Các nhóm thần thoại tiêu biểu

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 45 - 50)

9 Pu Péo 2 11 10Lô Lô3

2.1.2. Các nhóm thần thoại tiêu biểu

Đã có nhiều cách phân loại về thần thoại nói chung, thần thoại các dân tộc thiểu số nói riêng. Nhìn chung, các cách phân loại là khá thống nhất, chỉ khác ở cách diễn đạt và mức độ phân loại cụ thể hay khái quát.

Tác giả Võ Quang Nhơn trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam cho rằng

có thể phân chia hệ thống thần thoại các dân tộc theo các loại hình sau đây: loại truyện kể về việc sinh ra trời, đất, cây cỏ, núi sông; loại truyện kể về việc sinh ra con người, sinh ra các dân tộc; loại truyện kể về những kì tích sáng tạo văn hóa trong buổi đầu của con người; loại truyện kể về những cuộc đấu tranh xã hội trong buổi đầu của xã hội có giai cấp [45, tr 594].

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Huế trong phần Khái luận của bộ Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam [114] đã phân loại thần thoại các dân tộc

thiểu số thành hai nhóm tương đương với hai chủ đề chính là: Thần thoại suy nguyên kể về nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc muôn loài; Thần thoại kể về sự chinh phục thiên nhiên và sáng tạo văn hóa. Trong mỗi nhóm lớn đó, tác giả lại tiếp tục chia thành các nhóm nhỏ hơn để tiện nghiên cứu.

Trên cơ sở nguồn tư liệu đã thống kê và khảo cứu về thần thoại các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, kế thừa các quan điểm phân loại đã có, chúng tôi phân chia và tìm hiểu thần thoại các dân tộc khu vực này thành ba nhóm dựa theo nội dung phản ánh gồm: Thần thoại về vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên; Thần thoại về nguồn gốc con người và muôn loài; Thần thoại về công cuộc chinh phục tự nhiên và sáng tạo văn hóa. Các nội dung này nhiều khi không phân tách và thuộc về từng bản kể một cách rạch ròi mà có khi chúng được phản ánh đồng thời trong cùng một cốt truyện, cùng một bản kể.

2.1.2.1. Thần thoại về vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên

...Chúng tôi đã thống kê được 13 truyện của 7 dân tộc Tày, Thái, Hmông, Dao, Mảng, Pu Péo, Hà Nhì phản ánh nội dung này với tỉ lệ thể hiện trong Biểu đồ 2.1.

Biểu đồ 2.1. Thống kê thần thoại về vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên

Trong nhiều truyện kể thần thoại, các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc đều hình dung rằng trời đất ban đầu đã chia thành hai khối, đã có khoảng cách chỉ có điều đó là một khoảng cách rất gần, gần đến nỗi người dưới đất và người trên trời có thể đi lại và nói chuyện được với nhau gây ra phiền nhiễu, bất tiện. Người hạ giới và Ngọc Hoàng thành ra ghét lẫn nhau, trừng phạt nhau. Người hạ giới phải ngồi giã gạo nên mỏi đầu gối thành ra bực tức. Hình dung này không giống với cách kể trong truyện Thần trụ trời của người Việt và một số dân tộc thiểu số khác rằng vũ trụ ban đầu là một cõi hỗn độn, tối tăm, trời đất chưa phân định rõ ràng cho đến khi xuất hiện một vị thần khổng lồ tiến hành “khai thiên lập địa”, phân chia trời đất. Nhưng đây lại là sự gặp gỡ với quan niệm của nhiều dân tộc trên thế giới theo như nhận định của Riftin. Ở đây, sự tương đồng hay khác biệt đều không thể lý giải bằng sự giao lưu, ảnh hưởng giữa các dân tộc mà chủ yếu chúng thể hiện sự tương đồng và khác biệt trong tư duy nguyên thủy các dân tộc.

