KẾT LUẬN
Xuất phát từ mục tiêu nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực ở trình độ trung cấp và cao đẳng trong địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đề tài đã dựa trên cơ sở lý luận về tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội, các yếu tố ảnh hưởng đến đào tạo theo nhu cầu xã hội để làm khung lý thuyết cho đề tài. Ở phần phân tích thực trạng, đề tài dựa vào các kết quả điều tra và nghiên cứu thực tế ở các doanh nghiệp, người lao động tại các DN; các cơ sở đào tạo, các GV và học sinh sinh viên để phân tích, đánh giá thực trạng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ trung cấp và cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung, đánh giá về chất lượng đào tạo NNL có trình độ trung cấp, cao đẳng là ở mức khá tốt. Tuy nhiên, chương trình đào tạo còn thiên về lý thuyết, ít thực hành, nội dung đào tạo còn xa rời thực tiễn, chưa theo kịp nhịp độ phát triển của KHCN hiện tại; Về đội ngũ cán bộ giảng dạy, họ là những GV mạnh về kiến thức, có kinh nghiệm giảng dạy tốt, có tinh thần trách nhiệm cao và tâm huyết với nghề để đào tạo NNL đáp ứng nhu cầu xã hội. Họ được tạo điều kiện đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, được tập huấn về áp dụng phương pháp giảng dạy mới, phương pháp giảng lấy người học làm trung tâm... Tuy nhiên, do nguồn kinh phí dành cho đào tạo còn hạn chế nên việc giải quyết cho GV đi học tập chưa đáp ứng theo nhu cầu đào tạo của một số trường; và cũng do hạn chế về kinh phí nên cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập, tuy có được đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn chưa theo kịp mức hiện đại của KHCN ngoài thị trường lao động. Về đánh giá hiệu quả sử dụng NNL có trình độ trung cấp, cao đẳng, nhìn chung chưa được cao, đặc biệt về trình độ, kỹ năng của người lao động đáp ứng chỉ ở mức tương đối với nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm bổ trợ cho người học cũng như việc tích lũy kinh nghiệm làm việc và mức độ thành thạo về ngoại ngữ, tin học của người học còn nhiều hạn chế.
Từ những đánh giá về thực trạng đào tạo và sử dụng NNL có trình độ trung cấp, cao đẳng còn những hạn chế như nêu trên, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất hai nhóm giải pháp lớn nhằm đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực có trình độ trung cấp và cao đẳng trên địa bàn tỉnh như sau:
1- Các nhóm giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng trong địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Trong đó bao gồm các giải pháp vĩ mô như: Giải pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức đúng đắn của người học về ngành nghề đào tạo và nhu cầu của xã hội; Giải pháp về tổ chức quy hoạch mạng lưới các trường trung cấp, cao đẳng và đại học; Giải pháp liên kết toàn diện về hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh; giải pháp về chính sách khuyến khích và hỗ trợ học tập từ ngân sách nhà nước, nhà trường đối với người học.
Các giải pháp vi mô gồm có: Nâng cao chất lượng và trình độ tiêu chuẩn của đội ngũ giáo viên, giảng viên các trường trung cấp, cao đẳng và đại học; Tăng cường cơ sở vật chất cho công tác đào tạo; Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy.
2- Các nhóm giải pháp về sử dụng hiệu quả lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng, bao gồm các nhóm giải pháp vĩ mô như: Dự báo nguồn nhân lực, dự báo về phát triển ngành nghề trên phạm vi cả nước và khu vực; Tạo kênh thông tin giới thiệu việc làm ở cấp độ quản lý nhà nước địa phương; Nhóm giải pháp về phát triển, thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng nhân tài.
Nhóm giải pháp vi mô bao gồm: Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đào tạo theo địa chỉ; Liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong việc thực tập, thực tế và đổi mới chương trình đào tạo; Giải pháp gắn kết giữa nhà trường và cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng các quỹ khuyến học, tài trợ học bổng cho sinh viên.
Những nhóm giải pháp lớn này cần được thực thi một cách đồng bộ và đầy đủ, nhằm mang lại hiệu quả to lớn cho công tác đào tạo và sử dụng
nguồn nhân lực có trình độ trung cấp và cao đẳng trong địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Với các nhóm giải pháp đã được đề xuất, chúng tôi hy vọng rằng, đây là những giải pháp có tính khả thi cao và sẽ được áp dụng ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trình độ TC, CĐ trên địa bàn tỉnh nhằm đào tạo có chất lượng NNL, được xã hội công nhận và sử dụng hiệu quả NNL này, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tiến trình CNH- HĐH và hội nhập quốc tế của tỉnh nhà.
Chúng tôi cũng mong rằng, kết quả nghiên cứu của đề tài có khả năng ứng dụng cao cho các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn tỉnh trong việc kết hợp tổ chức đào tạo có chất lượng với việc liên kết với cộng đồng doanh nghiệp trong việc thiết kế, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội đang ngày càng phát triển cao. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực có trình độ trung cấp, cao đẳng thông qua việc tạo mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường và xã hội để góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xã hội của tỉnh nhà.