4 dân tộc Tày, Thái, Hmông, Nùng, trong đó, số lượng truyện chủ yếu thuộc về ha
3.2.2. Truyện về người em út
Người em cũng là một nạn nhân điển hình của sự phá bỏ mối quan hệ bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình ở xã hội công xã nguyên thủy. Nhất là ở những dân tộc mà mô hình gia đình phụ quyền với quy định quyền thừa kế thuộc về người anh cả thì người em lại càng trở nên bất hạnh về mọi mặt khi họ trở thành những người em mồ côi. Do đó, đây có thể coi là một dạng đặc biệt của nhân vật mồ côi trong một xung đột cụ thể đó là xung đột giữa anh cả, chị cả, chị dâu với em trai út, em gái út, em chồng. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy đây cũng là kiểu truyện có số lượng bản kể phong phú với 32 bản kể thuộc 11 dân tộc Hmông, Tày, Thái, Dao, Nùng, Mường, Giáy, Lô Lô, Pu Péo, Khơ Mú, Hà Nhì trong đó truyện của dân tộc Hmông chiếm tỉ lệ cao nhất với 11/32 truyện. Có thể lý giải điều này một phần từ đặc điểm hình thái tổ chức gia đình dân tộc Hmông. Trong quan hệ gia đình, người Hmông thực hiện tổ chức gia đình theo chế độ phụ quyền trong đó vai trò quyết định thuộc về người đàn ông. Trong tổ chức gia đình này, quan hệ anh em nhất là anh em trai diễn ra khá đa dạng. Ví như trong hôn nhân có tục nếu không may chồng chết người vợ có thể kết hôn với anh hoặc em chồng dù họ đã có vợ con. Mối quan hệ anh em có thể diễn ra theo chiều hướng tích cực nhưng cũng hoàn toàn có thể theo chiều hướng tiêu cực khi mà sự bất bình đẳng, sự phân biệt giàu nghèo ngày càng lấn sâu vào đời sống các gia đình. Và vì thế, quan hệ anh em là mối quan hệ đáng quan tâm, người em út là nhân vật đáng chú ý trong các truyện cổ tích Hmông.
Biểu đồ 3.4. Thống kê truyện cổ tích về người em út
Phần lớn bản kể thuộc type truyện này phản ánh xung đột gay gắt giữa người anh (vợ chồng người anh) và em trai út với những motif tiêu biểu vừa mang nét tương đồng vừa có nét khác biệt với truyện của dân tộc Việt như phân chia tài sản bất công bằng, vật thần trợ giúp, bắt chước không thành công…Nhân vật giúp đỡ người em, nói cách khác, phần thưởng cho lòng tốt và sự thật thà của người em được thể hiện bằng nhiều hình ảnh mang nét đặc trưng của đồng bào miền núi. Đó thường là một con vật như chim Phàng náo, con cày hương, con hổ con, con khỉ…Một số truyện kể nhân vật trợ giúp người em là thần Đá, bà lão có phép thần… Có những truyện, nhờ lòng tốt mà nhân vật người em gặp điều may mắn như lấy được vợ tiên, biết được những điều bí mật từ các con vật hoặc yêu tinh…. Một số truyện nhân vật người em còn được kể là có sức khỏe và tài năng tựa như người khỏe. Hạnh phúc mà nhân vật đạt được chính là kết quả của tài năng ấy (Hai anh em- Tày). Kết thúc kiểu truyện này, nhân vật người em (hoặc vợ chồng người em) thường trở nên giàu có, sống hạnh phúc. Ngược lại nhân vật người anh (vợ chồng người anh) bị trừng phạt, nhẹ nhất là gia tài khánh kiệt, nặng là mất mạng (hổ xé xác, trương bụng mà chết, quẳng xuống vực sâu…). Cá biệt, có một truyện, các tác giả đã để cho chính vợ chồng người em trực tiếp ra tay giết chết kẻ ác. (Ở ác gặp ác –Hmông). Cũng có những truyện không kể về xung đột anh em mà chủ yếu nhằm ca ngợi, khẳng định
phẩm chất, tài năng của người em trong so sánh với nhân vật anh, chị. (Vàng bạc để chôn- Dao).