Điểm gặp gỡ trong quan niệm các dân tộc là ở logic chung đặc trưng của thần thoại, đó là logic dùng chứng cứ ngược để giải thích tình huống, nghĩa là ban đầu trời đất mang những đặc điểm ngược, tương phản với thực tế và sau đó vì một nguyên cớ nào đó mới trở thành trạng thái như hiện tại. Còn cách hình dung về nguyên nhân làm cho trời đất xa nhau chính là chỗ khu biệt trong thần thoại các dân tộc. Với đồng bào thiểu số miền núi phía Bắc, nguyên nhân ấy được kể thống nhất giữa các dân tộc.

Truyện Trời và đất của dân tộc Dao kể: Không chịu nổi, người trần bảo nhau chống lại Ngọc Hoàng. Mỗi khi giã gạo, người trần lại cầm chày đẩy trời cao lên một tý. Trời cứ thế cao dần. Ngọc Hoàng không nghe được truyện của trần gian nữa [126, tập 1, tr 161]. Trong thần thoại Trời đất và muôn loài của người Thái, trời và đất ban đầu nối liền với nhau bằng dây “chựa khảo cát”. Một bà góa có đứa con trai hay lên trời chơi, không chịu đỡ đần mẹ, giận quá bà cầm chày giáng một cái đứ tmất sợi dây, từ đó không ai lên trời được nữa [73, tr 43]. Truyện Nguồn gốc vũ trụ và các dân tộc của dân tộc Mảng kể đơn giản hơn rằng Trời thấp quá nên người giã gạo phải ngồi, mỏi, lấy chày đâm đụng vào trời, trời vội chạy lên cao [11, tr 16]. Hình ảnh cái chày trong truyện kể các dân tộc khu vực này là một sự hình dung hồn nhiên, mộc mạc phản ánh dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Chiếc chày là dụng cụ chính sử dụng trong quá trình chế biến ra lúa gạo và gắn với công việc của người phụ nữ. Chiếc chày trong đời sống lao động được đồng bào gán cho chức năng quan trọng là vật gián tiếp tạo ra khoảng cách như ý giữa trời và đất.

Cùng một cách phản ánh hoang đường kỳ diệu về sự hình thành vũ trụ nhưng thần thoại mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại tưởng tượng về những hình tượng sáng tạo kỳ diệu ấy một cách khác nhau. Thần thoại các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc thường tưởng tượng đó là các cặp thần nam nữ khổng lồ sáng tạo vũ trụ. Thần thoại Mường kể về ông Thu Tha và bà Thu Thiên trong mo Đẻ đất, đẻ nước. Trong thần thoại Hmông, Chử Lầu- Vua Trời đã gọi ông Chày bà Chày tạo ra bầu trời và mặt đấtv còn trong thần thoại Tày là vợ chồng Báo luông- Slao Cải, vợ chồng Tài Ngào… Trời và đất là sự kết hợp của những cặp thần nam nữ, do đó, chúng có mối quan hệ khăng khít. Ông Chày tạo ra bầu trời, thấy vòm trời hẹp mà mặt đất rộng nên ông bảo bà Chày nắn lại mặt đất cho khớp với bầu trời. Không chỉ thể hiện cách lý giải hồn nhiên về hiện thực mà thần thoại các dân tộc còn cho thấy quan niệm, sự nhận thức về quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sinh tồn và bảo lưu giống nòi. Nói cách khác, con người thời cổ đã lấy cuộc sống của mình, sự sản sinh con người làm khuôn mẫu cho sự sáng tạo trời đất.

....Thần thoại một số dân tộc ở miền núi phía Bắc cũng kể về một vị thần duy nhất sáng tạo vũ trụ, như thần Bàn cổ của dân tộc Dao, nhưng khác với thần Trụ Trời của dân tộc Việt, thần Bàn cổ chính là vũ trụ, trong đó, đầu của thần là Trời, chân của

thần là đất, mắt bên trái của thần là mặt trời và mắt bên phải của thần là mặt trăng… Như vậy, điều mà tác giả truyện kể các dân tộc muốn nhấn mạnh chính là mối liên hệ mật thiết giữa các phần tạo nên trời đất, vũ trụ hay nói cách khác, đồng bào các dân tộc nhìn ra mối quan hệ khăng khít giữa các hiện tượng, sự vật trong tự nhiên để tạo nên vũ trụ.

