Truyện về người khỏe

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 95 - 98)

4 dân tộc Tày, Thái, Hmông, Nùng, trong đó, số lượng truyện chủ yếu thuộc về ha

3.2.4.Truyện về người khỏe

Đây là kiểu truyện đặc trưng trong kho tàng cổ tích của các dân tộc thiểu số trong đó có truyện kể của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Hiện chúng tôi khảo sát được 22 truyện của 5 dân tộc Tày, Thái, Hmông, Dao, Hà Nhì trong đó dân tộc Hmông có số lượng bản kể nhiều nhất (11/22 truyện).

Có lẽ điều kiện thường xuyên tiếp xúc, thường xuyên đối mặt và đấu tranh, chinh phục với tự nhiên để duy trì và bảo vệ cuộc sống là cơ sở căn bản làm nảy sinh kiểu truyện này. Một mặt khác nhiều bản kể thuộc kiểu truyện này được kế thừa, phát triển từ thần thoại và truyền thuyết. Nội dung, chủ đề chính của kiểu truyện này thường xoay quanh việc phản ánh công cuộc đấu tranh chống tự nhiên, chống phong kiến và chống giặc ngoại xâm. Hình tượng nhân vật tiêu biểu của kiểu truyện là những chàng trai có sức khỏe và tài năng hơn người. Trong truyện của hai dân tộc Hmông và Tày, chúng tôi còn thấy xuất hiện nhóm nhân vật người khỏe như Ba chàng người khỏe, Ba chàng trai tài giỏi, Sáu chàng trai khỏe, Chín chàng trai kỳ tài…(Hmông), Chín anh em chàng nghe gió, Cẩu Khây (Tày)… Họ là đại diện cho nhân dân, là cứu cánh của nhân dân trong mọi lúc, mọi nơi. Chiến công của các nhân vật người khỏe chủ yếu được khẳng định qua các cuộc chiến đấu và tiêu diệt các loại yêu tinh, quỷ dữ, rắn thần, chim thần, hổ chột mắt. Qua đó đồng bào các dân tộc muốn phản ánh khát vọng chinh phục thiên nhiên, khát vọng muôn đời đã từng được thể hiện trong các truyện kể thần thoại qua những kỳ tích của nhân vật như ngăn nước, đắp đập giúp dân làng khỏi ngập lụt...Ngoài ra, qua nhân vật người khỏe, nhân dân cũng thể hiện tư tưởng đấu tranh giai cấp với những truyện miêu tả xung đột giữa người khỏe với Vua, Chúa đất. Nhân vật người khỏe còn là hình ảnh sức mạnh, tinh thần đoàn kết trong cuộc chiến đấu chống giặc xâm lược (chàng Lừ Ninh và Chứ Sào trong truyện kể dân tộc Hmông…). Chiến công của các nhân vật người khỏe thường gắn với phần thưởng là những người vợ đẹp. Kết thúc truyện thường là kết thúc có hậu, nhân vật người khỏe sống hạnh phúc với vợ con, bố mẹ và dân làng. Một số người khỏe được lên ngôi vua. Cá biệt một số nhóm người khỏe hy sinh sau cuộc chiến đấu (Ba chàng người khỏe, Chàng Bí- Hmông). Nhóm truyện về người người khỏe của các dân tộc khu vực này cơ bản có nhiều nét tương đồng với các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.

Có thể chia kiểu truyện này thành hai nhóm nhỏ: truyện về các chàng trai khỏe có biệt tài và truyện về các chàng trai khỏe giết yêu tinh cứu người đẹp. Nhân vật chính trong nhóm truyện kể về các chàng trai có biệt tài thường là nhóm các chàng trai hoặc là anh em ruột được sinh nở thần kỳ hoặc tự nguyện tìm đến nhau do mỗi người đều có một biệt tài nào đó. Tuy nhiên, nếu trong truyện các dân tộc như

Chăm, Ê Đê, Khơ Me…nhóm chàng trai thường gồm 7 người thì với các dân tộc miền núi phía Bắc, đặc biệt là người Hmông, họ lại ưa dùng các con số 3 và bội số của 3 như 6, 9. Điều này trùng hợp với việc sử dụng con số trong type thần thoại về

