Tiền lương thực tế có thể cao hơn mức lương cân bằng giữa cung và cầu về lao động do 3 nguyên nhân: luật tiền lương tối thiểu, sức mạnh độc quyền của công đoàn và tiền lương hiệu quả.
Luật về tiền lương tối thiểu đưa ra mức lương cứng nhắc, ngăn cản không cho tiền lương giảm xuống mức cân bằng. Mặc dù, hầu hết các công nhân đều được trả mức lương cao hơn mức lương tối thiểu, nhưng đối với một số công nhân, đặc biệt là các công nhân không lành nghề và không có kinh nghiệm thì lương tối thiểu đã làm tăng mức lương của họ trên mức lương cân bằng. Điều đó làm giảm lượng cầu về lao động loại này của các doanh nghiệp, và dư lượng cung về lao động, gây nên thất nghiệp.
Sức mạnh độc quyền của công đoàn gây ra mức lương cứng nhắc bởi vì tiền lương của các công nhân trong tổ choc nghiệp đoàn được xác định không phải do cung cầu cân bằng mà do sự thương lượng tập thể giữa những người lãnh đạo công đoàn với hội đồng quản trị doanh nghiệp quyết định. Mức lương thoả thuận thường cao hơn mức lương cân bằng và cho phép các doanh nghiệp quyết định thuê bao nhiêu nhân công lao động. Vì mức lương thoả thuận là cao nên họ sẽ thuê ít công nhân hơn tại mức lương thị trường linh hoạt, làm tăng số thất nghiệp chờ việc.
Lý thuyết tiền lương hiệu quả giả sử rằng tiền lương cao hơn sẽ làm cho công nhân có năng suất cao hơn. Anh hưởng của tiền lương đến hiệu quả công nhân có thể lý giải vì sao các hãng không cắt giảm tiền lương mặc dù dư cung lao động, cho dù việc cắt giảm tiền lương sẽ làm giảm chi phí lương của các hãng, nhưng nó cũng có thể làm cho năng suất thấp hơn và do đó lợi nhuận của các hãng thấp hơn.