9 Pu Péo 2 11 10Lô Lô3
2.2.2.1. Truyền thuyết về nhân vật anh hùng lịch sử
Biểu đồ 2.4. Thống kê truyền thuyết về nhân vật lịch sử
Đây là mảng truyền thuyết thể hiện rõ nét nhất đặc trưng của thể loại này. Hiện chúng tôi thống kê có 24 truyện của 4 dân tộc Tày, Thái, Khơ Mú, Mảng. Nhóm truyền thuyết này lưu truyền phổ biến ở hai dân tộc Tày, Thái và tập trung phản ánh về một số nhân vật anh hùng lịch sử tên tuổi của các dân tộc. Người Tày tự hào với những truyện kể về anh hùng Nùng Trí Cao, Dương Tự Minh, Thục Phán, nàng Hợi, anh em Hoàng Đại Huề. Người Thái vẫn truyền nhau chuỗi truyền thuyết về nữ anh hùng nàng Han, về người anh hùng Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng. Người Khơ Mú có hai truyện kể về hai người anh hùng: nàng Chương và Chương Nhi. Đây đều là những nhân vật anh hùng lịch sử người dân tộc thiểu số đã có công lớn trong việc dẹp loạn, giúp mang lại sự yên bình cho đất nước và các làng bản. Truyện của người Mảng lại phản ánh sinh động cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm phương
Bắc với hình ảnh Lý Pì Già- tộc trưởng tài năng, mưu trí, dũng cảm của họ. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc cũng sáng tạo những truyện kể nhằm thể hiện sự trân trọng ca ngợi với những vị anh hùng người Kinh. Ví như anh hùng Lê Lợi không chỉ được tái hiện trong truyền thuyết dân tộc Việt mà còn có sức sống trong lòng đồng bào dân tộc Thái, Mường, Tày - Nùng. Còn người anh hùng nông dân Hoàng Công Chất (Keo Chất) lại là nhân vật lịch sử có công xây thành Xan Mứn ở giữa lòng đồng bào Thái Điện Biên nên đã được đồng bào tôn lên làm người anh hùng của dân tộc mình và thể hiện sự tôn kính ấy qua những truyện kể được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Có thể thấy, truyền thuyết phản ánh về các nhân vật anh hùng lịch sử của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc thường gắn với các địa phương và thời đại nhất định. Thục Phán, Nùng Trí Cao là những người anh hùng gắn với non nước Cao Bằng trong đó, Thục Phán là người anh hùng có công trong việc thu phục và dẹp yên ý định tranh chấp ngôi vua của chín chúa thuộc bộ Nam Cương đóng đô ở đất Nam Bình nay là đất Hòa An, Cao Bằng để đứng lên ngôi vị cao nhất trị vì, cai quản và xây dựng đất nước còn Nùng Trí Cao là người anh hùng cầm quân chống giặc ngoại xâm phương Bắc. Dương Tự Minh là thủ lĩnh hàng đầu phủ Phú Lương Thái Nguyên có công trong việc dẹp Tống giúp triều đại nhà Lý. Nhân dân các dân tộc thiểu số vùng Chi Lăng Lạng Sơn lại ghi danh về anh em Hoàng Đại Huề trong những trang truyền thuyết còn lưu truyền mãi đến ngày nay.
Trong tâm thức đồng bào Thái các tỉnh Tây Bắc, nàng Han và bốn anh em họ Cầm là những tên tuổi không thể nào quên lãng. Nàng Han được coi như thủ lĩnh dấy binh, lãnh đạo nhân dân chống giặc phương Bắc gìn giữ bản mường, dẹp tan âm mưu xâm lược với ý chí và phẩm chất quật cường, mạnh mẽ mà trong sáng, thánh thiện. Người Khơ Mú lại lưu truyền về nữ anh hùng nàng Chương – nhân vật có những điểm tương đồng với nữ tướng nàng Han của người Thái.
