Truyện về người đội lốt vật

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 98 - 101)

4 dân tộc Tày, Thái, Hmông, Nùng, trong đó, số lượng truyện chủ yếu thuộc về ha

3.2.5. Truyện về người đội lốt vật

Đây cũng là một trong những bộ phận truyện độc đáo, đặc sắc xuất hiện trong kho truyện cổ tích các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Chúng tôi thống kê được

22 truyện của 8 dân tộc Tày, Thái, Hmông, Mường, Pu Péo, Lô Lô, Giáy, Hà Nhì,

trong đó, dân tộc Tày có số lượng truyện kể nhiều nhất (9/22 truyện).

Qua khảo sát, có thể thấy một số truyện có kết cấu tương đồng hoàn toàn với truyện Sọ Dừa của người Việt như các truyện Chàng Khọ, Chàng Bầu của dân tộc Mường, truyện Chàng rể chuột của dân tộc Tày…. Đây hẳn là một trong những minh chứng cụ thể cho quá trình giao lưu, ảnh hưởng và tiếp nhận do sự gần gũi đặc biệt giữa các tộc người Việt- Mường và Việt -Tày. Số truyện kể còn lại có chung về cốt lõi truyện, loại nhân vật nhưng cách kể có khác ở một số tình tiết. Nhân vật chính của kiểu truyện này thường phải mang vẻ ngoài kì dị, xấu xí như đội lốt một con rùa, quả trứng, con cóc, con dê, con khỉ, con rắn, con ếch…nhưng thực chất lại là những con người kì diệu có vẻ đẹp, tài năng hơn người. Cơ sở nảy sinh kiểu truyện này có thể do nhiều yếu tố. Đó là sự kết hợp của môi trường sống gắn bó với tự nhiên, tín ngưỡng nguyên thủy, quan niệm về sự sống và cả sự tác động của hiện thực đời sống. Trong kiểu truyện này, người đội lốt không chỉ xung đột với lực lượng là giai cấp trên (cha mẹ của những cô gái xinh đẹp mà người đội lốt muốn kết hôn) mà còn mang thêm trách nhiệm của một anh hùng đánh giặc cứu nước. Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa chị cả với em út (em út là người chấp nhận lấy nhân vật đội lốt làm chồng) cũng được phản ánh trực tiếp và gay gắt.

Kiểu truyện này khẳng định ý thức đề cao, coi trọng vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất bên trong, thể hiện quan niệm về sự tương xứng giữa phẩm chất cao đẹp bên trong với vẻ đẹp hình thức bên ngoài. Về một phương diện nào đó, kiểu truyện cũng thể hiện lòng nhân ái, chia sẻ với những con người không may mắn có một ngoại hình xấu xí. Những motif điển hình trong kiểu truyện này của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc là sinh nở thần kỳ,bắt chước không thành công, cởi lốt biến thành người đẹp, kết hôn, thử thách và vượt qua thử thách, hủy lốt và sự biến hóa thần kỳ của cái lốt…

Về motif sinh nở thần kỳ, truyện kể các dân tộc thiểu số miền núi có cách kể rất đa dạng, thú vị và khác biệt nhất định so với truyện kể các dân tộc khác. Cụ thể đó là các hình thức sau đây: Cô gái trẻ câu được ếch và nuôi bằng sữa của mình (Ếch

