Chúng ta biết rằng các giáo trình, tài liệu phương tiện dạy học, mô hình học cụ, phòng thí nghiệm và các cơ sở vật chất khác là những phương tiện điều kiện đảm bảo rất quan trọng cho việc nâng cao chất lượng GD-ĐT. Đối
với tất cả các môn khoa học, giáo trình tài liệu là vật chất tối thiểu bắt buộc phải có để thực hiện việc dạy học và nghiên cứu. Đối với các môn khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật thì ngoài giáo trình, tài liệu, rất cần phải có phòng học và dụng cụ thí nghiệm, phương tiện và cơ sở thực hành. Đối với các môn khoa học xã hội nhân văn là hệ thống thư viện, tài liệu gốc và tài liệu tham khảo bổ trợ. Nếu thiếu những đảm bảo vật chất thì người học rất khó khăn trong lĩnh hội và mở rộng kiến thức, làm hạn chế đến chất lượng đào tạo.
Đảm bảo các điều kiện vật chất cho giảng dạy, nghiên cứu và học tập không chỉ có nghĩa trong việc chuyển tải nội dung kiến thức mà còn có vai trò tích cực trong việc đổi mới phương pháp. Muốn đổi mới phương pháp dạy học cần phải có sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện kỹ thuật dạy học, ở đây người dạy không chỉ đơn thuần là người truyền thụ kiến thức mà chủ yếu thực hiện chức năng tổ chức hướng dẫn phương pháp chiếm lĩnh tri thức. Người học từ chỗ tiếp nhận tri thức chủ yếu thông qua bài giảng của thầy đến chỗ chủ động lĩnh hội tri thức do tự học, tự nghiên cứu, thao tác thực hành dưới sự hướng dẫn của người thầy là chủ yếu. Trong công tác quản lý nhà trường cần đánh giá đúng vai trò của các điều kiện vật chất đảm bảo cho dạy học để các cấp quản lý giáo dục, các cơ quan chức năng có định hướng đầu tư phù hợp. Đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động nghiên cứu biên soạn giáo trình tài liệu làm lấy đồ dùng học tập, dụng cụ thí nghiệm để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Thiết bị khoa học kỹ thuật là cơ sở vật chất đảm bảo cho sản xuất phát triển, trong hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục THPT thì phương tiện dạy học và cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường là điều kiện quan trọng cần thiết góp phần quyết định chất lượng dạy học. Nếu có mục tiêu giáo dục tốt, đầu vào đảm bảo tiêu chuẩn, nội dung chương trình hiện đại phù hợp với yêu cầu xã hội, nếu có môi trường giáo dục, đội ngũ cán bộ giáo viên và quản lý giáo dục tốt mà không có phương tiện kỹ thuật dạy học và cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến thì không thể tạo ra được sản phẩm thoả mãn mục tiêu giáo dục đề ra. Chính cơ sở vật chất-thiết bị dạy học là phương tiện, là đối tượng của
giảng dạy và học tập. Việc quản lý về mặt hành chính những cơ sở vật chất- thiết bị trường học một cách chặt chẽ, hợp lý và khoa học là cần thiết. Các biện pháp quản lý cụ thể là:
+ Xây dựng quy chế bảo quản sử dụng; có nội dung riêng cho các phòng chuyên trang thiết bị (hoặc phòng thí nghiệm) cần chỉ đạo việc lập sổ sách quản lý trang thiết bị trong nhà trường; thực hiện kiểm kê dự phòng và đột xuất, chú trọng quản lý chuyên môn về mặt này.
+ Phải lập kế hoạch trước mắt và kế hoạch lâu dài về việc tăng cường cơ sở vật chất-thiết bị giảng dạy cho nhà trường bằng các nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các lực lượng xã hội và của nhân dân đóng góp. Các thiết bị trên phải mang tính đồng bộ, hiện đại và có hiệu quả kinh tế, đáp ứng yêu cầu Giáo dục và đào tạo.