Đặc trưng cơ bản của thể loại truyền thuyết là xây dựng trên cơ sở một cốt lõi sự thật lịch sử nhưng luôn được chắp thêm “đôi cánh thơ và mộng” nghĩa là vẫn sử dụng nghệ thuật hư cấu và yếu tố hoang đường, kỳ ảo. Thời gian, không gian, tên tuổi và hành trạng, sự nghiệp của các nhân vật có thể được kể lại một cách xác định cụ thể, rõ ràng nhưng không chắc chắn là hoàn toàn chính xác. Sự tham gia của nghệ
thuật hư cấu, yếu tố kỳ diệu vẫn là một nét nghệ thuật chủ đạo trong truyền thuyết về nhân vật anh hùng lịch sử các dân tộc khu vực này. Điều đó được biểu hiện qua hàng loạt motif đặc trưng như: ra đời kỳ lạ, chiến công thần kỳ, kết thúc kỳ lạ…Các motif mang tính thần kỳ này tạo ra hiệu quả thẩm mỹ quan trọng, Chúng không chỉ đưa nhân vật anh hùng vào những không gian có sắc màu kì ảo tạo nên sức hấp dẫn với người nghe mà còn thể hiện thái độ ngợi ca, trân trọng, tôn vinh đối với những người anh hùng của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Truyền thuyết kể về quá trình sinh thành người anh hùng dân tộc Tày Dương Tự Minh chứa đựng đầy yếu tố kỳ ảo. Thời xa xưa ở vùng Sơn Cẩm phủ Phú Lương có đôi vợ chồng họ Dương lấy nhau đến già mà vẫn chưa có mụn con nào. Họ âu phiền trong dạ nhưng không quên ngày đêm cầu trời, làm nhiều việc thiện. Một đêm người vợ nằm mơ thấy mình nuốt một trái núi. Mười hai tháng sau bà sinh được một cậu con trai, nét mặt khôi ngô, vóc người tuấn tú. Khi cậu bé vừa ra đời có một ánh hào quang tỏa sáng khắp căn nhà. Cả gia đình mừng vui khôn tả. Vợ chồng họ hàng sôi nổi luận bàn đặt tên cho cháu…Tên Dương Tự Minh là do người bác cả đặt. Dương là mặt trời, Tự Minh ắt là phải sáng [84, tr 36-37]. Hay trong bản kể Nàng Han theo tư liệu công bố của tác giả Phùng Thị Phương Hạnh thì người nữ anh hùng này là sự kết hợp của mẹ nàng- một cô gái xinh đẹp, thông minh với con khỉ đực đầu đàn [26]. Sự khác lạ trong quá trình ra đời của người anh hùng thường gắn liền với những đặc điểm khác lạ trong dung mạo và tính cách. Đây là một sáng tạo có thể coi như biến thể của motif tướng lạ tài lạ vẫn thường được các nhà nghiên cứu nói đến khi tìm hiểu về nhóm truyền thuyết này. Về nàng Han, mặc dầu là gái nhưng Han có tài trí và sức khỏe lạ thường, mới chín mười tuổi cô đã tập bắn cung và phi ngựa bạch, cùng với bọn con trai chia bè đánh vật. Lớn lên cô trở thành một kị sĩ thường cưỡi trên lưng con bạch mã phi nước đại như một mũi tên bay thấp thoáng trong rừng xanh [26]. Hoặc Nàng Han không e thẹn hay rụt rè như những người con gái khác trong bản, trong mường. Nàng thích mặc quần áo của lục trai, thích múa gậy, đi quyền. Những đứa trai trong bản cũng phải phục, phải sợ cái tài. Nàng có giọng hát rất thanh. Khi đi rừng lấy củi, hái rau, hay khi xuống suối bắt cá, tìm rêu, và khi lên nương ngắt lúa, nàng đều cất tiếng hát véo von, làm những đứa trai phải mê mệt và say đắm [93]. Truyền thuyết Nàng Hợi thì kể về xuất thân của người nữ anh hùng
như sau: Ngày xưa, đã lâu lắm, sau khi có hai người con trai, chúa mong mãi mới sinh được một người con gái liền đặt tên là nàng Hợi…Nàng Hợi lớn lên ăn ở khác lạ với những người con gái khác trong mường: nàng thích ăn mặc như con trai, học hành thì tinh thông cả văn lẫn võ [110, tr 5].
Ra đời kỳ lạ cùng với dung mạo và tính cách khác lạ chính là những dấu hiệu dự báo cuộc đời và sự nghiệp nhiều biến động và nhiều kỳ tích lớn lao của các nhân vật anh hùng. Motif này một phần bắt nguồn từ những motif cổ xưa của thần thoại, phần nữa phản ánh thái độ, tình cảm trân trọng, tôn sùng của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Với họ, người anh hùng sinh ra mang sứ mệnh cao cả vì cộng đồng, vì đất nước nên ắt là họ phải mang những đặc điểm khác với con người bình thường. Đây là cơ sở để tác giả dân gian tiếp tục kể lại trong truyền thuyết biết bao chiến công hiển hách phi thường mà người anh hùng đã lập nên. Cảnh chiến thắng của đội quân nàng Han được kể lại: Đến ngày hẹn đánh, quân giặc chỉ phòng giữ phía trước mặt, không ngờ quân của nàng Han ở trong thành đánh ra. Bị bất ngờ, quân giặc thua to, bỏ chạy tán loạn. Quân nàng Han còn phục trên các ngả đường đón đánh giặc. Suốt dọc đường, dân các mường, bản cũng dùng gậy, dùng đá giết giặc. Nàng Han cho quân truy kích mạnh mẽ. Quân lính của nàng thế mạnh như nước lũ Nậm So, tiến đến đâu, quân giặc ngã đến đó. Có lúc, quân lính không có hàng ngũ, đội hình lộn xộn, nàng truyền cho tuỳ tướng xé mặt chăn dệt bằng chỉ ngũ sắc xanh đỏ làm cờ lệnh để điều khiển. Giặc thua, chạy về bên kia biên giới [93].