Trong type truyện này, có một motif xuất hiện phổ biến và hấp dẫn mà trong truyện của người Việt chúng ta không thấy xuất hiện, đó là motif sự biến hóa của yếu tố trợ giúp thần kỳ. Đó là hệ quả tất yếu của motif bắt chước không thành công. Khi người em nhờ thật thà, tốt bụng, chăm chỉ mà được các yếu tố thần kỳ đáp trả giúp cho cuộc sống trở nên khá giả thì người anh với bản chất tham lam đã tìm mọi cách bắt chước (với hình thức mượn yếu tố trợ giúp thần kỳ) nhưng vì độc ác nên người anh chỉ nhận được hậu quả xấu. Mỗi lần như vậy, yếu tố trợ giúp lại bị người anh hủy hoại không thương tiếc và biến hóa qua nhiều hình thức khác nhau. Sự biến hóa của yếu tố trợ giúp thần kỳ trong các bản kể của các dân tộc khá thống nhất và tương đồng theo trật tự: con vật (cầy hương, hổ con, chồn, chim) hóa ra cây (cây gáo, khóm tre, cây trám), sau đó hóa ra đồ vật (máng lợn, cái lược và lưỡi câu). Các truyện cụ thể chứa đựng motif này gồm: Con cầy hương (Tày), Bả nưng bả soong
(Thái), Hai anh em (Hmông), Hai anh em mồ côi (Dao), Hai anh em mồ côi (Lô Lô),
Hai anh em (Hà Nhì). Đây là motif riêng có trong truyện cổ tích về người em của đồng bào miền núi phía Bắc. Nếu trong kiểu truyện người con riêng, nhân vật trải qua các lần biến hóa để khẳng định sức sống mãnh liệt và tinh thần đấu tranh với cái ác thì ở đây, sự biến hóa của vật trợ giúp góp phần làm rõ hơn xung đột gay gắt giữa hai tuyến nhân vật: anh cả-em út về phương diện đạo đức. Chúng ta có thể bắt gặp motif biến hóa ở nhiều type truyện với nhiều dạng thức như người hóa vật, vật hóa người thì đến chúng ta thấy có thêm dạng thức vật hóa vật. Điều đáng nói nữa là những sự vật được tác giả dân gian lựa chọn để vào vai trò làm vật thần trợ giúp cho người em đều là những loài cây, loài con và đồ vật gần gũi, quen thuộc với đời sống của đồng bào. Các con vật như hổ, chồn, cầy hương cũng như các loại cây như gáo, tre, trám và các đồ vật như cái máng lợn, cái lược, cái lưỡi câu hẳn là những thứ vô cùng gắn bó với rừng núi phía Bắc. Chúng được đưa vào truyện cổ tích, nhân cách hóa và thần kỳ hóa thành những lực lượng trợ giúp đặc trưng cho nhân vật nghèo khổ.
Đặc biệt, trong kho tàng truyện kể của một số dân tộc, chúng tôi thấy xuất hiện những truyện kể về nhân vật em gái út trong xung đột với các chị gái. Các
truyện tiêu biểu như: Rắn thần, Sự tích người cung trăng (Hmông), Bảy chị em gái
(Nùng), Chồng xấu chồng đẹp (Dao), Chàng Rắn (Thái) Bảy chị em (Giáy), Ba chị em gái và người chồng thuồng luồng (Tày), Vợ chồng chàng Rồng (Pu Péo)… Cốt truyện thường được kể xoay quanh việc cha mẹ cô gái hoặc gặp khó khăn trong công việc lao động thì người mang lốt vật, thường là lốt rắn (thuồng luồng, rồng) đến giúp hoặc người mang lốt đến “ép buộc”cha mẹ cô gái phải gả con gái cho mình. Duy nhất cô em gái út đồng ý kết hôn và sau đó trở nên sung sướng, con vật trút bỏ lốt thành chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Hoặc cô em út hiền lành thường chấp nhận lấy chàng mồ côi nghèo khổ nhưng chăm chỉ nên có cuộc sống hạnh phúc. Các cô chị ghen ghét tìm cách hãm hại em, thế chỗ em nhưng cuối cùng chuốc phải sự trừng trị thích đáng. Người em gái qua những lần hóa thân trở lại làm người và có cuộc sống hạnh phúc bên chồng con. Như vậy, có thể khẳng định, các tác giả dân gian không chỉ dành mối quan tâm đến số phận người em út là nam mà cả những số phận em út nữ cũng được họ cảm thông và chia sẻ. Bởi lẽ, nhân vật em út trong truyện cổ tích các dân tộc dù là nam hay nữ đều được miêu tả với phẩm chất, tính cách tốt đẹp vô cùng. Người em út là nữ không coi thường, không miệt thị mà trái lại sẵn sàng lấy một con vật chỉ vì thương và nghe lời bố. Nếu trong những cốt truyện kể về nhân vật em út là nam, nhân vật người em trai thường chịu sự chèn ép, ganh tị về mặt của cải vật chất thì ở các truyện kể này, người em út bị ganh tị chủ yếu về phương diện hạnh phúc gia đình.
