0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (116 trang)

Nhóm giải pháp vĩ mô

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TỔ CHỨC ĐÀO TẠO, SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP, CAO ĐẲNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG (Trang 95 -99 )

VÀ CAO ĐẲNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG 3.1 DỰ BÁO CUNG, CẦU LAO ĐỘNG CỦA TỈNH VĨNH LONG

3.3.1 Nhóm giải pháp vĩ mô

1. Giải pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức đúng đắn của người học về ngành nghề đào tạo và nhu cầu của xã hội

Trong phần phân tích hiện trạng, chúng ta thấy rằng giữa nhu cầu của phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu của doanh nghiệp với nhu cầu của người học còn có một khoảng cách khá xa. Nhu cầu của doanh nghiệp là căn cứ vào nhu cầu của kinh tế thị trường, xuất phát từ những tín hiệu của các yếu tố phát triển kinh tế xã hội. Nhu cầu của phát triển kinh tế - xã hội cần nhiều ngành nghề khác nhau, cần nhiều trình độ tay nghề và bằng cấp khác nhau. Trong khi đó, nhu cầu của người học lại xuất phát từ sở thích, từ ước muốn của gia đình, từ sự xúi giục của bạn bè, hoặc vì thiếu thông tin trên thị trường lao động nên thí sinh khi chọn ngành, chọn trường thi không phù hợp, không đi đúng xu hướng phát triển của nhu cầu về lao động.

Vì vậy, trước tiên, bằng nhiều hình thức và bằng nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, chúng ta cần thông tin cho học sinh và cho chính

cha mẹ học sinh, những người có ảnh hưởng lớn đến quyết định chọn ngành nghề theo học, những xu hướng phát triển và suy thoái của các ngành nghề trong tương lai, số lượng sinh viên các ngành nghề khác nhau có việc làm sau khi ra trường, số người làm việc đúng ngành nghề được đào tạo, số người làm việc không đúng ngành nghề được đào tạo ... vì quan hệ cung cầu trên thị trường lao động trong một nền kinh tế đang phát triển như nước ta là thông tin bất cân xứng, chưa được minh bạch, phía cung lao động thường thiếu thông tin, thậm chí mù thông tin.

Thứ hai, chúng ta cần tuyên truyền để người học nhận thức được rằng ngành nghề nào cũng rất cần cho một nền kinh tế sản xuất hàng hóa đa dạng, ngành nghề nào nếu có kỹ năng giỏi thì cũng đều có thu nhập cao và cơ hội thăng tiến tốt. Việc chọn nghề phải phù hợp với khả năng cộng với lòng đam mê nghề nghiệp của mình mới mong thành đạt trong sự nghiệp. Ông cha ta xưa có câu: “Người chọn lầm nghề chứ nghề không chọn lầm người” và “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Giải pháp này cần có sự chung tay của toàn xã hội, bao gồm các cơ quan truyền thông báo chí, mạng internet, các trường đại học, trường cao đẳng, các nhà quản lý nhà nước, nhà quản lý giáo dục và cả mọi người dân có nhận thức đúng đắn về chọn ngành nghề cho con em mình.

3.3.1.2 Giải pháp về tổ chức quy hoạch mạng lưới các trường trung cấp, cao đẳng và đại học

a. Giải pháp hợp nhất ba trường cao đẳng: Cao đẳng Kinh tế - Tài chính, Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Cộng đồng để thành lập Trường đại học đa ngành trực thuộc tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh và chủ trương của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc hợp nhất ba trường cao đẳng trực thuộc tỉnh quản lý để thành lập Trường đại học địa phương đa ngành, đa cấp độ và đa phương thức đào tạo, nhằm mục đích quy hoạch lại mạng lưới các trường công lập trong tỉnh, tăng diện tích và quy mô đào tạo, tận dụng các phòng học, xưởng thực hành thực tập, sử dụng hiệu quả nguồn lực về đội ngũ giảng viên và tập trung nguồn lực về tài chính cho đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại và các dịch vụ bổ trợ cho giảng dạy và học tập như: Thư viện điện tử; Nhà luyện tập thể dục, thể thao và thi đấu đa năng; trung tâm ký túc xá phục vụ học sinh sinh viên, trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất. Với bề

dầy truyền thống đào tạo của riêng từng trường cao đẳng thì một trường đại học trên cơ sở nâng cấp từ ba trường cao đẳng sẽ có lợi thế cạnh tranh và vị thế quan trọng, đóng góp vào việc phát triển đào tạo nhân lực không chỉ trong phạm vi tỉnh Vĩnh Long mà còn góp phần quan trọng trong việc đào tạo nhân lực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Một trường đại học địa phương có khả năng ảnh hưởng đến toàn vùng sẽ tạo cơ hội tốt cho các con em nghèo ở Vĩnh Long có thể bước chân vào đại học với mức học phí thấp và chi phí sinh hoạt ăn, ở cũng khiêm tốn, so với trước đây các em đi học ở các thành phố lớn không thể có được lợi thế này.

Trường đại học địa phương với chức năng đào tạo đa cấp, đa ngành và đa phương thức, sẽ đủ điều kiện và năng lực để đào tạo chính quy dài hạn và ngắn hạn cho các trình độ. Đảm bảo đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương và khu vực.

