9 Pu Péo 2 11 10Lô Lô3
2.2.2. Các nhóm truyền thuyết tiêu biểu
. . .Quan điểm về thể loại truyền thuyết còn khá phức tạp nên vấn đề phân loại
chưa hoàn toàn có sự thống nhất giữa các nhà nghiên cứu. Tác giả Lê Chí Quế đã chia truyền thuyết thành bốn loại, bao gồm: Truyền thuyết lịch sử; truyền thuyết anh hùng; truyền thuyết về các danh nhân văn hóa; truyền thuyết về các nhân vật tôn giáo [91, tr 49]. Tác giả Đỗ Bình Trị đưa ra hai cách phân loại về truyền thuyết. Cách thứ nhất vừa căn cứ vào lịch sử, vừa căn cứ vào “phạm vi những sự kiện và nhân vật lịch sử được nhân dân quan tâm”, truyền thuyết được tác giả chia làm hai bộ phận lớn: Những truyền thuyết về thời các Vua Hùng; Những truyền thuyết về sau thời các Vua Hùng. Cách thứ hai không căn cứ theo lịch sử mà căn cứ một mặt vào những đặc trưng chung của cả thể loại, một mặt căn cứ vào sự khác biệt của đối tượng được kể đến, truyền thuyết được chia làm 3 loại: Truyền thuyết địa danh; truyền thuyết phổ hệ; truyền thuyết về nhân vật và sự kiện lịch sử [118]. Tiếp thu các cách phân loại trên, dựa vào thực tế khảo sát văn bản truyền thuyết các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, chúng tôi phân tích, nghiên cứu trên hai tiểu loại tiêu biểu: truyền thuyết về nhân vật anh hùng lịch sử và truyền thuyết địa danh. Chúng tôi cũng quan niệm rằng
với văn học dân gian, truyện kể dân gian và nhất là với truyền thuyết, mọi sự phân loại chỉ mang tính chất tương đối. Bởi lẽ, sự phản ánh xen kẽ, lồng ghép vào nhau các đề tài, nội dung giữa các tiểu loại là hiện tượng rất phổ biến. Nghĩa là, trong các truyện kể về các nhân vật anh hùng văn hóa hay nhân vật lịch sử chúng ta thấy cả nội dung giải thích địa danh và ngược lại trong truyền thuyết địa danh, các sự kiện và nhân vật lịch sử cũng ít nhiều được phản ánh.