Điều chỉnh chính sách đối ngoại với các nước lớn

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH CỦNG CỐ VÀ BẢO VỆ ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA CỘNG HÒA ẤN ĐỘ TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 2015 (Trang 76 - 80)

NỘI DUNG CỦNG CỐ VÀ BẢO VỆ ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA CỘNG HÒA ẤN ĐỘ GIAI ĐOẠN 1991

3.1.2.1.Điều chỉnh chính sách đối ngoại với các nước lớn

+Với Trung Quốc:

Để củng cố và bảo vệ độc lập dân tộc một cách toàn vẹn, Ấn Độ cần phải xây dựng được một môi trường hòa bình và ổn định với các nước láng giềng và các quốc gia trong khu vực. Việc điều chỉnh mối quan hệ với Trung Quốc là một vấn đề rất quan trọng đối với quá trình này, Ấn Độ hy vọng sẽ tạo ra những điều kiện về lâu dài để giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới giữa hai nước, trung lập hóa Trung Quốc trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan, hạn chế bớt sự chống đối từ các phần tử li khai được cả Pakistan và Trung Quốc hậu thuẫn. Mặt khác, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc giúp Ấn độ phát triển được buôn bán thương mại với thị trường đầy tiềm năng này.

Ngay sau khi lên nắm quyền, Chính phủ của Thủ tướng N.Rao đã có những động thái tích cực để cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc thông qua việc ông mời thủ tướng Trung Quốc - Lý Bằng sang thăm Ấn Độ. Trong chuyến thăm 5 ngày tại Ấn Độ, lãnh đạo hai nước đã nhất trí rằng vấn đề gay go về biên giới cần một khoảng thời gian kiên trì để giải quyết. Hai bên đã công nhận, tạm thời, nên giữ gìn an ninh hòa bình và tiếp tục duy trì tình trạng yên tĩnh dọc theo vùng biên giới. Vấn đề biên giới không nhất thiết phải trở thành rào cản cho việc cải thiện và mở rộng mối quan hệ hai nước. Sau gần ba thập kỷ bị gián đoạn, mối quan hệ hợp tác nhiều mặt Trung - Ấn một lần nữa lại được xác lập. Tiếp đó, chính phủ mới thực hiện một loạt các chuyến thăm cấp cao đến Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ với nước này. Cụ thể: tháng 05/1992, Tổng thống R.Venkataraman thăm Trung Quốc, đây là chuyến thăm cấp nguyên thủ đầu tiên của Ấn Độ đến Trung Quốc kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập. Tháng 09/1993, Thủ tướng Ấn Độ N.Rao thăm Trung Quốc và ký Hiệp định về duy trì an ninh hòa bình và hữu nghị trên Đường Kiểm soát thực tế

khu vực biên giới Trung - Ấn tại Bắc Kinh và Hiệp định hợp tác Trung - Ấn trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, quản lý môi trường, truyền thông - thông tin, công nghệ vũ trụ và văn hóa. Chuyến thăm này đã đánh dấu một sự xích lại gần nhau hơn nữa trong mối quan hệ Trung - Ấn đồng thời có tác động tích cực tới môi trường an ninh, hợp tác ở khu vực, đặc biệt là ở Nam Á, tạo lợi thế cho Ấn Độ và Trung Quốc trong mối quan hệ với các nước lớn khác nhất là với Mỹ. Tháng 11/1996, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân thăm cấp nguyên thủ đầu tiên tới Ấn Độ và ký Hiệp định về các biện pháp xây dựng niềm tin về quân sự ở khu vực đường biên giới Kiểm soát thực tế, hiệp định về duy trì tổng lãnh sự Ấn Độ ở Hồng Kông sau năm 1997, hiệp định về vận tải biển, hiệp định về hợp tác chống buôn lậu ma túy và các tội phạm khác.

Với sự kiện Ấn Độ thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân ngày 11/5/1998 đã làm cho mối quan hệ hai nước xấu đi nghiêm trọng. Tuy nhiên, hai bên sau đó đã đạt được nhận thức chung là: tiền đề để phát triển quan hệ Trung - Ấn là hai bên không coi đối phương là “mối đe dọa” của nhau và nền tảng của quan hệ Trung - Ấn là “5 nguyên tắc chung sống hòa bình”. Chuyến thăm Trung Quốc và dự l kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao của Tổng thống Ấn Độ Narayanan (2000) đánh dấu việc hai nước khôi phục lại quan hệ sau những căng thẳng xung quanh việc Ấn Độ thử hạt nhân năm 1998.

