Thần thoại về công cuộc chinh phục tự nhiên và sáng tạo văn hóa

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 58 - 62)

9 Pu Péo 2 11 10Lô Lô3

2.1.2.3. Thần thoại về công cuộc chinh phục tự nhiên và sáng tạo văn hóa

Trong quá trình lý giải tự nhiên và khám phá nguồn gốc con người và muôn loài, đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc cũng đã phản ánh khát vọng và niềm tin chinh phục tự nhiên của mình. Hiện chúng tôi thống kê được 16 truyện của 7 dân tộc Tày, Thái, Mường, Dao, Lô Lô, Khơ Mú, Pu Péo phản ánh nội dung này với tỉ lệ thể hiện trong Biểu đồ 2.3. Mặc dù vẫn ẩn trong hình tượng các vị thần hoặc người khổng lồ có sức mạnh phi thường song thực chất đó là khát vọng của con người, những người đã ý thức được rằng mình chính là chủ nhân của vạn vật, của vũ trụ này. Nếu trong tâm thức của dân tộc Kinh, Lạc Long Quân là người anh hùng đầu tiên có công tiêu diệt các loài yêu tinh cứu giúp con người thì trong kí ức đồng bào mỗi dân tộc miền núi phía Bắc cũng luôn tự hào về những vị anh hùng kì vĩ như vậy. Với người Mường đó là vua Dịt Dàng với chiến tích chặt cây Chu đồng, săn con muông

Tìn Vìn Tượng Vượng, là hình tượng ông Đùng với những kì tích diệt đại bàng. Với người Thái đó là người khổng lồ Ải Lậc Cậc đã có công khai phá những vùng đất rộng lớn. Với người Tày, ngoài Pựt Luông- vị thần kiến tạo vũ trụ và vạn vật, thì vợ chồng Tài Ngào, Báo Luông-Sao Cải là cặp đôi khổng lồ để lại dấu tích khắp vùng và có công lao động, kiến tạo cuộc sống.

Biểu đồ 2.3. Thống kê thần thoại về công cuộc chinh phục tự nhiên và sáng tạo văn hóa

Công cuộc chinh phục, cải tạo tự nhiên của con người còn thể hiện gián tiếp qua những truyện kể về Mặt Trăng, Mặt trời, kể về nguồn gốc các dân tộc...Việc bắn những mặt trời dư thừa và gọi mặt trời đi trốn trở lại chiếu sáng cho trần gian phải chăng chính là ý thức và niềm tin vào khả năng có thể cải tạo, chinh phục tự nhiên của loài người. Hay những chi tiết kể thú vị, hồn nhiên về truyện người bắt thần Sấm, Sét (Thiên Lôi) về làm thịt, người lên kiện Trời về việc thiếu nước…cũng đã chứa đựng khát vọng đáng quý này. Không chỉ phản ánh khát vọng chinh phục thiên nhiên, các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc còn có những truyện phản ánh quá trình sáng tạo văn hóa với những sản phẩm văn hóa quan trọng đầu tiên đánh dấu cuộc sống “văn minh” của họ. Vẫn là cách tư duy hồn nhiên đậm yếu tố thần linh đặc trưng của thần thoại, con người tiếp tục hình dung rằng lúa và lửa cũng là những vị thần.

Trước hết là nhóm thần thoại kể về công cuộc tìm lúa, ngô và vị thần chuyên về việc gieo trồng, cày cấy. Nói chung, quan niệm về nguồn gốc của lúa và các vấn

đề xung quanh hạt lúa, hạt gạo được thể hiện trong thần thoại các dân tộc miền núi phía Bắc là thống nhất và tương đồng với các dân tộc Việt Nam. Con người thời xưa đều cho rằng giống lúa ban đầu là giống lúa quý, được trời và thần linh ban phát cho con người. Hạt lúa ban đầu to như quả bầu, quả bí, tự mọc, tự lớn và tự bò về nhà. Tuy vậy, giống lúa quý ấy không còn đáp ứng đủ nhu cầu của loài người, do đó, họ phải đi tìm lúa. Việc đi tìm lúa vô cùng vất vả, cực nhọc và không thể thiếu sự hy sinh mất mát cũng như sự giúp đỡ của những giống loài xung quanh. Việc con người tìm ra và giữ gìn được lúa là một thành quả đáng kể làm thay đổi căn bản phương thức lao động của con người thời đó. Vì thế, loài người luôn coi trọng và thờ vị thần lúa rất chu đáo. Qua thần thoại về cây lúa và cỏ, chúng ta thấy cái nhìn chân thực của người xưa về quy luật sinh tồn của vạn vật. Lúa - cỏ thường mọc và sống lẫn vào nhau, đôi khi cỏ còn lấn át cả lúa. Mặc dù vậy, việc giải thích quy luật đó trong thần thoại vẫn mang tính hồn nhiên, ấu trĩ rằng đó là do các thần gieo hạt nhầm như truyện của người Hmông: Vua trời sai trâu mang giống cỏ xuống và dặn cứ ba bước chân gieo một nắm, trâu đãng trí, dặn người cứ một bước gieo ba nắm. Bởi thế, người có lúa ăn nhưng cỏ mọc nhiều, cỏ rậm rì ăn hết đất màu của lúa…. Con trâu cũng là hình ảnh chân thực về loài vật gắn bó mật thiết với đời sống nông nghiệp của đồng bào các dân tộc. Trong nội dung giải thích tại sao hạt lúa trở nên bé nhỏ như bây giờ, tại sao người phải gặt lúa vất vả mới có hạt gạo để ăn, hình ảnh người đàn bà xuất hiện và trở thành nguyên nhân căn bản khiến cho hạt gạo biến đổi đặc điểm trở nên rất phổ biến. Về điều này các cách lý giải của các nhà nghiên cứu có những điểm khác biệt nhất định. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Huế đã khẳng định: Ở đây có lẽ không phải là sự hạ thấp dần về địa vị vai trò của người phụ nữ, mà dường như chính là sự thay đổi về nhân tố con người, nhân tố lao động trong quá trình tìm ra cây lúa và thuần hóa giống lúa đã tạo nên hình ảnh những người phụ nữ đó [34, tr 21]. Hay nói cách khác, hình ảnh người đàn bà lười biếng sau này có thể giải thích theo nhận xét của nhà nghiên cứu Hoàng Bé thì “nếu như trước đây, vị trí kinh tế hái lượm đã đưa người đàn bà lên vị trí xã hội chủ đạo (mẫu hệ) thì nay kinh tế nông nghiệp dùng cày lại khẳng định vị trí xã hội thuộc về người đàn ông (phụ hệ)” [Dẫn theo 34].

