Truyện về người mồ cô

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 79 - 84)

4 dân tộc Tày, Thái, Hmông, Nùng, trong đó, số lượng truyện chủ yếu thuộc về ha

3.2.1. Truyện về người mồ cô

. Đây là kiểu truyện có số lượng sáng tác nhiều nhất và còn lưu truyền ở nhiều dân tộc. Theo thống kê của chúng tôi có 60 truyện của 10 dân tộc Tày, Thái, Hmông, Mường, Dao, Mảng, Hà Nhì, Giáy, Lô Lô, Nùng kể về số phận mồ côi bất hạnh, nhiều nhất là truyện kể của ba dân tộc: Thái, Tày, Hmông. Đây là những dân tộc có số dân đông, có nền văn hóa đóng vai trò làm trung tâm cho các ngữ hệ và các tiểu vùng văn hóa. Do vậy, sức sáng tạo của các dân tộc này vô cùng dồi dào. Mồ côi là nạn nhân phổ biến trong đời sống xã hội nhiều dân tộc. Khi chế độ cộng đồng nguyên thủy tan rã, kiểu gia đình lớn theo chế độ mẫu hệ được thay thế bởi những gia đình nhỏ theo chế độ phụ quyền. Vì thế, xã hội xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, tư hữu về tài sản từ đó tạo ra mâu thuẫn, tạo ra sự phân biệt kẻ giàu, người nghèo. Hệ quả là xuất hiện một loạt những số phận bất hạnh trong xã hội như người mồ côi, người em út, người con riêng…trong đó, nhân vật người mồ côi là nhân vật trung tâm. Những dân tộc mà sự phân hóa giai cấp diễn ra đã khá mạnh mẽ như Tày, Thái thì xung đột giữa những số phận bất hạnh với tầng lớp thống trị trong xã hội diễn ra thường xuyên và gay gắt. Cũng như vậy với dân tộc Hmông, hình ảnh con người đau khổ mang tên mồ côi đã trở thành hình tượng trung tâm trong truyện cổ tích, thể hiện chủ nghĩa nhân đạo của các tác giả dân gian.

Giống như nhiều dân tộc khác, truyện về nhân vật mồ côi các dân tộc thiểu số hướng sự quan tâm đến những chàng trai, cô gái mồ côi có cuộc đời bất hạnh, không có người thân thích, không có địa vị, của cải, thậm chí một số nhân vật mồ côi còn mang hình dạng xấu xí. Nhưng bù lại, họ có lòng tốt, lòng dũng cảm và đặc biệt nhiều nhân vật mồ côi còn có trí thông minh, có tài thổi khèn, săn bắn, câu cá. Nhân

vật mồ côi rất có tinh thần và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Đó là hình tượng vừa phản ánh chân thực những số phận trong cuộc đời vừa mang màu sắc lý tưởng, là sản phẩm của trí tưởng tượng và lòng nhân đạo của các tác giả dân gian.

Biểu đồ 3.3. Thống kê truyện cổ tích về người mồ côi

Kết cấu chung cho nhóm truyện mồ côi bất hạnh đã được định hình dựa trên

hai kiểu chủ yếu. Một là kiểu kết cấu ba phần: Mồ côi nghèo khổ, cô đơn →Chuyển biến thần kỳ →có vợ đẹp, chồng đẹp, giàu sang. Hai là kiểu kết cấu năm phần: Mồ côi nghèo khổ, cô đơn →Chuyển biến thần kỳ →có vợ đẹp, chồng đẹp, giàu sang →Bị cướp vợ, cướp của → Đấu tranh và giành lại hạnh phúc. Hai kiểu kết cấu trên đều có kết thúc có hậu.