Chiến thắng của đội quân Nông Đắc Thái cũng được tái hiện đầy đủ: Nông Đắc Thái thấy đã đúng lúc rồi, cho lệnh gõ mõ, quân mai phục hai bên sườn núi bắn cung, bắn nỏ, giáp lá cà tì dùng giáo mác. Lũ giặc khóc ầm ĩ, máu phun đỏ đường đi. Đô đốc Trình Dương oai phong ngồi trên lưng ngựa, miệng cứ hô Tiến lên, tiến lên. Mình nó mặc áo giáp, chỉ chừa hai con mắt là không lấy sắt che được. Nông Đắc Thái giương cái nỏ thần lên, mũi tên vù bay, đâm vào mắt Trình Dương. Đô đốc ngã ngựa, miệng khóc í ố. Quân Minh chết kể nghìn kể vạn. Binh sĩ trốn thoát không đáng kể là bao nhiêu [116, tr 911]. Kể lại những chiến thắng lừng lẫy ấy, một mặt đồng bào tái hiện hiện thực lịch sử hào hùng, oanh liệt với sự lãnh đạo tài giỏi, với ý chí và sức mạnh phi thường của các anh hùng, mặt khác là tình cảm và lòng tự hào của nhân dân đã góp phần thêu dệt nên bản anh hùng ca chiến thắng đó.
Bên cạnh đó, truyền thuyết về nhân vật anh hùng lịch sử của đồng bào miền núi phía Bắc còn sử dụng kết hợp những motif của các thể loại khác, nhất là thể loại cổ tích. Trước hết là motif sự xuất thân nghèo khổ của người anh hùng.
Nguồn gốc người anh hùng Nùng Trí Cao được kể rằng Nông (Nùng) Trí Cao quê ở Tượng Cần, châu Quảng Nguyên (tức Cao Bằng). Người cha cùng anh có lỗi với vua nhà Lý, bị bắt về thủ đô Đại Việt xử tội. Nông Trí Cao về ở với chú, ngày ngày đi chăn ngựa ở ngoài đồng [116, tr 926]. Người anh hùng Nông Đắc Thái thì được giới thiệu rằng Thời xưa lâu lắm rồi, ở làng Nà Dưởng có một chàng trai nhà nghèo, mồ côi cha, ngày ngày vào rừng săn muông thú mới có thịt để nuôi mẹ già. Tên anh là Thái, họ Nông Đắc [116, tr 907]. Hay Truyện Quán Triều- Đà Quận kể về sự xuất thân của người anh hùng giống như sự xuất thân của nhân vật cổ tích vậy. Từ xưa lâu lắm rồi, ở đất Lưỡi Rồng- Đà Quận xã Xuân Lĩnh, châu Thái nguyên (sau đổi tên là châu Thạch Lâm) có một người họ Quán tên Triều, nhà nghèo, ngày ngày chở mảng quăng chài lưới, được cá đem bán được tiền mua gạo. Cả nhà trông vào mảng bè và cái chài. Ngày được ngày không, không đảm bảo ngày nào cũng đủ cá đổi bát gạo ăn [116, tr 957]. Theo bản kể Suối nàng Han thì nàng Han có xuất thân giống bao người con gái Thái bình thường khác: Nàng Han là con một gia đình thường dân. Cha Nàng hàng ngày chăm chỉ phát rừng, làm nương, săn thú và đánh con cá. Mẹ Nàng cần cù quay sợi, dệt vải. Cha mẹ chỉ sinh được một mình Nàng nên yêu thương, chiều chuộng hết mực. [93]. Motif sự ra đời kỳ lạ như dấu hiệu khẳng định sức mạnh và lý tưởng siêu phàm của người anh hùng thì motif xuất thân nghèo khổ lại có xu hướng muốn kéo người anh hùng về đời sống thực, cơ cực và giản dị của nhân dân lao động. Dù theo cách nào thì thái độ và tình cảm của dân gian dành cho nhân vật vẫn là sự trân trọng và ca ngợi bởi họ đã làm nên những công trạng lớn lao và hiển hách.
