Chính sách bảo tồn văn hóa

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH CỦNG CỐ VÀ BẢO VỆ ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA CỘNG HÒA ẤN ĐỘ TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 2015 (Trang 88 - 89)

NỘI DUNG CỦNG CỐ VÀ BẢO VỆ ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA CỘNG HÒA ẤN ĐỘ GIAI ĐOẠN 1991

3.1.4.1. Chính sách bảo tồn văn hóa

Kể từ sau Chiến tranh lạnh cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Ấn Độ chịu tác động sâu sắc bởi quá trình toàn cầu hóa. Với những tác động tích cực của toàn cầu hóa trong vấn đề kinh tế, chuyển giao công nghệ, Ấn Độ ý thức được rằng việc phát triển Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính trong toàn quốc sẽ mang lại cho Ấn Độ những cơ hội tiếp cận với thế giới hiện đại. Mặc dù Ấn Độ đã sử dụng Tiếng Anh trong các văn bản hành chính, ngôn ngữ giảng dạy tại các trường đại học nhưng tiếng Hindi vẫn được Ấn Độ duy trì song song như một ngôn ngữ chính thống của quốc gia này. Tại các cơ quan hành chính của Ấn Độ, người dân địa phương có thể giao dịch với cán bộ bằng tiếng địa phương của mình. Qua đó, người dân cảm thấy được tôn trọng và không gặp bất cứ một trở ngại nào về vấn đề ngôn ngữ trong khi giao dịch hành chính.

Ấn Độ là một quốc gia đa tôn giáo, song mỗi tôn giáo đều có vị trí như nhau và được quy định trong Hiến pháp của Ấn Độ. Nếu như Hindu được xem là chính giáo của Nepal, Phật giáo là chính giáo của Bhutan và Sri Lanka, Islam giáo là chính giáo của Pakistan, Bangladesh và Maldives thì trong suốt lịch sử phát triển của đất nước, Ấn Độ chưa bao giờ coi tôn giáo này hay tôn giáo kia là tôn giáo chính thức của nhà nước và không có tôn giáo nào bị cho là ngoại lai tại Ấn Độ. Tất cả các tôn giáo tạo nên một bức khảm mang đậm những nét đặc trưng riêng của Ấn Độ và chính sự thống nhất và hài hòa giữa các tôn giáo đã tạo một Ấn Độ dân chủ bậc nhất thế giới.

Năm 1995, chính phủ đã thông qua Chính sách bảo tồn di sản văn hóa quốc gia do Bộ Văn hóa soạn thảo từ năm 1992 với mục đích triển khai việc bảo tồn văn hóa Ấn Độ một cách hiệu quả nhất cả trung hạn và dài hạn. Một mặt, chính phủ Ấn Độ cho tiến hành việc sửa chữa, tu bổ, xây dựng lại, khôi phục các di tích lịch sử, các công trình khảo cổ học... với một nguyên tắc giữ nguyên triết lý, nét đặc sắc của mỗi công trình. Mỗi di sản phải duy trì được sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Mặt khác, chính sách hướng tới việc trang bị kiến thức chuyên sâu cho tất cả các đối tượng làm việc trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa như các chuyên gia, các

nhà khoa học, người trông coi di sản, kiến trúc sư, kỹ sư, nghệ nhân, các nhà quản lý di sản và các quan chức trung ương và địa phương... Đặc biệt, chính phủ đưa giáo dục văn hóa vào học đường giúp thế hệ trẻ thấm nhuần được những triết lý sống qua những di sản văn hóa của quốc gia. Việc giáo dục văn hóa cũng được triển khai ở tất cả các môn học như nghệ thuật, âm nhạc, kịch, văn học... để qua đó thế hệ trẻ Ấn Độ ý thức được trách nhiệm dân tộc trong việc bảo tồn văn hóa của họ. Chính phủ Ấn Độ rất quan tâm đến việc nhận diện các di sản tồn tại dưới nhiều dạng thức vật thể và phi vật thể vì coi tất cả đều có giá trị lớn của quốc gia. Nhận thức được các di sản sẽ mất đi ý nghĩa và sự truyền đạt thông tin cho các thế hệ tương lai một khi bị hư hại bởi tác động của thiên tai cũng như hoạt động của con người, vì vậy chính phủ coi việc bảo tồn di sản phải có hành động nghiêm túc và đã lập nên nhiều chiến lược cụ thể, dành kinh phí đáng kể cho quá trình này.

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH CỦNG CỐ VÀ BẢO VỆ ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA CỘNG HÒA ẤN ĐỘ TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 2015 (Trang 88 - 89)