuận với người yêu nên đi đâu chơi vào chủ nhật tới. Bạn thương lượng với người khác để mua căn nhà. Bạn thảo luận với sếp về chuyện tăng lương. Công ty bạn bàn với công ty nước ngoài thành lập một liên doanh khai thác và chế biến hải sản, cho đến chuyện Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga gặp gỡ để thỏa thuận về việc giải trừ quân bị… Tất cả đều là những cuộc thương lượng và đàm phán. Thế giới là một cái bàn đàm phán khổng lồ.
Khi mà đời sống chính trị và kinh tế ngày càng trở nên bình đẳng và dân chủ, mọi người đều muốn tham gia vào các quyết định ảnh hường đến bản thân mình. Khi mà càng
ít người chấp nhận các quyết định độc đoán của người khác, thì đàm phán trở thành phương tiện cơ bản để giúp chúng ta đạt được những điều mà chúng ta mong muốn từ người khác. Dù trong chính trị, kinh doanh hay cuộc sống gia đình hầu hết các quyết định đạt được đều thông qua đàm phán và thương lượng. Là một nghệ thuật lâu đời, thương lượng, đàm phán đã phát triển thành một phương thức chủ yếu để đưa ra các quyết định trong mọi mặt của đời sống có tổ chức.
Trong hoạt động quản trị kinh doanh, thương lượng là một phương tiện dùng để giải quyết mâu thuẫn giữa giới chủ và công nhân. Trong việc thuê mướn công nhân, thương lượng tập thể là một cách điều hòa quan hệ thuê mướn giữa chủ và những người lao động có tổ chức. Trong nền kinh tế thị trường, khi mà mọi quan hệ giữa người mua và người bán đều dựa trên lợi ích, thì những đặc trưng tinh vi hơn của hoạt động kinh doanh đều liên quan mạnh mẽ đến thương lượng.
Vậy thương lượng là gì? Theo cách hiểu thông thường nhất, thương lượng là hành vi và quá trình mà người ta muốn điều hòa quan hệ giữa hai bên, thông qua hiệp thương mà đi đến ý kiến thống nhất.
Thế tại sao lại phải thương lượng? Nguyên nhân trực tiếp của thương lượng là bởi các bên đàm phán đều có nhu cầu của mình, mà sự thỏa mãn nhu cầu của một bên sẽ có thể làm phương hại đến sự thỏa mãn nhu cầu của bên kia, bất kỳ bên nào đều không thể không nhìn nhận nhu cầu bên kia. Vì thế mục đích chủ yếu của việc đôi bên thương lượng không thể chỉ lấy nhu cầu mà mình đeo đuổi làm xuất phát điểm, mà nên thông qua trao đổi quan điểm tiến hành bàn bạc, cùng tìm phương án khiến cho đôi bên đều có thể chấp nhận được. Cuộc thương lượng nào cũng đều nảy sinh do hai bên có những lợi ích chung và những lợi ích mâu thuẫn nhau. Nếu người Mỹ và người Nga không có ít nhất một lợi ích chung (muốn giảm nguy cơ hủy diệt bằng chiến tranh hạt nhân) thì sẽ không có những cuộc đàm phán giữa hai bên để đạt thỏa thuận về giải trừ quân bị, nhưng nếu như giữa hai nước lại không có những lợi ích mâu thuẫn thì họ cũng chẳng ngồi thương lượng với nhau làm gì. Trong những cuộc thương lượng nhằm dàn xếp một cuộc đình công, một trong những lợi ích chung của chủ và người lao động là làm cho hoạt động sản xuất tiếp tục diễn ra, nhưng giữa họ,có nhiều lợi ích mâu thuẫn, và hai bên thương lượng để đưa ra một
giải pháp mà cả hai bên đều thỏa mãn. Bởi vì cố gắng của một bên để áp đặt cho bên kia một giải pháp sẽ thất bại do sức mạnh của bên kia hoặc do giải pháp đó không được thực hiện nếu không có sự tuân thủ tự nguyện của bên kia.