Về mặt cốt truyện, nhóm truyện này sử dụng kết hợp và linh hoạt các motif của kiểu truyện người đội lốt vật và kiểu truyện người con riêng. Chúng ta có thể thấy cả nét tương đồng và khác biệt trong các motif cụ thể. Đầu tiên là motif thử thách và vượt qua thử thách đối với nhân vật đội lốt. Motif này được kể đã có những khác biệt so với kiểu truyện người đội lốt. Thử thách phần lớn là một tình huống trong lao động và đặt trong một lời cầu xin của người cha. Đó là những thử thách như: bẩy hòn đá ở ruộng, đắp phai nước, chặt cây đốt rừng, làm cỏ…Người cha đang làm việc tự nhiên gặp một sự lạ: có một cây cứ chặt đâu là liền đấy, có một hòn đá bẩy mãi không nổi…Chàng rắn xuất hiện như một cứu tinh và vượt qua tình huống thử thách một cách dễ dàng. Motif kết hôn được kể khá tương đồng với kiểu truyện người đội lốt. Khi nhân vật chàng rắn đã vượt qua thử thách, người cha bằng lòng gả
con gái cho rắn thì chỉ có cô út đồng ý. Các cô chị thì tỏ thái độ khinh bỉ, miệt thị. Rắn lấy cô út và ngay sau đó trút bỏ lốt vật trở thành chàng trai khôi ngô tuấn tú và đưa vợ - em út về chốn long cung, sống cuộc sống giàu sang, hạnh phúc. Motif bị hãm hại và biến hóa có nhiều nét tương đồng với kiểu truyện người con riêng. Vì ganh tị với cuộc sống sung sướng của người em, vì thấy chồng của người em cởi bỏ lốt xấu xí nên các cô chị đã mưu hại em mình bằng những hành động tàn ác….Nhưng người em út không chết mà đã hóa vào các sự vật hiện tượng như những “khoảng chết tạm thời” để cuối cùng trở lại làm người xinh đẹp hơn và khẳng định sự thắng thế của cái thiện một cách tuyệt đối. Trong các sự vật hiện tượng để nhân vật em út hóa thân, có hai biểu tượng phổ biến trở đi trở về là chim và trúc (tre). Điều này chúng tôi sẽ trở lại phân tích cụ thể hơn ở chương cuối của luận án.
Ngoài ra, các motif khác như bắt chước không thành công, đoàn tụ cũng xoay quanh xung đột chị cả- em út và thể hiện rõ cái nhìn chia sẻ và bênh vực đối với nhân vật em út nữ. Motif bắt chước không thành công là motif được sử dụng khá phổ biến trong nhiều kiểu truyện nhưng cách kể cụ thể thì rất đa dạng, sinh động. Điểm chung của motif này là luôn nhấn mạnh vào sự đối lập giữa nhân vật chính diện và phản diện, giữa tốt và xấu. Nhân vật phản diện với bản chất xấu xa, tham lam luôn ganh tị và thèm khát những gì mà nhân vật chính diện hiền lành có được nên tìm mọi cách lặp lại, bắt chước việc làm của nhân vật chính diện một cách ngu ngốc. Ở những truyện kể xoay quanh xung đột em út- chị gái, các cô chị thấy em út kết hôn với chàng Rắn, thuồng luồng, trăn và có cuộc sống giàu sang hạnh phúc cũng bắt chước đi tìm và ép con vật đó làm chồng nhưng kết quả là bị các loài vật cắn chết. Nhóm truyện này góp phần tạo ra đặc trưng truyện kể các dân tộc miền núi phía Bắc mà chúng tôi sẽ tiếp tục khảo cứu, phân tích ở chương sau.