Mối quan hệ giữa các thể loại truyện kể

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 125 - 128)

6 truyện, dân tộc Tày có 5 truyện còn một truyện của dân tộc Giáy.

4.2. Mối quan hệ giữa các thể loại truyện kể

Nhà nghiên cứu Đỗ Bình Trị đã chỉ ra rằng Mỗi thể loại truyện kể dân gian có quá trình phát sinh, phát triển và suy tàn riêng nhưng chúng không tồn tại một cách hoàn toàn biệt lập mà bao giờ cũng có quan hệ qua lại [117, tr 47]. Đó là một trong những quy luật quan trọng của tiến trình văn học dân gian. Qua khảo sát các thể loại truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, nhất là qua ba thể loại thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích, chúng tôi thấy quy luật đó là hoàn toàn có cơ sở. Vấn đề là ở mỗi dân tộc, mỗi khu vực quy luật chung đó được biểu hiện cụ thể như thế nào. Với truyện kể các dân tộc khu vực này, hiện tượng kế thừa và chuyển hóa, xâm nhập lẫn nhau giữa các thể loại diễn ra khá phổ biến và mạnh mẽ. Trước hết là sự kế thừa giữa thần thoại và truyền thuyết, hai thể loại vốn gần gũi nhau hơn cả. Tác giả Viên Kha cũng từng nhận định về điều này như sau Truyền thuyết thời trước chúng ta gọi là thần thoại, thần thoại đời sau chúng ta gọi là truyền thuyết

[91]. Trong thần thoại và truyền thuyết của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, chúng tôi nhận ra hai xu hướng: một là, kế thừa và chuyển hóa hình tượng về cặp thần đực cái kiến tạo trời đất thành cặp đôi thủy tổ của dân tộc. Hai là kế thừa và chuyển hóa quan niệm người sinh ra từ loài vật do ảnh hưởng của tín ngưỡng vật tổ thành hình tượng thủy tổ của dân tộc. Cụ thể, trong truyện kể Tày, hình tượng cặp đôi

Báo Luông- Slao Cải hẳn đầu tiên cũng được hình dung là những cặp thần khổng lồ trong vai trò kiến tạo bầu trời và mặt đất nhưng về sau được đồng bào Tày bồi đắp và

gắn các hình tượng này vào một địa phương, vào các địa danh cụ thể với những công tích rõ ràng trong cảnh núi non Cao Bằng và coi đó là thủy tổ của đồng bào mình. Hiện tượng này cũng gần gũi với truyện về Lạc Long Quân và Âu Cơ của người Việt.

Dân tộc Dao có truyện Bàn Hồ cũng là một minh chứng cho sự biến đổi thể loại. Từ tư duy nguyên thủy vốn phổ biến và đặc trưng của thần thoại là con người (trong đó có các tộc người) sinh ra từ một vật chất hoặc từ một con vật thiêng như chim, rồng…người Dao đã truyền thuyết hóa thành câu chuyện lưu truyền bao đời về vị thủy tổ sinh ra các dòng họ người Dao. Tín ngưỡng vật tổ tồn tại lâu đời đã đem đến cho người nguyên thủy nhiều dân tộc cách hình dung về nguồn gốc tộc người đều bắt nguồn từ các con vật. Đến khi tư duy của con người đã phát triển cao hơn, các dân tộc đã cải biến tín ngưỡng này, thêm vào nó những yếu tố gắn với lịch sử. Đây chính là sự vận động của tư duy cũng là sự vận động của thể loại. Bằng cách bớt đi bản chất tự nhiên của con vật và thêm vào các yếu tố mang tính xã hội, truyện Bàn Hồ của người Dao đã biến đổi nhân vật từ một con chó thành một chàng trai tài giỏi, biết đánh giặc, được cưới công chúa, sinh con đẻ cái…và trở thành thủy tổ của người Dao. Trên thực tế, những truyện kể như vậy đã dẫn đến sự chưa thống nhất về quan điểm phân loại của các nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, điều này cũng phản ánh tính phức tạp trong việc phân loại các thể loại văn học dân gian nói chung và truyện kể dân gian nói riêng.