Nhân vật mồ côi trước hết gặp phải những mâu thuẫn, xung đột trong phạm vi gia đình. Về loại xung đột này, truyện kể các dân tộc miền núi phía Bắc có những khác biệt nhất định với truyện của các cư dân phía Nam và Tây Nguyên. Xung đột gia đình chủ yếu xoay quanh anh trai – em trai hay chú- cháu trai. Đây là mối xung đột điển hình nảy sinh trong chế độ gia đình phụ hệ. Người chú và người anh trai có vai trò quan trọng đối với đứa cháu hay đứa em trai khi cha mẹ đẻ của chúng chết sớm. Ngược lại, trong xã hội các dân tộc miền Nam và Tây Nguyên, chế độ mẫu hệ duy trì và tồn tại lâu dài hơn nên mối quan hệ cậu - cháu thường nảy sinh xung đột

mâu thuẫn mạnh mẽ hơn. Vì thế, trong truyện cổ tích về nhân vật mồ côi của các dân tộc ở vùng này, truyện kể về xung đột cậu- cháu trở nên phổ biến.

Trong bộ phận truyện về nhân vật mồ côi của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, bên cạnh xung đột gia đình như anh - em, chú- cháu, xung đột xã hội giữa mồ côi và tầng lớp thống trị được phản ánh trực tiếp và gay gắt với tỷ lệ truyện rất lớn (27/60 truyện). Nhân vật phản diện trong type truyện về người mồ côi được chỉ mặt, gọi tên khá rõ: đó là những kẻ đứng đầu một nước, một làng, một bản có của cải, địa vị và lòng tham vô đáy như Vua, Lang đạo, Chúa đất, Phìa, Tạo…Các nhân vật thường phải chịu một hình phạt thích đáng, hoặc là Trời đất trừng phạt hoặc nhiều khi phải tự chuốc lấy cái chết thê thảm: tức, uất, xấu hổ, đau đớn quá mà chết. Trong nhóm truyện này, không thấy xuất hiện hình ảnh ông Vua tốt nào mà đa phần đó là những vị Vua háo sắc, tham của và luôn tìm cách hại người mồ côi. Bên cạnh đó, hình ảnh những Chúa đất, Chúa bản cũng phản ánh chân thực tổ chức xã hội đặc trưng các dân tộc thiểu số lúc bấy giờ. Điều đó cho thấy nhân dân các dân tộc đã nói lên tiếng nói đấu tranh trực tiếp, gay gắt, không khoan nhượng với tầng lớp thống trị trong xã hội. Có một điều đặc biệt là ở truyện về người mồ côi của dân tộc Hmông chúng tôi thấy ít xuất hiện xung đột gay gắt trực tiếp giữa mồ côi với giai cấp thống trị như Vua, nhà giàu (chỉ có 2/10 truyện, trong đó có 1/10 truyện là xung đột trực tiếp). Mồ côi chủ yếu gặp thử thách trong mối quan hệ với các loài yêu tinh, quái vật, thử thách với chính mình. Điều này có lẽ cũng bắt nguồn từ thực tế điều kiện xã hội hầu như chưa bị phân hóa giai cấp một cách mạnh mẽ của dân tộc Hmông. Trong xã hội có thể có sự chênh lệch giàu nghèo, xuất hiện sự phân biệt người có của với người bất hạnh nhưng quan hệ bóc lột điển hình chưa trở nên phổ biến.

Nhân vật mồ côi nam luôn mang khát vọng về tình yêu và hạnh phúc gia đình với những người con gái đẹp, vì thế motif kết hôn xuất hiện với tần số rất phổ biến (55/60 truyện). Motif kết hôn có ý nghĩa như bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật mồ côi và những người con gái đẹp trở thành phần thưởng đặc biệt đối với mồ côi. Đó có thể là quà tặng mở đầu, mang ý nghĩa tiền đề giúp nhân vật tiếp tục có sức mạnh và khả năng chống lại các lực lượng đối lập. Đó cũng có thể là phần quà cuối cùng có giá trị vĩnh viễn cho người mồ côi sau khi đã vượt qua tất cả các thử thách của thế lực đối lập. Ở motif kết hôn, đối tượng hôn nhân lý tưởng của mồ côi chủ yếu là

nàng tiên, con gái Vua Thủy tề (Long vương) con gái Vua, Chúa, nhà Lang. Chúng tôi thống kê được 46/55 truyện có đối tượng thuộc kiểu này. Thí dụ: Mồ côi và nhà vua, Chiếu chỉ nhà vua (Tày), Vàng lấy con vua, Chàng Khổ (Dao), Tài xì phoòng,

