4 dân tộc Tày, Thái, Hmông, Nùng, trong đó, số lượng truyện chủ yếu thuộc về ha
3.3.1. Truyện về người thông minh
Nổi bật trong bộ phận truyện cổ tích sinh hoạt của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc là những truyện kể về người thông minh. Hiện chúng tôi thống kê có 32
truyện của 8 dân tộc Tày, Thái, Mường, Dao, Hmông, Pu Péo, Giáy, Nùng kể về loại nhân vật này, trong đó dân tộc Tày vẫn là dân tộc có số bản kể nhiều nhất (14/32 truyện). Các nhân vật chính trong nhóm truyện này được các tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến trí thông minh và coi trí thông minh là phương tiện quan trọng để đấu tranh chống lại các thế lực gian ác trong xã hội, mang lại hạnh phúc cho nhân vật và giành lại công bằng cho những con người lương thiện.
Biểu đồ 3.8. Thống kê truyện cổ tích về người thông minh
Theo khảo sát của chúng tôi, người thông minh trong truyện cổ tích khu vực này gồm bốn loại: chàng mồ côi (nghèo khổ) thông minh, em bé thông minh, người chồng thông minh và chàng rể thông minh.
Chúng ta đã biết mồ côi là loại nhân vật điển hình được quan tâm và miêu tả trong nhiều kiểu truyện của cổ tích thần kỳ. Ở đó, mồ côi xuất hiện với một số phận bất hạnh, nghèo khổ và phải nhờ đến những phép màu kỳ diệu thì cuộc đời họ mới được an ủi và trở nên hạnh phúc. Đến đây, mối quan tâm của đồng bào các dân tộc vẫn còn dành phần lớn cho những nhân vật mồ côi ấy nhưng cách nhìn, cách kể đã có nhiều biến đổi. Không còn là những mồ côi bất hạnh, bế tắc, trông chờ vào lực lượng thần kỳ mà đã là những nhân vật mồ côi giàu trí thông minh, sự khôn ngoan và chút láu lỉnh, hài hước. Cốt truyện về chàng mồ côi thông minh thường xoay quanh hai nội dung: mồ côi thông minh vượt qua được thử thách của những thế lực có địa vị trong xã hội như Vua, nhà giàu và đạt được kết quả là lấy được con gái Vua, cô gái xinh đẹp hoặc mồ côi dùng trí thông minh “chơi đểu” những tên giàu có của. Motif tiêu biểu trong nhóm truyện là: thử tài, kén rể và mẹo lừa. Các truyện thuộc nhóm này đã xuất hiện yếu tố hài hước, có thể coi là bước quá độ, là cơ sở nảy sinh một thể loại mới là truyện cười. Số lượng bản kể thuộc nhóm truyện này rất phong phú, thuộc về nhiều dân tộc như: Chàng rể bảy (Hmông), Mồ côi xử kiện, Không bao giờ biết
giận, Khóc cùng một lúc, Người nghèo lấy được con gái vua (Nùng), Cái ống thiêng, Chàng mồ côi thông minh, Chàng trai thông minh, Cày ruộng xá tiếp xá, cưỡi ngựa móng tiếp móng (Tày), Quả mận đổi con trâu, Tạo nộc nọi (Tạo chim con) (Thái),
Mưu khôn lấy được vợ (Dao)…
Loại nhân vật thông minh thứ hai xuất hiện trong truyện kể các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc là nhân vật em bé thông minh. Những truyện tiêu biểu như:
Hai ông trạng nhỏ (Tày), Chú bé thông minh (Dao), Án nha đếch nọi (Quan huyện trẻ con- Thái). Đây là những nhân vật được xây dựng rất đặc biệt. Chúng có hình dáng của những đứa trẻ nhưng các tác giả đã gán cho chúng trí tuệ của người lớn. Truyện có nhiều điểm tương đồng với truyện Em bé thông minh của người Việt nhưng khác ở tình tiết kết thúc. Nhân vật em bé thông minh trong truyện kể của người Việt có kết quả thắng lợi hoàn toàn còn nhân vật trong truyện các dân tộc Tày, Dao có kết thúc là những cái chết: em bé chết, Vua (Vua Trời) cũng chết. Một số truyện để kết thúc có hậu, tác giả dân gian đã thêm vào yếu tố thần kỳ như nhân vật nhờ thuốc tiên mà sống lại.