Còn theo nhà nghiên cứu Riftin, thời đại của thần thoại là thời đại hoàng kim, thời đại lý tưởng và thần thoại các dân tộc đều kể về nguyên do vì sao thời đại đó kết thúc và bắt đầu trạng thái hiện nay bằng sự việc có liên quan đến người phụ nữ (đàn bà) và việc làm bất cẩn vi phạm điều cấm kị của họ. Và đây là kiểu truyện phổ biến trên phạm vi toàn thế giới. Hình ảnh người đàn bà góa cũng đã từng xuất hiện trong những truyện thần thoại kể về thuở khai sinh trời đất. Điều này khẳng định dấu ấn bàn tay người phụ nữ tác động vào cây lúa nói riêng, đời sống nói chung đã in đậm trong tâm thức và tư duy người nguyên thủy. Người phụ nữ đã góp phần làm biến đổi đặc điểm của sự vật, hiện tượng đang ở trạng thái đối ngược và đưa nó về trạng thái hiện tại đúng như nó tồn tại trong hiện thực khách quan.

Đối với con người thời cổ, lửa cũng là sản phẩm văn hóa quan trọng vì vậy nhiều dân tộc còn có những truyện kể về nguồn gốc của lửa và tục thờ thần Lửa. Một số dân tộc có truyện kể về nguồn gốc nơi ở, nhà ở, tập tục như dân tộc Hmông, Mường. Đó cũng chính là cách thể hiện niềm tự hào về những thành tựu văn hóa đầu tiên của nhân dân các dân tộc. Đặc biệt, dân tộc Thái có truyện kể về thần Sắt, một phát minh có giá trị quan trọng đối với cuộc sống con người, thần thoại dân tộc Tày còn có truyện kể về nguồn gốc của cây bông, nghề trồng bông, dệt vải, nguồn gốc của đàn tính, sáo và hát lượn…Truyện Pựt Luông tạo ra vẻ đẹp trần gian của dân tộc Tày là một sáng tạo đặc sắc riêng có của tộc người này. Truyện kể rằng: Pựt nghĩ cách làm cho cuộc sống con người đẹp lên. Pựt tạo ra quần áo cho con người mặc. Con gái thứ tư của Pựt tự nguyện chết hóa thành cây bông. Từ đó, loài người biết trồng bông, kéo sợi, dệt vải do người con thứ chín của Pựt dạy. Nhưng nàng chỉ dạy cho đàn bà nên ngày nay đàn ông không biết. Nàng tiên còn dạy cho người biết hát, biết lượn và thổi sáo, chơi đàn. Nàng còn hy sinh thân mình tạo ra một cây đàn tính, dây đàn là sợi tóc thơm xe ba xe bảy, bầu đàn là một bên bầu vú của nàng. Tiếng đàn phát ra rất kỳ diệu. Con người vui mừng say mê quên làm, sinh ra lười nhác. Pựt đem cắt dây cây đàn ấy chỉ để lại ba dây như ngày nay [64, Tập 1, tr 55]. Vẫn là cách tư duy thần thoại, là kết quả của niềm tin thiêng liêng vào sự hiện hữu của thần linh, người Tày đã hình dung rằng vẻ đẹp của thế gian, những sáng tạo nghệ thuật tinh tế cũng là do đấng thần siêu phàm tạo nên. Dù vậy, truyện kể này cũng cho thấy trí tưởng tượng phong phú cùng với ý thức và tình yêu lao động, nghệ thuật của đồng

bào được nảy nở từ rất sớm. Những sản phẩm văn hóa tinh thần ấy đã góp phần làm cho cuộc sống của đồng bào thêm tươi vui, lạc quan.

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w