Motif người kiến tạo vũ trụ là motif chung phổ biến trong thần thoại của nhiều dân tộc, nhiều quốc gia nhưng hình tượng đó được hình dung cụ thể như thế nào thì có thể có sự khác biệt. Trong thần thoại Chăm, vũ trụ được kiến tạo không phải bởi một cặp thần nam nữ hay một vị thần nhất thể như vẫn thấy mà đó là bốn thế hệ lần lượt thay nhau thực hiện các công việc này. Thuở sơ khai, bà Átmêhưcát trông coi vạn vật, khi các mặt trời bị bắn rụng, vũ trụ u tối, đó là mạt thế. Thế hệ thứ hai là ông Âuloa Hú thụ sắc bà Átmêhưcát ra đời làm công việc khai thiên lập địa cho sáng sủa hơn, sau đó tất cả lại tiêu tan hết chỉ còn lại cây Môsi cao vòi vọi. Thế hệ thứ ba vẫn là ông Âuloa Hú phục sinh từ cây Môsi, sau khi khai quang nhật nguyệt, tái tạo vạn vật, ông sai con gái đầu lòng- thế hệ thứ tư- là bà Nagar thay ông cai quản vạn vật. Như vậy, các thần kiến tạo vũ trụ trong thần thoại Chăm là các đơn thần, họ tự sinh, tự hóa rồi lại tự phục hồi. Cũng qua đây ta có thể thấy trong tâm thức đồng bào Chăm, người mẹ - nữ thần Chăm là một hình ảnh thiêng liêng không khi nào có thể phai mờ.

Về các hiện tượng tự nhiên, chúng tôi nhận thấy mối quan tâm lớn nhất của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc là hiện tượng Mặt Trăng và Mặt Trời, nhất là type truyện Bắn mặt trời. Đề tài này cũng xuất hiện trong thần thoại các dân tộc khác nhưng xét về số lượng truyện kể thì các dân tộc nơi đây sở hữu lượng bản kể chiếm tỉ lệ cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Theo thống kê của tác giả Nguyễn Thị Huế trong bài viết Thần thoại Bắn mặt trời của các dân tộc Việt Nam [35], hiện có khoảng 20 bản kể thuộc type bắn mặt trời, trong đó có 18 bản là của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, nhiều nhất là dân tộc Hmông với 6 bản kể.

Mặt trăng, mặt trời là những sự vật mà con người quan sát thường xuyên trong đời sống và ấn tượng về chúng vô cùng đậm nét. Không phải đến thời hiện đại mà ngay từ thuở xa xưa, con người đã hiểu được tầm quan trọng của mặt trăng, mặt trời và ánh sáng chiếu xuống mặt đất. Sự hình dung ban đầu về hiện tượng mặt trăng,

mặt trời ở các dân tộc có nhiều điểm tương đồng. Thần thoại các dân tộc đều kể ban đầu trần gian có nhiều mặt trời và mặt trăng khiến con người và muôn vật không sống nổi. Vì thế, xuất hiện nhân vật thực hiện việc bắn rụng các mặt trăng, mặt trời dư thừa. Còn lại một mặt trời và một mặt trăng duy nhất bị thương hoặc sợ quá chạy trốn. Gà trống được cử đi gọi chúng về. Thế là từ đó, thế gian có một mặt trăng và một mặt trời đủ để chiếu sáng và sưởi ấm cho loài người. Thần thoại Việt kể: Vũ trụ ban đầu lạnh lẽo, tối tăm. Trời đã cho xuất hiện chín mặt trời và mười mặt trăng, thi nhau chiếu sáng và thiêu đốt mặt đất. Thằng Quải xuất hiện dùng nỏ bắn rụng các mặt trời và mặt trăng khiến trời đất lại tối tăm. Người sai gà trống đi gọi lại được một mặt trời và một mặt trăng. Mặt trăng nóng nảy hay sà xuống gần mặt đất làm cho con người nóng không chịu được. Thằng Quải phải lấy tro bếp ném lên mặt của mặt trăng. Từ đó, mặt trăng không sà xuống thấp nữa mà trở nên mát dịu.