Thàng Cao Chúa (Nùng)…Điều này phản ánh lý tưởng, khát vọng về đối tượng hôn nhân lý tưởng của các tác giả dân gian. Ngoài hai đối tượng kết hôn mang màu sắc lãng mạn và lý tưởng trên, đối tượng kết hôn còn có những cô gái là người bình thường nhưng xinh đẹp và khỏe mạnh (9/55 truyện). Đó đều là những đối tượng xứng đáng vừa để bù đắp cho số phận thấp kém, chịu nhiều thiệt thòi vừa là phần thưởng ban tặng cho lòng tốt và tài năng của nhân vật mồ côi theo quan niệm của đồng bào các dân tộc.

Cũng có thể thấy trong type truyện này, mối liên hệ giữa mồ côi (người trần) và thế giới Nước (Long cung, Long vương, Thủy tề) được thể hiện thường xuyên. Diễn biến cuộc đời nhân vật mồ côi thường bắt đầu bằng sự kiện mồ côi cứu giúp Long vương và con gái Long vương (ẩn dưới hình thức là cá chép hoặc rắn) sau đó được trả ơn bằng một vật thần kỳ cùng với chính con gái Long vương- người đẹp mà nhân vật mồ côi vẫn ao ước (10/54 truyện). Đây chắc hẳn là hồi ức vọng về của tín ngưỡng thờ Nước và Rắn của đồng bào các dân tộc vốn vẫn được kể đến trong thần thoại và truyền thuyết.

Các tác giả cũng rất quan tâm và thường kể đến tình tiết mồ côi lấy vợ và sinh con trai. Phải chăng điều đó thể hiện quan niệm và khát vọng về cuộc đời hạnh phúc của một gia đình thực sự bao gồm vợ chồng và con cái. Đó có lẽ cũng phản ánh quá trình hình thành và tồn tại một cách vững vàng chế độ gia đình phụ hệ mà vai trò quan trọng thuộc về người đàn ông và người con trai. Ngoài phần thưởng là cuộc hôn nhân lý tưởng và mái ấm hạnh phúc đó, nhân vật mồ côi còn được các tác giả dân gian đưa lên ngôi vị Vua- ngôi vị cao nhất theo quan niệm đồng bào các dân tộc xưa - khi truyện kết thúc. Các tác giả dân gian muốn nhân vật bất hạnh phải có hạnh phúc và địa vị cụ thể. Đó là ông vua hoàn hảo do nhân dân cử lên. Phải chăng đó là triết lý chung nằm trong thế giới quan cổ tích: Xã hội mặt đất là xã hội lý tưởng nhất mặc dầu xã hội trên trời là xã hội vĩnh hằng.

Trong truyện kể về nhân vật mồ côi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, đặc biệt chúng tôi thấy xuất hiện nhóm truyện về nhân vật mồ côi tiêu cực. Các

truyện cụ thể là: Tạo Nhá Sáy, Chàng Bả Khó (Thái), Bơ- là Chua phụ vợ, Người chồng bội bạc (Hmông), Tưởng chết mà giàu sang, ác độc (Tày), Vợ cá (Giáy), Sự tích vết trắng dưới cổ trâu (Hà Nhì).