Motif vật thần trợ giúp cũng cho thấy sự xâm nhập và tiếp nhận motif của thể loại cổ tích. Người anh hùng Dương Tự Minh theo truyền thuyết đã được Tiên ban cho một chiếc áo tàng hình và nhờ đó mà thực hiện được ý định cứu giúp dân nghèo và nhất là công cuộc diệt giặc mang lại thanh bình cho đất nước. Trong truyền thuyết về Nùng Trí Cao, thần mã với sức mạnh phi thường đã giúp người anh hùng nối trí cha, nổi lên hùng cứ một phương, lôi cuốn binh sĩ đi mở mang bờ cõi. Ngoài ra
người anh hùng còn nhận được sự trợ giúp của các nàng tiên. Phó tướng quân Nông Đắc Thái được Tiên (ẩn trong người bạn đi săn) tặng cho cái nỏ có mũi tên bằng đồng, đầu mũi tra răng chó sói, cuối mũi là lông chim trĩ. Tuy nhiên, sự tiếp nhận đã được tác giả dân gian nhào nặn, tái tạo để phù hợp với nội dung và chức năng của thể loại truyền thuyết. Nếu trong cổ tích, vật thần thường xuất hiện để giúp nhân vật nghèo khổ vượt qua khó khăn, bế tắc và thay đổi cuộc đời cá nhân nhân vật thì trong truyền thuyết, vật thần lại giúp cho nhân vật tăng thêm ý chí và sức mạnh để lập nên những chiến công phi thường mang lại lợi ích cho cộng đồng, đất nước. Những chi tiết này ít nhiều cũng khiến chúng ta liên tưởng đến những hình ảnh có nét tương đồng trong truyền thuyết người Việt như con ngựa sắt của Thánh Gióng, nỏ thần mà Rùa vàng tặng cho An Dương Vương. Có thể đây là biểu hiện của sự ảnh hưởng, tiếp nhận giữa hai tộc người Tày -Việt trong quá trình cộng cư xen kẽ với nhau.
Ngoài ra, truyện kể về Nùng Trí Cao còn có các motif: điềm báo, người chồng về lúc nửa đêm, để lại chiếc giày làm bằng chứng, hỏi bị chặt đầu còn sống được không, tái sinh… trong đó motif tái sinh vào cây trúc của người anh hùng là motif rất đáng chú ý mà chúng tôi sẽ trở lại tìm hiểu cụ thể hơn ở các chương sau. Truyền thuyết Cẩu chủa cheng vùa có motif thi tài. Đây là những motif không thực sự liên quan đến cuộc đời thực của các nhân vật mà đó chủ yếu là những motif mang tính hư cấu có chủ tâm tạo nên tính hấp dẫn cho các truyện kể. Đó cũng là cách để đồng bào thể hiện tình cảm tôn vinh, ngợi ca và biện giải cho những hành động của các nhân vật.
Chúng ta cũng có thể nhận thấy trong truyền thuyết về người anh hùng chống giặc ngoại xâm của các dân tộc khu vực nơi đây có sự tổ hợp giữa việc phản ánh nội dung lịch sử anh hùng với nội dung giải thích địa danh. Trên bước đường dẹp loạn của người anh hùng, nhiều địa danh đã lưu lại dấu tích như đèo Mã Phục, Vách Đá Nghiêng (Đán Dại), Ngườm Cuông…gắn với việc Nùng Trí Cao phi ngựa quá nhanh khi thua trận, địa danh sông Giang Tiên, hang Sữa, vực Chuông…gắn với công tích của anh hùng Dương Tự Minh. Dòng suối nàng Han và hang Thẩm Han gắn với những nơi mà nữ anh hùng này từng luyện binh quân và tắm mát.
Tuy số lượng không phong phú như truyền thuyết người Việt nhưng truyền thuyết về nhân vật anh hùng lịch sử một số dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc cũng
có kết cấu chuỗi với rất nhiều dị bản như chuỗi truyện về Nùng Trí Cao, Dương Tự Minh của dân tộc Tày, chuỗi truyện về nàng Han của dân tộc Thái. Chuỗi truyền thuyết này gắn bó chặt chẽ với hệ thống lễ hội hiện vẫn được tổ chức thường xuyên trong đời sống các dân tộc. Điều này cho thấy sức sống mạnh mẽ của các nhân vật lịch sử trong tâm thức, tình cảm các dân tộc thiểu số cũng như sức sáng tạo truyện kể dồi dào của đồng bào.