Nạn lụt và sự tái tạo loài người mà chúng tôi đã nhắc đến ở những chương trước. Các chàng trai có thể được sinh nở thần kỳ hoặc sinh nở bình thường thì ngay khi sinh ra đã ăn khỏe, làm khỏe. Để khẳng định và nhấn mạnh vào sự ăn khỏe, làm khỏe và có sức khỏe phi thường của nhân vật người khỏe, các tác giả dân gian thường kể qua một chi tiết: đứa bé ăn khỏe đến mức bố mẹ phải bàn nhau mang bỏ vào rừng vì không nuôi nổi nhưng đứa bé không những không chết mà càng ngày càng khỏe mạnh. Ở nhóm truyện này, các nhân vật sinh ra mang trong mình sứ mệnh cao cả, đó là dùng sức khỏe giết yêu tinh, tiêu diệt những loài vật có hại và tiêu diệt giặc thù mang lại cuộc sống yên bình cho làng bản. Các nhân vật người khỏe luôn sẵn lòng chiến đấu mà không suy tính một điều gì cả. Cách kết thúc của nhóm truyện này có điểm khác biệt với các nhóm truyện cổ tích thần kỳ khác. Truyện kết thúc khi nhóm người khỏe đã tiêu diệt xong những thế lực có hại, đem lại thanh bình cho dân làng. Sự thanh bình, hạnh phúc của dân làng có thể đồng nghĩa với hạnh phúc của nhân vật, nhân vật lên đứng đầu hoặc lấy được vợ đẹp nhưng cũng có thể không, một số nhóm nhân vật người khỏe đã hy sinh sau những cuộc chiến đấu vất vả ấy. Đó là cách kết thúc có hậu nhưng không phải ở sự đổi đời, trở nên sung sướng của nhân vật mà chính ở sự yên bình của đồng bào khắp các làng bản.

Trong nhóm truyện kể về nhân vật người khỏe giết yêu tinh cứu người đẹp, nhân vật có thể có nguồn gốc sinh nở thần kỳ nhưng phần nhiều các tác giả dân gian để nhân vật của mình mang số phận của mồ côi bất hạnh, một số còn có hình dáng bất thường, xấu xí (Chàng Lùn, Chàng bụng to). Các nhân vật vừa thật thà, chăm chỉ vừa khỏe mạnh, tài năng và đã dùng chính sức khỏe, tài năng ấy để giết các loài thú dữ, cứu những cô gái xinh đẹp thực chất là những nàng tiên và được lấy những nàng tiên đó làm vợ. Có một truyện mồ côi- người khỏe cứu con trai Ngọc Hoàng và được Ngọc Hoàng cho người con gái xinh đẹp của mình xuống làm vợ người khỏe. Ở đây có sự gặp gỡ trong cách kể các tình tiết của kiểu truyện về nhân vật mồ côi, chỉ khác ở chỗ, nhân vật mồ côi đạt được hạnh phúc bằng sự trợ giúp của lực lượng thần kỳ còn các chàng trai khỏe mang trong mình sức khỏe và tài năng phi thường.

Trong nhóm truyện này, chúng tôi thấy xuất hiện motif đổi tráo vợ. Chi tiết được kể như sau: Sau khi người khỏe vượt qua rất nhiều thử thách, lấy được người đẹp làm vợ thì Vua, tên quan hoặc tên nhà giàu tham lam đến đòi đổi vợ của người khỏe. Được sự giúp đỡ của những người vợ tiên, người khỏe đồng ý đổi và lấy được vợ (hoặc chín vợ) của những tên giàu có kia còn chúng thì bị trừng trị, chẳng có vợ đẹp thậm chí còn bị đánh chết. Motif này làm tăng thêm tính gay gắt trong xung đột người khỏe – đại diện của dân làng và giai cấp thống trị, khẳng định sự chiến thắng của những con người lương thiện và tài giỏi. Đồng thời, nó cũng hé mở cái nhìn rất hiện thực về hôn nhân và hạnh phúc của con người. Người vợ tiên ở đây xuất hiện với chức năng là phần thưởng cho lòng tốt và kỳ tích của người khỏe nhưng cũng chỉ hỗ trợ nhân vật trong một giai đoạn, giúp đỡ nhân vật lúc khó khăn nhất, sau đó nhân vật này tạm lui để nhân vật người khỏe đến với cuộc sống và hạnh phúc trần thế. Cũng qua đây, ta có thể thấy chế độ hôn nhân đa thê đặc trưng trong xã hội phụ hệ thời kỳ đầu hết sức phổ biến từ giai cấp tầng lớp trên đến những người đàn ông bình thường ở tầng lớp dưới. Kiểu truyện về người khỏe đã làm phong phú thêm kho tàng truyện kể các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc.

Một phần của tài liệu Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc việt nam (Trang 95 - 98)