Khái quát về tư liệu và diện mạo chung truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 35 - 39)

1.6. Khái quát về tư liệu và diện mạo chung truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc thiểu số miền núi phía Bắc

Trong luận án này, chúng tôi đã tiến hành tập hợp và thống kê từ nhiều tuyển tập văn học dân gian, văn hóa dân gian, truyện kể của các dân tộc từ những năm 64 cho đến những năm gần đây như phần lịch sử đã giới thuyết. Những truyện kể của các dân tộc được sưu tầm, giới thiệu bởi nhiều tác giả và nhóm tác giả. Một trong nhiều số ấy là những người con của chính dân tộc đó ghi chép và biên soạn lại với mục đích giới thiệu và lưu giữ vốn văn học của dân tộc mình. Họ có lòng say mê, có ý thức và vốn sống về tri thức bản tộc nhưng về phương pháp, cách thức làm việc chưa có tính chuyên nghiệp cao. Một số tác giả khác không phải là cư dân bản địa nhưng có điều kiện thâm nhập vào đời sống các dân tộc và cũng say sưa ghi chép,

lưu truyền và chuyển tải vốn văn hóa quý báu ấy đến với các thế hệ sau. Tuy vậy, kho truyện mà những tác giả này sưu tầm, biên soạn hầu như chưa được sắp xếp, phân loại và chọn lọc một cách hợp lý và khoa học. Nhà sưu tầm chủ yếu cố gắng ghi chép và biên soạn lại tất cả những bản kể mà đồng bào các dân tộc còn ghi nhớ và lưu truyền được. Bản thân văn học dân gian nói chung, truyện kể dân gian nói riêng là những sáng tác truyền miệng nên nó thường có xu hướng vận động, biến đổi liên tục cùng thời gian và không gian. Đó cũng là những sản phẩm văn hóa mang tính nguyên hợp rõ nét, được hình thành để phản ánh một vấn đề nhận thức nào đó và phản ánh trình độ sáng tạo nghệ thuật một cách không tự giác. Do vậy, những bản kể đầu tiên do đồng bào sáng tạo và lưu giữ, qua các thế hệ, đến với người sưu tầm, biên soạn ghi chép rồi đến với người nghiên cứu là cả một khoảng cách lớn. Thực tế, có những bản kể mà nội dung và hình thức có sự pha tạp của nhiều yếu tố rất khó có thể đưa vào cơ cấu các thể loại truyện kể dân gian. Vì thế, trong luận án này, trước hết, chúng tôi đã thống kê, sắp xếp các truyện kể vào các bảng thể loại sau đó tiến hành tập hợp và khảo sát tối đa những bản kể có chung cốt truyện và nội dung phản ánh trong mỗi thể loại, nghĩa là các bản kể thuộc cùng một type của các dân tộc để có thể có những kết quả khảo cứu mang tính khái quát, hệ thống cũng như bước đầu chỉ ra được một số đặc trưng của truyện kể các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc.

Trên tinh thần đó, chúng tôi đã thống kê, khảo sát chủ yếu trên các tập truyện tiêu biểu sau: Truyện cổ tích miền núi [73], Truyện cổ Việt Bắc [94], Truyện cổ Việt Bắc [96,97], Truyện cổ dân tộc Mèo [100], Truyện cổ dân tộc Mèo [134], Truyện cổ dân tộc Mèo Hà Giang [135], Truyện cổ Tày Nùng [95], Truyện cổ các dân tộc Việt Nam [126], Truyện cổ Dao [101], Truyện cổ dân tộc Thái [124], Truyện cổ Thái [18],

Truyện dân gian Thái [9], Truyện cổ Bắc Kạn (3 tập) [64], Truyện cổ các dân tộc ít người Việt Nam [125], Truyện cổ Mường Hà Sơn Bình [108], Truyện cổ xứ Lạng [4],

Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam [114,115,116].

Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng nguồn truyện được sưu tập trong một số tập truyện nhỏ lẻ khác và một số tư liệu trong các công trình của một số nhà nghiên cứu đi trước đã công bố để phân tích, so sánh từ đó đưa ra những nhận xét mang tính khái

quát. Phần tư liệu này chúng tôi sẽ kể đến trong các bảng thống kê cụ thể ở các chương sau.

Qua khảo sát nguồn tư liệu kể trên chúng tôi nhận thấy, truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc gồm đầy đủ các thể loại: thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười và truyện ngụ ngôn.

Thần thoại là thể loại có số lượng truyện khá phong phú phản ánh những chủ đề mang tính phổ biến từ thần thoại kể về nguồn gốc trời đất, nguồn gốc loài người, nguồn gốc muôn loài đến những truyện kể về công cuộc chinh phục tự nhiên, sáng tạo văn hóa của con người thời nguyên thủy. Hình thức phản ánh của thần thoại các dân tộc miền núi phía Bắc nhìn chung có nhiều điểm gặp gỡ với thần thoại các dân tộc ở các khu vực khác.