Cốt truyện kể về dạng nhân vật mồ côi tiêu cực được kể qua diễn biến các sự kiện cơ bản: Mồ côi nghèo khổ, cô đơn →Chuyển biến thần kỳ →có vợ đẹp (vợ tiên), giàu sang → Mồ côi phụ bạc vợ, trở nên độc ác →Mồ côi trở lại nghèo khổ, cô đơn.

Có thể thấy, khác biệt trong cốt truyện về dạng nhân vật này là có kết thúc không phải là một kết thúc có hậu như chúng ta vẫn thấy dù trước đó những biến đổi thần kỳ cũng xuất hiện như những phần thưởng tất yếu trong cuộc đời nhân vật mồ côi. Đây có thể là những truyện cổ tích xuất hiện muộn khi các tác giả dân gian đã có cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống. Có thể khi ấy thực tế trong xã hội bên cạnh những chàng mồ côi đáng thương, đáng khen có cả những anh chàng mồ côi đáng chê không biết quý trọng tình nghĩa. Cũng có thể, các tác giả đã nhận thấy lý tưởng, ước mơ và khả năng đổi đời bằng những phép màu kỳ diệu là không thực tế và không phải là vĩnh cửu. Đó chỉ là cách giải thoát đời sống nhằm cân bằng tâm lý, tinh thần một cách tạm thời. Dù xuất hiện bởi căn nguyên nào, nhóm truyện này cũng là những bài học giáo dục đạo đức được phản ánh lồng trong những tình tiết thần kỳ, hư ảo.

Trong những truyện kể về nhân vật mồ côi tiêu cực, thử thách lớn nhất của mồ côi chính là thử thách về đạo đức, lòng chung thủy đối với chính bản thân nhân vật. Trong cuộc thử thách này, nhân vật không có lực lượng thần kỳ trợ giúp, kết cục không có hậu là kết quả tất yếu của những hành vi lệch chuẩn với tiêu chuẩn đạo đức của nhân vật. Ở giai đoạn đầu, yếu tố thần kỳ xuất hiện và thực hiện chức năng cứu giúp người mồ côi đáng thương như kết cấu truyện về người mồ côi thông thường. Yếu tố thần kỳ chính là những nàng tiên xinh đẹp tự nguyện đến với mồ côi như một phần quà quý giá làm thay đổi cuộc đời số phận nhân vật. Đến đoạn sau, tác giả dân gian đã đặt ra trước nhân vật một thử thách khác với các thử thách mà nhân vật mồ côi vẫn thường gặp. Đó không phải là cuộc tranh giành của cải hay ganh tị vì người vợ đẹp của những kẻ thuộc tầng lớp thống trị trong xã hội. Thử thách đặt ra là vấn đề chung tình hay bạc nghĩa của mồ côi với người vợ lẽ ra là lý tưởng đối với nhân vật. Mồ côi bị những người con gái đẹp khác (cô gái trên trời, quỷ Ngũ hải, tiên hóa thành để thử) mê hoặc, lừa gạt đã thay lòng đổi dạ. Vợ tiên dầu có khuyên nhủ, can

ngăn, thậm chí cho mồ côi thêm cơ hội lần cuối vẫn không thể làm mồ côi tỉnh ngộ. Lực lượng thần kỳ lúc này đã thay đổi chức năng vốn có trở thành lực lượng thử thách lòng chung thủy, sự kiên trì, thành thực của mồ côi. Hạnh phúc của mồ côi tuột khỏi tầm tay nhanh và đột ngột như khi nó xuất hiện trong cuộc đời mồ côi. Chi tiết kết thúc một tiếng nổ lớn làm dâng lên một cái cột nước đẩy mồ côi lên cao rồi lại ném xuống đất đầy ám ảnh. Có thể coi, những truyện kể về dạng nhân vật mồ côi tiêu cực là những ứng tác gắn với sự biến đổi của đời sống dựa trên những cốt kể phổ biến về nhân vật mồ côi truyền thống.

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 79 - 84)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w