Loại nhân vật thông minh thứ ba được kể đến trong truyện kể các dân tộc nơi đây là những người chồng thông minh. Nhân vật này thường được đặt trong tình huống thử thách là có những người vợ có tính xấu như thói trăng hoa hoặc phải thử lòng hai vợ để biết vợ nào tốt. Người chồng thông minh đã khôn ngoan tìm ra những phương cách để dạy cho người vợ những bài học, giúp cho họ nhận ra sai lầm hoặc để nhận ra đâu là người vợ tốt thực sự trong hai người vợ. Các truyện như Pò hú chín chân, Anh hay chữ thua cuộc (Giáy), Vợ cả vợ lẽ, Chồng thử vợ (Mường),
Người chồng thông minh, Quan tài nặng bao nhiêu, đổi bấy nhiêu vàng bạc (Tày) là những câu chuyện đề cao trí thông minh của người chồng đồng thời phản ánh thái độ phê phán những người vợ có thói xấu và chỉ ra những bài học quý giá đối với mỗi người.
Nhóm truyện kể về người con rể thông minh tất yếu được đặt trong mối quan hệ gia đình tế nhị: con rể - bố mẹ vợ. Nội dung nhóm truyện này thường xoay quanh việc người con rể bị bố mẹ vợ lợi dụng bóc lột sức lao động dẫn đến các chàng rể phải dùng trí tuệ sắc sảo của mình để đấu tranh chống lại thói lợi dụng con rể và tục ở rể ấy. Những truyện tiêu biểu như: Bố vợ, con rể (Tày), Chàng rể nghèo (Pu Péo),
Con rể và bố vợ, Chàng rể- bố vợ, Mẹ vợ- con rể (Thái)…Lý giải về sự xuất hiện nhóm truyện xoay quanh người con rể, chúng ta có thể nghĩ đến một tập tục phổ biến trong đời sống nhiều dân tộc thiểu số như Dao, Thái, đó là tục ở rể. Ở dân tộc Việt, cùng với quan niệm “dâu con, rể khách”, sau đám cưới, người con gái thường theo chồng về sinh sống ở gia đình nhà chồng và dần thích nghi với lối sống, lối sinh hoạt ở đó. Người con rể giữ quan hệ với gia đình vợ một cách gián tiếp và không thường xuyên. Còn ở một số dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, người con trai khi cưới phải ở rể tại nhà gái một thời gian nhất định (hai hay ba năm) thậm chí ở suốt đời. Ví dụ, tục ở rể của người Dao được tổng kết rằng: Hôn nhân người Dao, đó đây chúng ta vẫn có thể bắt gặp một số tàn dư của những hình thức hôn nhân nguyên thủy như tàn dư của chế độ ở rể bắt buộc. Ở rể có hai hình thức: ở rể có thời hạn và ở rể vĩnh viễn. Khi ở rể vĩnh viễn thường người con trai phải đổi họ mình theo họ vợ [31, tr 108]. Cho đến nay, tục này vẫn tồn tại trong đời sống một số dân tộc. Tục ở rể thể hiện quan niệm của đồng bào các dân tộc thiểu số cho rằng: bố mẹ các cô gái đã có công sinh thành, nuôi dưỡng do đó các chàng trai phải ở rể, làm lụng để trả ơn bố mẹ. Người con rể được đối xử bình đẳng nhưng về mặt lao động, con rể thực sự phải ra sức lao động vất vả vừa như một sự trả ơn vừa là để vượt qua thử thách.