Về truyền thuyết, so với thần thoại, số lượng truyện kể khiêm tốn hơn và sự phân bố ở các dân tộc cũng không đồng đều, chỉ tập trung chủ yếu ở hai dân tộc là Tày và Thái. Truyền thuyết ở đây tập trung vào hai nhóm đề tài chính là truyền thuyết về nhân vật anh hùng lịch sử và truyền thuyết địa danh.

Truyện cổ tích là thể loại có số lượng truyện nhiều hơn cả với đầy đủ các tiểu loại: truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích sinh hoạt, truyện cổ tích loài vật. Các tiểu loại này lại bao gồm các type như truyện về nhân vật mồ côi, truyện về nhân vật em út, truyện về nhân vật con riêng, truyện về nhân vật người đột lốt vật, truyện về nhân vật người khỏe, truyện về nhân vật thông minh, truyện về nhân vật hiếu nghĩa, nhân vật tiêu cực... Ngoài ra, trong kho tàng truyện cổ các dân tộc xuất hiện một loại truyện thường kể về những mối tình bất hạnh, éo le để từ đó lý giải sự tồn tại và tên gọi một số địa danh và một số sự vật, hiện tượng có thực. Nguồn truyện này chúng tôi đặt vào hai thể loại là truyền thuyết địa danh và truyện cổ tích sinh hoạt tùy theo nội dung, chức năng và cách thức kể chủ yếu của truyện.

Truyện cười các dân tộc thiểu số cũng có một số lượng đáng kể. Phần lớn đó là những truyện mang tính chuỗi, được kể xoay quanh một nhân vật trung tâm. Truyện cười các dân tộc được kể trong một dung lượng tương đối dài, xâu chuỗi bởi nhiều chi tiết, tình tiết khá chặt chẽ, logic và sinh động. Theo cách gọi của nhà nghiên cứu Hoàng Tiến Tựu thì đó là loại truyện cười kết chuỗi, giống như loại truyện Trạng trong truyện cười dân gian Việt. Tiêu biểu như chuỗi truyện về chàng

Khun Hôn, Phanh Cha Hán của dân tộc Thái, chàng Cuội của dân tộc Mường, chàng Ý Pịa của dân tộc Tày, chàng E Toi của dân tộc Giáy… Truyện cười các dân tộc thường được kể theo lối kể tự nhiên, dân dã, hồn nhiên. Các nhân vật có khi dùng trí thông minh, sự nhanh trí, láu lỉnh của mình để “lừa”, để chống lại thói tham lam, hách dịch của những kẻ bề trên nhưng cũng có khi chính sự láu lỉnh đó lại là phương tiện để nhân vật “chơi khăm” những người lao động, thậm chí cả những người họ hàng, thân thích. Ví dụ: nhân vật Cuội trong các truyện cười của dân tộc Mường “Thím đẻ con, chú bị trâu húc thủng bụng”, “Bọ hung đổ thuế ”, “Quan Lang đến nhà ”, “Làm cuội cho mà xem ”…Điều này cho thấy, nhân vật trong truyện cười các dân tộc thiểu số được xây dựng theo xu hướng gần với đời sống thực, không được lý tưởng hóa một cách tuyệt đối.

Truyện ngụ ngôn là thể loại có số lượng khiêm tốn hơn cả, phần lớn là những truyện cổ tích loài vật chuyển hóa mà thành. Tuy nhiên, sự xuất hiện thể loại này đã cho thấy sự vận động, phát triển trong tư duy, trình độ nhận thức và phản ánh các vấn đề đời sống các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Đó cũng là sự vận động, chuyển hóa giữa các thể loại văn học dân gian. Truyện ngụ ngôn có thể có cả hình thức văn xuôi và văn vần, có nhiều loại nhân vật và sự phản ánh nội dung trực tiếp hay gián tiếp.

Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc đặc biệt có quan hệ mật thiết với những thể loại khác như ca dao, dân ca, truyện thơ. Các thể loại này đã tiếp tục kế thừa và phát triển những đề tài từng xuất hiện trong cổ tích như tiếng hát của người mồ côi, người làm dâu và những câu chuyện tình yêu bất hạnh. Trong giới hạn của luận án, chúng tôi sẽ tập trung tìm hiểu ba thể loại truyện kể dân gian tiêu biểu, đó là: thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích. Kết quả khảo sát, thống kê về ba thể loại của các dân tộc được thể hiện trong Bảng 1.1.

STT Dân tộc Thần thoại Truyền thuyết Truyện cổ tích Tổng số

1 Tày 13 21 90 124 2 Thái 7 13 41 61 3 Hmông 7 2 45 54 4 Mường 6 18 24 5 Dao 6 26 32 6 Nùng 1 19 20 7 Hà Nhì 3 11 14 8 Giáy 1 10 11

9 Pu Péo 2 9 1110 Lô Lô 3 9 12

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w