lấy con vua- Hmông), người ăn con vật gì biến thành con vật ấy (Chàng rể sóc-

Thái), ếch tự nhiên xuất hiện nhận mẹ nuôi và có phép lạ (Chàng ếch- Tày), bà góa ngủ bị chuột đái vào người, có mang sinh ra chuột (Chàng rể chuột- Tày), bà góa uống vũng nước lạ sinh ra rùa (Chàng rể rùa- Tày), bà mẹ ra mộ chồng than khóc, về có mang sinh ra cái túi (Ông vua túi - Thái), người vợ đã lớn tuổi nhìn quả bầu đẹp buột mồm ước, về có mang sinh ra cục thịt đặt tên là Bầu (Chàng Bầu- Mường), cô gái chưa chồng đào giếng, có mang, sinh ra con tròn lông lốc (Chàng Khọ- Mường), vợ chồng già có mang sinh ra cóc (Vua Cóc- Tày), người đàn bà đã về già chưa có con, được cụ già cho một bông hoa, bông hoa nở ra con rùa (Nhảy vào lửa cứu chồng- Hmông), người ở nhặt được chiếc cúc bằng vàng, nuốt vào bụng, có chửa đẻ ra một con rùa (Con rùa vàng- Tày), hai vợ chồng già cầu trời khấn phật, trồng bí, được một quả to khác thường, đem bổ thì nhảy ra một con cóc (Chàng Cóc lấy vợ tiên- Lô Lô), bà góa ra miếu thờ cầu cúng về có mang sinh ra chú ếch (Vua Ếch- Pu Péo), ông cụ có cô con gái tật nguyền, một lần do ếch nhảy vào bẹn, có mang sinh ra một con ếch (Vua Ếch- Tày), hai vợ chồng già chưa có con, kêu trời, một ngày người vợ mang thai 12 tháng, sinh ra 1 con nhái (Chàng Nhái- Tày), chàng Út được Pựt cho khoác bộ áo dê để trở lại trần gian (Chàng rể dê- Tày), vợ chồng vô tình đốt cây làm khói và hương thơm bay tới trời, trời cho tướng cóc xuống xem có gì cần giúp đỡ- >bà vợ mang thai, đẻ ra cóc (Chàng cóc- Tày).

Các cách kể đa dạng nhưng thống nhất ở chỗ, nhân vật đội lốt được sinh ra do một cô gái trẻ hoặc bà góa hoặc vợ chồng già hiếm con bị một tác động lạ. Đó là hoàn cảnh xuất thân thiệt thòi, bất hạnh, kỳ lạ của nhân vật mang lốt. Cách kể này phù hợp với mạch kể tiếp theo về những cái lốt bất thường mà nhân vật giấu thân vào. Theo nhà nghiên cứu Phan Xuân Viện, thì “sự sinh đẻ thần kỳ đem đến cho nhân vật một nguồn gốc thần linh, biến số phận bế tắc của nhân vật thành một sự báo hiệu khác thường thần thánh, tàng ẩn những tính chất kỳ lạ. Motif sinh đẻ thần kỳ của nhân vật xấu xí vừa mang yếu tố hiện thực, vừa mang yếu tố thần kỳ lãng mạn” [132]. Theo chúng tôi, quá trình mang thai và sinh nở thần kỳ và những cái lốt vật khác thường của kiểu nhân vật này còn bắt nguồn từ thần thoại với quan niệm con người gắn bó với tự nhiên, con người và tự nhiên có chung một gốc.

Motif cái lốt trong kiểu truyện người đội lốt các dân tộc miền núi phía Bắc bao gồm: Con ếch (Ếch lấy con vua - Hmông, Chàng Ếch, Vua Ếch- Tày, Vua Ếch- Pu Péo), con cóc (Lệnh Trừ, Vua cóc, Chàng Cóc - Tày, Chàng Cóc lấy vợ tiên- Lô Lô), con sóc (Chàng rể sóc -Thái), con chuột (Chàng rể chuột - Tày), con rùa (Chàng rể rùa, Con rùa vàng – Tày, Nhảy vào lửa cứu chồng – Hmông, Chàng Rùa mai vàng- Thái), cái túi (Ông vua túi- Thái), cục thịt (Chàng Bầu, Chàng Khọ – Mường), con nhái (Chàng Nhái- Tày), con dê (Chàng rể dê- Tày).

Có thể thấy, motif cái lốt trong truyện kể của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc đa số được thể hiện dưới hình thức là lốt con vật- hình thức phổ biến nhất trong truyện cổ tích các dân tộc nói chung. Ếch, cóc, rùa.. là những con vật quen thuộc đối với đời sống cư dân nông nghiệp lúa nước thuở xưa. Đây là sự gặp gỡ của đồng bào miền núi phía Bắc với các dân tộc khác. Hình ảnh người đội lốt cái túi là một sáng tạo riêng của đồng bào Thái còn truyện của đồng bào Mường lại có chi tiết lốt người trong cục thịt, bọc thịt. Đây có thể là sự ảnh hưởng của motif cổ xưa trong thần thoại về nguồn gốc con người. Ở một số dân tộc khác như các tộc người Nam Đảo, lốt xấu xí còn được thể hiện qua hình thức người dị dạng, xấu xí như thân nhỏ bằng ngón tay út, thân vừa lùn vừa gù, mình người da trâu, da voi, người đen như than, người có đôi tai to dị thường…Những hình thức này chúng tôi chưa thấy xuất hiện trong truyện kể về nhân vật đội lốt của các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc mà đôi khi nó lại xuất hiện trong kiểu nhân vật người khỏe.

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 98 - 101)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w