Truyện có nhân vật là loài vật và con ngườ

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 111 - 114)

6 truyện, dân tộc Tày có 5 truyện còn một truyện của dân tộc Giáy.

3.4.2. Truyện có nhân vật là loài vật và con ngườ

Biểu đồ 3.13. Thống kê truyện cổ tích có nhân vật là loài vật và con người

Thuộc type truyện này hiện chúng tôi thống kê được 11 truyện của 5 dân tộc Tày, Dao, Nùng, Pu Péo, Lô Lô. Phần lớn truyện kể thuộc nhóm này phản ánh mối quan hệ giữa con vật và con người trong đó, con người đóng vai trò là nhân vật có trí thông minh và luôn giành phần thắng trong những lần đấu trí với các loài vật. Các truyện như Bò và hổ (Lô Lô), Hổ với trâu (Tày) có cốt truyện khá tương đồng với truyện Trí khôn của tao đây của người Việt.

Một số truyện khác tiếp tục lý giải những đặc tính sinh học của các loài vật. Ví dụ, truyện Hổ, người và gà gô (Nùng) giải thích việc hổ không làm bạn với người mà chỉ kết bạn với gà gô, truyện Người và hổ (Tày) kể truyện người lừa hổ, giải thích thói quen, hình dáng, đặc điểm của các loài hổ, rùa, cá chuối…Truyện Tại sao ngày nay chó ăn cơm, lợn ăn cám của dân tộc Tày kể về việc chó và lợn cùng giúp con người cày ruộng, chó lừa lợn, người tưởng chó có công nên thưởng cho chó ăn cơm,

phạt lợn phải ăn cám. Sau Pựt biết chuyện nên phạt lại bắt chó khi mới sinh không mở được mắt còn lợn thì mở được ngay.

Có thể thấy, truyện cổ tích loài vật các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc tập trung phản ánh mối quan hệ giữa con người và con hổ, con vật đặc biệt có tác động mạnh mẽ đến đời sống và tâm lý các tộc người. Con vật này cũng đã xuất hiện trong nhiều type truyện cổ tích khác của các dân tộc nơi đây.

Qua khảo sát, chúng tôi còn nhận thấy, sự ảnh hưởng và tiếp thu các yếu tố của thể loại thần thoại vẫn tiếp tục xuất hiện trong cổ tích loài vật. Nhiều truyện giải thích về đặc tính và đặc điểm các loài bằng sự xuất hiện, tác động, chi phối của Pựt, Ngọc Hoàng, Vua Trời, Then Trời- các vị thần quyền uy tối thượng từng là nhân vật trung tâm trong thần thoại các dân tộc. Truyện Sự tích con kỳ nhông (Tày) kể về gốc tích loài kỳ nhông như sau Kỳ nhông vốn là con cáo chuyên bắt gà nên bị Ngọc Hoàng làm sấm sét phạt, giết chết gần hết. Những con trốn được chui vào các ngách đá nằm im lâu dần mọc rêu và gọi là kỳ nhông. Từ đó, kỳ nhông rất sợ tiếng sấm sét và con người thường giả làm tiếng sấm sét để dọa kỳ nhông.

Truyện cổ tích loài vật các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc, nhất là truyện của dân tộc Tày, yếu tố ngụ ngôn xuất hiện khá phổ biến. Bên cạnh chức năng chính là phản ánh và lý giải về xã hội các loài vật, nhiều câu chuyện còn chứa đựng một bài học đạo đức sâu xa. Ví như những truyện kể về các con vật thông minh trong cuộc đấu trí và chiến thắng những con vật to lớn, ngốc nghếch đều hàm chứa bài học khuyên con người ta không nên kiêu ngạo, hống hách, ngược lại luôn bình tĩnh trước mọi tình huống khó khăn. Truyện Lình kì (Con cu ly) và Nu pú liề (Con chuột chù)

(Tày) kể về hai con vật thường có quen thói quát nạt, dọa dẫm khiến cho mọi vật xa lánh. Đến năm đại hạn, chúng tìm đến các con vật khác xin ăn thì bị các loài vạch mặt. Từ đó, con thì thường che mặt, con thì dúi mõm cúi đầu vì xấu hổ. Truyện vừa giải thích đặc tính của hai loài vật vừa phảng phất một lời nhắc nhở: ác giả ác báo.

Tiểu kết

Trong toàn bộ chương 3, chúng tôi đã phân loại và phân tích các type truyện trong thể loại cổ tích của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Với 283 đơn vị tư liệu, truyện cổ tích đã góp phần quan trọng làm nên diện mạo, giá trị cho kho tàng truyện kể dân gian các dân tộc khu vực này. Có thể thấy, truyện cổ tích các dân tộc

thiểu số khu vực này có nhiều type và motif quen thuộc trong kho tàng cổ tích thế giới cũng như cổ tích các dân tộc Việt Nam. Đó là những truyện kể phản ánh xoay quanh nhiều số phận bất hạnh như người mồ côi, người em út, người con riêng, người đội lốt xấu xí…trong xung đột, mâu thuẫn với các thế lực đối lập – xung đột điển hình của chế độ xã hội có sự phân hóa giai cấp ở các cấp độ khác nhau. Đó là rất nhiều type truyện cổ tích sinh hoạt xoay quanh những nhân vật thông minh, hiếu nghĩa, ngốc nghếch…Đồng thời, chúng ta cũng khám phá được một số type truyện và motif thể hiện bản sắc đặc thù của đời sống miền núi. Đó là mật độ xuất hiện lớn của type truyện về nhân vật người khỏe, truyện về nhân vật mồ côi phụ bạc, truyện về chàng rể…Đó còn là sự xuất hiện của một loạt những motif khác biệt: motif nhân vật trợ giúp, motif bắt chước không thành công, yếu tố cầu nối trong motif đoàn tụ của kiểu truyện người con riêng, motif biến hóa của nhân vật trợ giúp thần kỳ trong kiểu truyện em út…Do đó có thể khẳng định, truyện cổ tích các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc vừa mang những nét tương đồng loại hình vừa mang nét đặc sắc của khu vực. Cũng qua kết quả khảo sát, chúng ta có thể thấy sự phân bố không đồng đều các type truyện ở các dân tộc. Một số dân tộc như Tày, Thái, Hmông còn lưu giữ được đầy đủ các type truyện và số truyện ở các kiểu khá phong phú, số còn lại có thể khuyết đi một vài type và số lượng truyện cũng không còn được lưu giữ nhiều. Điều này có thể phản ánh sức sáng tạo khác nhau giữa các tộc người, nhưng chủ yếu là thể hiện khả năng lưu giữ và lưu truyền không đồng đều giữa các dân tộc.

CHƯƠNG 4

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 111 - 114)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w