Tuy nhiên, việc thành lập một trường đại học địa phương cần có sự nỗ lực rất lớn từ các cơ quan quản lý nhà nước, các sở, ban, ngành và chính từ ba trường được quy hoạch. Các bước tiến hành thủ tục và quy trình cần tuân thủ chặt chẽ những quy định của Bộ giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các tiêu chuẩn về đất đai, số lượng giảng viên chuyên ngành trên sinh viên, cơ sở vật chất và kỹ thuật.

Theo Luật Giáo dục đại học ban hành năm 2012 quy định việc thành lập trường đại học mới như sau:

Cơ sở giáo dục đại học được thành lập hoặc cho phép thành lập khi có đủ các điều kiện sau đây:

i) Có dự án thành lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đã được phê duyệt;

ii) Có chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học về việc thành lập cơ sở giáo dục đại học và xác nhận về quyền sử dụng đất;

iii) Có xác nhận về khả năng tài chính đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục đại học của cơ quan có thẩm quyền.

Nếu hợp nhất ba trường cao đẳng, thì vào năm 2014 Trường đại học mới có đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên, diện tích đất và vốn đầu tư. Vấn đề quan trọng hiện nay trong quy trình xin phép thành lập của Trường đại học địa phương Vĩnh Long là phải được bổ sung vào quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy, trước tiên cần phải có dự án tiền khả thi để xin chủ trương thành lập trường và bổ sung vào quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, đại học trong cả nước.

b. Giải pháp nâng cấp trườngTrung cấp nghề thành trường Cao đẳng nghề. Giải pháp này nhằm mục tiêu tăng cường năng lực của trường dạy nghề trong tỉnh, tập trung vào đào tạo nghề ngắn hạn và đào tạo nghề chính quy với trình độ trung cấp vào cao đẳng. Ưu điểm của loại hình đào tạo này là không thi đầu vào cao đẳng mà chỉ xét tuyển, tạo cơ hội tốt cho các đối tượng tốt nghiệp phổ thông nhưng không thi đậu vào các trường đại học hoặc cao đẳng chuyên nghiệp. Biện pháp bao gồm việc nâng cấp cơ sở vật chất và quy mô đào tạo của trường trung cấp nghề đồng thời với việc tăng cường đào tạo giảng viên đạt chuẩn của một trường cao đẳng. Các ngành nghề đào tạo không chỉ ở các ngành kỹ thuật công nghệ, mà còn có thể được mở rộng các ngành kỹ thuật phục vụ nông nghiệp và các ngành nghề kinh tế quản lý.

c. Giải pháp nâng cấp trường Trung cấp Y tế thành trường Cao đẳng Y tế. Trường Trung cấp Y tế tỉnh Vĩnh Long được thành lập lâu đời từ năm 1978 đến nay, nhưng trường vẫn chỉ đào tạo ở trình độ trung cấp là chưa tương xứng với bề dày lịch sử phát triển của nó. Mặt khác, nhu cầu của địa phương cũng cần rất nhiều cán bộ y tế ở các trình độ khác nhau như: y tá, điều dưỡng, cao đẳng y, dược, bác sĩ đa khoa và chuyên khoa ... Việc nâng cấp Trường Trung cấp Y tế Vĩnh Long là nhu cầu đào tạo bức xúc và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp trước mắt để Trường Trung cấp Y tế đủ điều kiện một trường cao đẳng là chuyển vị trí Trường đến nơi có diện tích từ 5 ha trở lên. Cán bộ giảng dạy cũng cần được đào tạo nhiều hơn nữa để đủ chuẩn giảng viên của cơ sở giáo dục đại học.

3.3.1.3 Giải pháp liên kết toàn diện về hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh

Tỉnh Vĩnh Long đã ký kết các hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường Đại học Cần Thơ, Đại học Y Dược Cần Thơ, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh; cần phát huy tốt mối liên kết này trong việc thực hiện đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học, đào tạo đại học vừa làm vừa học để phát triển nhân lực tại địa phương. Mặt khác, cần chú trọng việc đào tạo và bồi dưỡng sau đại học cho các cán bộ quản lý, các nhà kinh doanh để phát triển nhân lực ở trình độ cao.

Trong tương lai, các trường đại học và cao đẳng cần liên kết với các trường Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Nông lâm và đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhằm tăng cường liên kết đào tạo đại học vừa làm vừa học và đào tạo các chương trình thạc sĩ cho địa phương.

3.3.1.4 Giải pháp về chính sách khuyến khích và hỗ trợ học tập từ ngân sách nhà nước, nhà trường đối với người học

Nhằm khuyến khích và hỗ trợ cho học sinh vùng nông thôn và học sinh nghèo hiếu học, các Bộ chủ quản và chính quyền địa phương cần có chính sách cấp toàn bộ hoặc hỗ trợ một phần học phí cho những ngành đặc thù mà xã hội rất cần nhưng khó tuyển sinh, đặc biệt là các ngành kỹ thuật nông nghiệp như trồng trọt và chăn nuôi, các ngành cơ khí, điện và điện tử... để khuyến khích và hỗ trợ người học từ vùng nông nghiệp và nông thôn có điều kiện học tập và sau khi tốt nghiệp sẽ quay về phục vụ cho nông thôn. Đối với những ngành kỹ thuật và công nghệ, do chí phí đào tạo cao nên học phí cũng khá cao, Nhà nước và các trường cần có chính sách giảm học phí và bù lỗ một phần chi phí đào tạo để khuyến khích người học.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TỔ CHỨC ĐÀO TẠO, SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP, CAO ĐẲNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG (Trang 95 -99 )

×