6 truyện, dân tộc Tày có 5 truyện còn một truyện của dân tộc Giáy.
4.3.2. Phản ánh xã hội đan xen chế độ phụ hệ và mẫu hệ
Các nhà dân tộc học cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đều chỉ ra rằng các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc như Hmông, Dao, Tày, Nùng, Thái, Mường đều thực hiện tổ chức gia đình và xã hội theo chế độ phụ hệ trong đó vai trò của người đàn ông (người cha và con trai trưởng) là rất quan trọng. Người phụ nữ (kể cả mẹ già) thường phải lao động, làm việc cần mẫn, chăm chỉ và phải tuân thủ mọi quyết định của người đàn ông. Quyền thừa kế của cha mẹ theo chế độ này chỉ thuộc về người con trai, nhất là con trai trưởng, con gái hầu như không có gì. Thậm chí ở các dân tộc này, sự phân biệt nam nữ còn khắt khe trong nhiều phong tục sinh hoạt hàng ngày như phụ nữ không được tiếp khách nam, khi có khách phải để chồng và
khách ăn cơm trước. Đặc điểm xã hội này tương đồng với dân tộc Việt nhưng khác với khá nhiều dân tộc Nam Bộ và Tây Nguyên như Chăm, Ê đê, M’nông, Raglai… Thực tế này được phản ánh trong truyện kể các dân tộc thiểu số nhất là ở thể loại cổ tích với những biểu hiện cụ thể khá tương đồng với truyện cổ người Việt như các nhân vật bất hạnh được miêu tả chủ yếu là nam, xung đột giữa nhân vật mồ côi nam với người chú, người anh cả là xung đột trở đi trở lại. Đặc biệt, trong truyện kể của đồng bào miền núi phía Bắc, chúng tôi còn bắt gặp một tình tiết lý thú mà chúng tôi cho là có liên quan đến đặc điểm này. Đó là tình tiết được kể rằng các nhân vật bất hạnh (như mồ côi, người con riêng, người đội lốt) sau khi kết hôn với một đối tượng lý tưởng bao giờ cũng sinh được một đứa con trai và đứa con trai ấy lại chính là cầu nối đoàn tụ nếu hạnh phúc tạm thời bị thế lực nào đó mưu hại để nhân vật bất hạnh có được kết thúc viên mãn vĩnh viễn. Ở đây chúng tôi xin dẫn ra một ví dụ điển hình ở yếu tố cầu nối trong motif đoàn tụ của kiểu truyện người con riêng các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Nếu trong truyện Tấm Cám của người Việt và truyện của một số dân tộc khác, miếng trầu là tín hiệu, là cầu nối cho vợ chồng người con riêng gặp nhau sau thời gian gặp muôn vàn thử thách thì ở truyện các dân tộc miền núi phía Bắc, đứa con trai chính là cầu nối. Các chi tiết thường được kể khái quát thành một số hình thức sau: người mẹ vờ đánh rơi thoi và nhờ đứa con nhặt hộ, người mẹ lấy tóc tết thành dây và đưa cho đứa con, đứa bé đuổi theo con mèo đã vồ mất chiếc đùi gà mà vào đến phòng nơi người mẹ đang ngồi, đứa con được người mẹ cho bú, vắt sữa ra lòng bàn tay hoặc đưa cho chiếc trâm…Đứa bé nhận ra mẹ mình liền về bảo cha và cả gia đình đoàn tụ.
...Truyện Ý Ưởi- Ý Noọng của dân tộc Thái kể về việc gia đình Ý Ưởi nhận ra nhau và đoàn viên như sau: Một hôm thấy con đi chơi qua gầm sàn nhà, Ý Ưởi vờ đánh rơi thoi và thò tay xuống sàn nhà nhờ con nhặt hộ. Đứa con trông thấy cánh tay, nhận ra tay của mẹ liền chạy về nhà nói với bố. Tạo Khôn Chương mừng rỡ đến nhà bà cụ hỏi thăm. Hai vợ chồng gặp nhau vui mừng khôn xiết. Tạo xin bà cụ đưa nàng về nhà [126, tr 355]. Truyện Gầu nà của dân tộc Hmông kể: Một hôm đứa con trai gặp người con gái và hỏi:- Cô ơi, sao cô giống mẹ cháu như đúc thế? …Người con gái rút một cuộn dây tết bằng tóc đưa cho em bé và dặn: - Cháu về bảo bố lấy một bát cơm rắc xung quanh nương rồi cuộn lấy dây này đo trên đường cơm rắc,
nếu không thừa không thiếu thì cô chính là mẹ cháu [126, tr 84]. Truyện Tua Tềnh Tua Nhì của người Tày lại kể: Nhà vua cùng bà cụ và con trai ngồi ăn tiệc…Đứa con vua khi ấy đang cầm một chiếc đùi gà định ăn thì một con mèo ở đâu chạy đến giằng lấy trên tay và chạy tót vào buồng…Đứa bé chạy vào lúc sau đứa bé ra ngửa lòng bàn tay cho bố xem. Những giọt sữa trắng ngần, thoảng hương thơm…Nhà vua nhận ra những giọt sữa của chính người vợ cũ của mình [64, tr 195]. Chi tiết này chúng tôi không thấy xuất hiện trong truyện kể của người Việt và các dân tộc khác. Chi tiết này có thể cho thấy quan niệm và hình dung cụ thể về phần thưởng giành cho những con người bất hạnh mà tốt bụng của đồng bào miền núi là một mái ấm gia đình lý tưởng gồm vợ chồng và đứa con trai. Đây hẳn cũng là một biểu hiện của sự tồn tại chế độ phụ hệ với quan niệm coi trọng người đàn ông, người con trai trưởng.