Mối quan hệ và sự tiếp biến thể loại trong truyện kể dân gian các dân tộc miền núi phía Bắc còn thể hiện ở hai thể loại truyền thuyết và cổ tích, qua hai cấp độ là cổ tích hóa nhân vật lịch sử trong truyền thuyết và sử dụng các motif của cổ tích trong truyền thuyết. Tiêu biểu là hình tượng nhân vật lịch sử Dương Tự Minh và chuỗi truyền thuyết về nhân vật này. Từ hình tượng vị tướng tài thời Lý của thủ phủ Phú Lương, Thái Nguyên bằng xương bằng thịt đến nhân vật Quan Triều trong truyện cổ tích Chàng Quan Triều, Quan Triều hay là chiếc áo tàng hình là kết quả của đời sống lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Sự xâm nhập các motif của cổ tích vào truyện kể tryền thuyết cũng là một biểu hiện của sự ảnh hưởng, tiếp nhận giữa các thể loại này. Trong truyền thuyết Tày, Thái chúng ta bắt gặp rất nhiều motif hoặc chi tiết ngả màu cổ tích như nhân vật xuất thân nghèo khổ, nhân vật gặp Tiên và đươc ban vật báu…

con chưa được bao lâu, bố của Tự Minh qua đời bỏ lại hai mẹ con tần ảo làm lụng nuôi nhau. Lên bảy tuổi, Tự Minh đã làm đỡ mẹ được nhiều việc, lại siêng theo bạn theo thầy học chữ. Tự Minh thường ra sông Cầu câu cá. Một hôm ngồi đến tối không thấy cá cắn câu, Tự Minh buồn bã nằm ngả mình bên sông nhẩm đếm sao trời. Nhìn lên núi Cái thấy lửa sáng trên đỉnh vốn tính gan dạ Tự Minh thu cần câu rồi leo lên núi xem. Do mách tiên già được nước cờ thua nên chàng được Tiên ông thưởng cho áo gấm. Đó là chiếc áo tàng hình [84, tr 38]. Hay trong bản kể Sự tích đền Thượng núi Đuổm mà tác giả Trần Thị Ngọc sưu tầm được có chi tiết Dương Tự Minh lên núi Đuổm chơi gặp bảy nàng Tiên, được nàng Tiên thứ bảy đem lòng yêu mến. Một hôm nghe chàng kể về ý muốn cứu dân, nàng bèn cởi tấm áo đang mặc trên mình trao cho chàng [62]. Đây là lối kể quen thuộc trong truyện cổ tích về những chàng mồ côi nghèo khổ may mắn hoặc nhờ lòng tốt hoặc có một biệt tài nào đó mà được lực lượng thần kỳ như Tiên, Thần giúp đỡ.

Trong truyện kể các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, khảo sát bộ phận truyện cổ tích sinh hoạt, chúng tôi thấy có những type truyện gần gũi và có dấu hiệu chuyển hóa sang thể loại truyện cười. Đó là type truyện về nhân vật thông minh với các cốt kể về nhân vật mồ côi và chàng rể. Các truyện như Chàng rể bảy (Hmông),

Mồ côi xử kiện, Không bao giờ biết giận, Khóc cùng một lúc, Người nghèo lấy được con gái vua (Nùng), Cái ống thiêng, Chàng mồ côi thông minh, Chàng trai thông minh, Cày ruộng xá tiếp xá, cưỡi ngựa móng tiếp móng (Tày), Quả mận đổi con trâu, Tạo nộc nọi (Tạo chim con) (Thái), Mưu khôn lấy được vợ (Dao),Cái ống ngửi

(Mường)…đều phản ánh nội dung xoay quanh cách ứng xử giữa con người với con người trong đó những người ở tầng lớp dưới đã dùng trí thông minh đấu tranh với con người tầng lớp trên để giành phần hạnh phúc về mình. Trong các truyện cổ tích này đã xuất hiện những yếu tố hài hước gây cười thông qua motif mẹo lừa, đây vốn là motif đặc trưng của thể loại truyện cười. Những truyện này chính là cơ sở cho sự xuất hiện một loạt các hình tượng Trạng trong truyện cười đồng bào miền núi phía Bắc như Cuội của người Mường, Chạ, Ý Pịa của người Tày, Phanh Cha Hán của người Thái…

Khảo sát truyện cổ tích loài vật của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, chúng tôi cũng nhận thấy xu hướng ngụ ngôn hóa trong bộ phận này. Nhiều truyện

bên cạnh nội dung giải thích đặc điểm sinh học của các loài vật còn ẩn sau một bài học hoặc một lời nhắn nhủ kín đáo. Ngoài ra, mối liên hệ của các thể loại truyện kể dân gian miền núi phía Bắc còn nới rộng phạm vi sang nhiều thể loại khác như thần thoại và dân ca nghi lễ, cổ tích và truyện thơ. Tuy vậy, những vấn đề này chúng tôi chưa đặt ra trong luận án của mình.

Sự biến đổi, chuyển hóa thể loại là một quy luật của văn học dân gian nói chung, có điều, trong truyện kể các dân tộc miền núi phía Bắc, đặc điểm này diễn ra phổ biến và ở nhiều thể loại, nhiều dạng thức biểu hiện. Có thể đây cũng là một trong những biểu hiện của quá trình giao lưu văn hóa tộc người dẫn đến sự biến đổi thể loại.

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 125 - 128)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w