+ Với Mỹ:

Trước năm 1991, do đường lối đối ngoại khác nhau và do những mối quan hệ chồng chéo phức tạp của Mỹ và Ấn Độ với Liên Xô và Pakistan nên quan hệ hai nước rất mờ nhạt. Sau Chiến tranh lạnh, trong trật tự thế giới mới mà Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, bất kỳ một quốc gia nào khi hoạch định chính sách đối ngoại thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh cũng đến phải tính đến vài trò của Mỹ. Ấn Độ xác định công cuộc cải cách kinh tế của Ấn Độ không thể thành công nếu không có sự hợp tác, vốn và kỹ thuật của Mỹ, vì vậy, điều chỉnh chính sách đối ngoại với Mỹ được Ấn Độ ưu tiên hàng đầu. Mặt khác, Ấn Độ và Mỹ đang có những bất đồng quan điểm trong vấn đề nhân quyền và vấn đề thử phổ biến vũ khí hạt nhân. Để tìm hiểu hơn quan điểm của Mỹ về những bất đồng và không muốn kéo dài tình trạng quan hệ xấu

giữa hai nước làm cản trở quan hệ kinh tế và đầu tư của Mỹ vào Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ N.Rao đã chủ động đi thăm Mỹ vào tháng 5/1994. Trong chuyến thăm Mỹ (14 - 19/5/1994), ông đã khéo léo trình bày vấn đề nhân quyền ở Kashmir để giảm bớt sự bất đồng giữa hai nước. Thủ tướng cũng giới thiệu cuộc cải cách kinh tế mà Ấn Độ đang triển khai và những cơ hội to lớn mở ra cho quan hệ kinh tế của hai bên. Ngoài ra, Thủ tướng N.Rao còn có các cuộc gặp gỡ giới kinh doanh và đầu tư hàng đầu của Mỹ và cộng đồng Ấn kiều đang sinh sống và làm việc tại Mỹ để kêu gọi họ đầu tư về nước. Chuyến đi này của Thủ tướng đã mang lại thành công đáng kể. Mỹ đã bổ nhiệm F.Wisner làm Đại sứ tại New Delhi sau 6 tháng chiếc ghế này bỏ trống. Mỹ đã tích cực hơn trong cải thiện quan hệ giữa hai nước, thừa nhận quan điểm của Ấn Độ rằng, Pakistan đã tiếp tay cho các lực lượng khủng bố ở Punjap, Jamu và Kashmir, cam kết hợp tác với Ấn Độ để chống khủng bố. Đặc biệt, trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ W.Perry (1994), hai bên đã ký “Hiệp ước Hợp tác Phòng thủ chung” nhằm giải tỏa những ngờ vực lẫn nhau trong suốt 40 năm thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tiếp đó, năm 1997, hai bên ký Hiệp định dẫn độ tội phạm, một bước đi quan trọng của hai nước trong hợp tác chống khủng bố và buôn bán ma túy quốc tế.

Sau khi Ấn Độ đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân tại Sa mạc Pokhran năm 1998, Tổng thống B.Clinton đã ký sắc lệnh trừng phạt Ấn Độ. Để giảm thiểu những phản ứng của cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ, Ấn Độ một mặt gửi thư cho Tổng thống Mỹ và một số nguyên thủ quốc gia các nước để giải thích nguyên nhân của các vụ thử hạt nhân, mặt khác cử Phó Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Ấn Độ Jaswant.Singh sang Mỹ để giải thích chính sách hạt nhân của Ấn Độ nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai nước. Kết quả là, tháng 10/1999, Mỹ bãi bỏ thêm một phần lệnh cấm vận kinh tế đối với Ấn Độ.

Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Bill Clinton (03/2000) đánh dấu bước chuyển biến mới trong quan hệ Ấn - Mỹ. Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của một Tổng thống Mỹ sau 23 năm kể từ chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống J.Cater (1978), đồng thời chính thức thiết lập cơ chế hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa hai nước. Cùng đi với Tổng thống là 1200 người đại diện cho các giới kinh doanh của Mỹ [38, tr138]. Đây có thể nói là một dấu hiệu tốt cho hợp tác kinh tế Ấn - Mỹ.

Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký Tuyên bố “Quan hệ Mỹ và Ấn Độ: Tầm nhìn trong thế kỷ XXI”. Mỹ thừa nhận, trong quá khứ quan hệ hai nước “đã bị trôi nổi”

nhưng giờ đã bước vào giai đoạn mới - giai đoạn tin tưởng về chính trị và có lợi về kinh tế, Mỹ và Ấn Độ đang và sẽ là đồng minh trên con đường dân chủ. Đặc biệt, lần đầu tiên Mỹ tuyên bố ủng hộ quan điểm của Ấn Độ về khu vực Kashmir. Phát biểu trước Hội nghị liên tịch của hai viện Quốc hội Mỹ (2000), Thủ tướng B.Vajpayee khẳng định: Ấn Độ và Mỹ là đồng minh tự nhiên”,“hoan nghênh sự hiện diện và công nhận vai trò của Mỹ trong việc giữ trật tự ở Vùng Vịnh . Tháng 09/2000, hai bên ký “Tuyên bố chung hợp tác về kiểm soát vũ khí, chống khủng bố và AIDS”.

+ Với Liên bang Nga:

Ấn Độ cũng sẽ ưu tiên cho mối quan hệ truyền thống này vì Nga nắm giữ quyền phủ quyết trong Hội đồng Bản an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng có những điều chỉnh để thích ứng với hoàn cảnh mới. Dựa vào kinh nghiệm lịch sử trong mối quan hệ với Liên Xô trước đây, trong mối quan hệ với Liên bang Nga, Ấn Độ sẽ thể hiện tính chất năng động hơn, ít bị phụ thuộc hơn.

Những năm đầu ngay sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Ấn Độ tập trung vào khôi phục kinh tế sau những khủng hoảng trầm trọng, còn Liên bang Nga lại thực hiện chính sách thân Phương Tây vì vậy mối quan hệ hai quốc gia tương đối mờ nhạt. Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống B.Yelstin tháng 01/1993 được coi là bước đi khai thông bế tắc, trì trệ, mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hai nước. Thủ tướng Ấn Độ N.Rao gọi đây là “mốc son quan trọng trong quan hệ Ấn - Nga”. Trong chuyến thăm này, hai nước đã ký “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác” thay cho Hiệp ước năm 1971, “Hiệp định hợp tác phòng vệ Nga - Ấn”, “Nghị định thư hợp tác thương mại” và thành lập Ủy ban liên chính phủ Nga - Ấn về hợp tác kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật. Để củng cố mối quan hệ vừa được khai thông, Ấn Độ triển khai các chuyến thăm cao cấp tới Liên bang Nga nhằm thúc đ y quan hệ chính trị tốt đẹp, phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước. Điển hình là: tháng 06/1994, Thủ tướng Ấn Độ N.Rao thăm Liên bang Nga, tiếp đó cuối năm 1994, Thủ tướng Nga thăm Ấn Độ và ký “Tuyến bố Moscow” về bảo vệ lợi ích của các quốc gia đa dân tộc và nhiều hiệp định, thỏa thuận mới.

Sau khi Tổng thống Vladimia Putin lên nắm quyền, Ấn Độ nỗ lực không ngừng để phát triển mối quan hệ truyền thống với Liên bang Nga. Tháng 10/2000, nhân chuyến thăm của Tổng thống V. Putin tới Ấn Độ, hai bên đã ký Tuyên bố chung về “Đối tác chiến lược” và 10 hiệp định bao gồm nhiều mặt trong quan hệ song phương. Điều này mở ra một kỷ nguyên mới cho cả hai nước trong bối cảnh quốc tế mới không ngừng thay đổi, đặc biệt tác động tích cực đến công cuộc củng cố và bảo vệ độc lập của Cộng hòa Ấn Độ.

+ Với Nhật Bản:

Trong suốt giai đoạn này, mối quan hệ Ấn - Nhật không mấy mặn mà. Một mặt do phía Nhật không đánh giá cao vai trò của Ấn Độ, nhưng nguyên nhân chính là do vụ thử bom nguyên tử của Ấn Độ năm 1998. Nhật Bản đã phản ứng dữ dội, cắt đứt các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và chấm dứt các khoản viện trợ chính thức. Ngoài ra, Nhật Bản còn tấn công về ngoại giao đối với Ấn Độ trên các di n đàn quốc tế và gắn các cam kết của Ấn Độ với NPT và CTBT như là điều kiện để được viện trợ ODA.

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH CỦNG CỐ VÀ BẢO VỆ ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA CỘNG HÒA ẤN ĐỘ TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 2015 (Trang 76 - 80)