Trong khi đó, truyện kể của một số dân tộc thiểu số khu vực miền Nam và Tây Nguyên như Tà Ôi, Chu ru, Chăm, M’nông…lại rất chú ý đến các nhân vật bất hạnh là nữ. Bên cạnh đó, xung đột cậu- cháu và vai trò của ông cậu cũng được thể hiện rõ. Điều này hẳn là sự phản chiếu của một chế độ xã hội mà người phụ nữ được coi trọng, quan tâm và có những quyền hạn nhất định trong đời sống. Thực tế khảo sát trên một phạm vi tư liệu phong phú, chúng tôi nhận thấy truyện kể các dân tộc miền núi phía Bắc cũng có những type truyện, những motif, những chi tiết phản ánh một số khía cạnh có liên quan đến chế độ mẫu hệ. Tiêu biểu là sự xuất hiện của nhóm truyện về nhân vật em gái út trong xung đột với các chị gái và nhóm truyện về nhân vật con rể trong quan hệ với bố mẹ vợ. Nhóm truyện về nhân vật em gái út có thể là một bộ phận của type truyện về kiểu hôn nhân người – rắn vừa bộ phận đặc biệt của type truyện về người em. Bởi lẽ, ở nhóm truyện này, nhân vật em gái út đóng vai trò là nhân vật trung tâm, xung đột chị em gái đã trở thành xung đột chủ đạo. Mâu thuẫn chị em gái bắt đầu nảy sinh khi các chị em gái đến tuổi kết hôn và nhân vật xuất hiện để thử thách các chị em gái thường là một con vật (con Rắn). Điều này là khác biệt so với truyện cổ tích của dân tộc Việt. Trong truyện cổ tích dân tộc Việt, em trai út là nhân vật trung tâm, xung đột chủ yếu với anh trai hoặc mở rộng là vợ chồng anh trai về phương diện tài sản kế thừa. Xung đột chị em gái có xuất hiện nhưng chỉ đóng vai trò là xung đột phụ trong kiểu truyện “người đội lốt vật” (người xấu xí mà có tài). Người đội lốt cuối cùng cởi bỏ lốt lại vẫn trở thành những chàng trai khôi ngô, tuấn
tú. Mối quan tâm của tác giả dân gian vẫn tập trung vào người đàn ông- trụ cột gia đình và xã hội theo tổ chức gia đình phụ hệ. Còn với đồng bào miền núi phía Bắc, số phận và hạnh phúc của người phụ nữ vẫn được bày tỏ và thể hiện trong kho tàng truyện kể dân gian. Nhóm truyện này là khác biệt với truyện của dân tộc Việt nhưng lại tương đồng với truyện của một số dân tộc Tây Nguyên và Nam Bộ như Chăm, Giarai, Xơ đăng, Chu ru, Raglai, Tà ôi. Trong các dân tộc này, một số dân tộc có tổ chức gia đình theo chế độ mẫu hệ điển hình như Chăm, Giarai, Raglai, một số dân tộc theo chế độ phụ hệ có thể do sinh sống xen kẽ với các dân tộc theo chế độ mẫu hệ nên trong đời sống phụ nữ vẫn được kính trọng. Và đặc điểm này đã phản chiếu trong những nhóm truyện mà nhân vật nữ trở thành nhân vật trung tâm. Vì thế, ở truyện kể của các dân tộc này cũng xuất hiện nhóm truyện kể về nhân vật em gái út trong xung đột gay gắt với các chị gái.