Truyện Sự tích chiếc mào gà (Hmông) kể: Trời lấy đất nặn ra một giống khôn nhất, giỏi nhất là người. Trời cho chín mặt trời và tám mặt trăng đua nhau tung ánh sáng uống cạn nước mọi nơi khiến loài người không sống nổi. Động lòng, ông tiên Giàng Do thả chó đen đi đuổi cắn, lại lấy cây “tùng thú” làm cánh cung, lấy cây “tùng màn” làm dây cung bắn bị thương tám mặt trời, bảy mặt trăng làm chúng hết sáng. Chỉ còn một mặt trời và một mặt trăng rủ nhau đi trốn. Trời bảo gà đi gọi đến chín lần thì mặt trời và mặt trăng quay trở về [82, tr 159].

Như vậy, hiện tượng mặt trời lặn theo quan niệm của người nguyên thủy là do mặt trời bị một số lực lượng đuổi, bắn nên phải trốn xuống sau núi và mặt trời mọc là do tiếng gà trống cất tiếng gọi (gà gáy sáng). Hình ảnh gà trống gọi mặt trời trước hết là sự phản ánh chân thực của hiện tượng tự nhiên có thực trong đời sống. Đồng thời, nó phản ánh quan niệm của đồng bào các dân tộc cho rằng gà là con vật linh thiêng. Trong tập tục thờ cúng, gà là loại vật phẩm không thể thiếu trong mâm lễ giúp cho lời nguyện cầu đến được với thần linh. Gà trở thành vật cầu nối giữa con người với thần thánh. Ở một số dân tộc, có những bản kể lại gán cho loài vịt thực thi nhiệm vụ cao cả này thay gà trống. Đó là những câu chuyện đã có xu hướng cổ tích hóa trở thành truyện cổ tích loài vật nhằm giải thích hiện tượng vì sao vịt không ấp trứng.

Cách lý giải về sự hình thành vũ trụ cũng thống nhất với sự hình dung về quá trình tạo lập các hiện tượng tự nhiên xung quanh con người. Những sông suối, sườn

đồi, núi non đều là chứng tích để lại từ sự tác động của những con người khổng lồ như vợ chồng Tài Ngào của người Tày, các Chô công của người Thái... Các hiện tượng tự nhiên khác như Đất, Sấm Sét…tuy không lưu giữ được những truyện kể cụ thể nhưng chúng ta có thể có hình dung về sự xuất hiện và đặc tính của các hiện tượng này gián tiếp qua những thần thoại về nguồn gốc loài người.

Như vậy, nhóm thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên đã phản ánh nhận thức ban đầu hồn nhiên, chứa đựng cả quan niệm duy tâm và dấu ấn của triết học duy vật sơ khai. Những truyện kể về Trời, đất, Mặt trăng, Mặt trời… là sự cụ thể hóa sinh động quá trình nhận thức về sự tồn tại của hiện thực khách quan thông qua quá trình quan sát và trí tưởng tượng phong phú của người dân các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Hình tượng các thần chính là sản phẩm của niềm tin và sự sùng bái tự nhiên kết hợp với nhận thức có tính vật chất về thế giới của con người thời cổ. Trong cách lý giải về nguồn gốc vũ trụ, các hiện tượng tự nhiên và muôn loài, quan niệm của các dân tộc miền núi phía Bắc đều gặp gỡ thống nhất với nhau và với nhiều dân tộc khác ở những điểm cơ bản. Điểm khác biệt thể hiện chủ yếu cách gọi tên và xây dựng những hình tượng nhân vật cụ thể, ở cách hình dung một số yếu tố.

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 45 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w