Một nhóm truyện độc đáo có thể coi như “đặc sản” của đồng bào thiểu số miền núi phía Bắc là nhóm truyện kể về nhân vật con rể. Có hai chủ đề đối lập nhau được phản ánh trong kiểu truyện này: một là truyện kể về việc các chàng rể bị bố mẹ vợ lợi dụng bóc lột sức lao động, phải dùng đến trí thông minh, sự nhanh trí để đấu tranh chống lại thực tế đó. Hai là kể về những chàng rể láu lỉnh thường tìm cách lừa gạt, chơi khăm bố mẹ vợ lắm khi đẩy bố mẹ vợ vào tình cảnh trớ trêu dở khóc dở cười. Nhóm truyện này chắc chắn có liên quan đến tục ở rể vốn rất phổ biến trong đời sống nhiều dân tộc thiểu số phía Bắc. Tục này có thể coi là dấu hiệu sót lại của chế độ mẫu hệ và phong tục hôn nhân mẫu hệ như nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Huế từng nhận định: Những yếu tố có quan hệ tới chế độ hôn nhân mẫu hệ như phong tục ở rể, vai trò ông cậu…đã được sử dụng, được biến đổi lại trong mô típ thử thách của những cốt truyện về đề tài nhân vật xấu xí mà tài ba một cách rất độc đáo [31, tr 101]. Các dân tộc theo chế độ mẫu hệ điển hình như Ê- đê, Raglai, Gia rai, M’nông…cũng có tục lệ này cùng với một số tục khác liên quan như phụ nữ đi hỏi chồng, con tính theo mẹ, tục nối dây. Thời gian ở rể được coi là thời gian thử thách mọi mặt đối với chú rể tương lai. Chàng phải sống, làm việc, ứng xử như một người ở tại nhà vợ tương lai của mình. Nếu trong thời gian ở rể mà chàng trai có điều gì khiến nhà gái không hài lòng thì có thể bị đuổi về “không kèn không trống” [61, tr 136]. Tất nhiên trong thực tế đời sống, tục ở rể và vai trò của chàng rể cũng có những
biến đổi tùy vào từng dân tộc. Một số dân tộc có cách ứng xử với con rể mềm dẻo hơn như tác giả Lò Giàng Páo đã chỉ ra Đối với người Khơ Mú, người Lô Lô tuy vai trò trưởng nam đã được xác định nhưng chủ trì tang lễ lại do người con rể hoặc cháu rể. Rể cũng được chia một phần tài sản của người đã mất. [86, tr 61]. Dù vậy, sự tồn tại của tục ở rể vẫn khẳng định tâm lý coi trọng người phụ nữ của đồng bào. Đồng bào miền núi phía Bắc tổ chức gia đình theo chế độ phụ hệ nhưng ở một số dân tộc, đồng bào lại có những quan niệm không hoàn toàn tuân theo chế độ này. Ở đây có thể đặt ra một giả thiết rằng, sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo không mạnh mẽ như với dân tộc Việt nên trong suy nghĩ của đồng bào tư tưởng “trọng nam khinh nữ” không chiếm lĩnh một cách tuyệt đối.
Điển hình như ở dân tộc Hmông, tác giả Hoàng Lương khi nghiên cứu về văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam đã có lưu ý: Trong thực tế, vai trò của bà cô, ông cậu lại rất quan trọng trong gia đình. Tuy bà cô khi đi lấy chồng đã thành ma nhà chồng nhưng bà cô lại luôn có trách nhiệm các cháu- con của em trai mình. Hơn thế, bà cô còn có ý kiến quyết định trong những nghi thức làm ma của dòng họ…Ông cậu có vai trò lớn trong ma chay, tổ chức đám ma và là người đầu tiên đập bò làm ma [61, tr 121-122]. Tác giả Lò Giàng Páo cũng chỉ ra rằng: Nói chung đối với các dân tộc ở miền Bắc, vai trò của trưởng họ, trưởng tộc rất lớn nhưng trong cung cách ứng xử, mỗi dân tộc lại có những khác biệt. Theo chế độ phụ quyền thì con gái không có quyền thừa kế, nhưng có tộc người lại chia đều cho cả con trai và con gái...Ở người Hà Nhì, người vợ chịu trách nhiệm cúng tổ tiên [86, tr 61]. Như vậy, có thể thấy, chế độ phụ hệ trong tổ chức gia đình ở các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc vẫn còn sót lại một số biểu hiện của chế độ mẫu hệ. Và thực tế xã hội này đã được phản ánh trong truyện kể, là cơ sở hình thành một số type truyện độc đáo.