+ Đầu vào: Trong những năm học vừa qua, một bộ phận không ít học sinh được tuyển vào lớp 10 hàng năm có chất lượng yếu về học lực (một số năm điểm chuẩn tuyển sinh của một số trường bình quân 3 điểm/ môn): Kiến thức cơ bản các môn học ở cấp tiểu học và trung học cơ sở bị hổng, động cơ, mục đích học tập không được xác định rõ ràng, thói quen tư duy tự học, tự điều khiển để lĩnh hội kiến thức không được hình thành cho nên đa số học sinh học thụ động, thiếu tự chủ, sáng tạo, học vẹt... Quỹ thời gian để bù đắp những thiếu hụt đó cho học sinh ở THPT rất eo hẹp. Học sinh tiếp thu chương trình bậc học này hoàn toàn khó khăn và bị động, giáo viên truyền thụ kiến thức lại càng khó nhăn hơn.
+ Công tác xây dựng đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn: Việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên không được thường xuyên, đặc biệt việc chậm đổi mới phương pháp giảng dạy, không tiến kịp với xu thế giáo dục trong thời hiện đại; biên chế giáo viên thiếu đồng bộ; một số giáo viên có tuổi năng lực chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu cố gắng vươn lên tự học, nhiều giáo viên trẻ thiếu kinh nghiệm trong công tác chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, tính bao cấp trong giáo dục còn nặng nề nên chưa thúc đẩy khuyến khích giáo viên vươn lên.
+ Công tác quản lý và tăng cường công tác xã hội hoá giáo dục còn lúng túng, kết quả chưa vững chắc. nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm đầu tư cho việc học hành của con em, chủ yếu “khoán trắng” cho nhà trường, cho thầy cô giáo.
+ Cán bộ quản lý thiếu năng động nên trong việc điều hành trường có khi còn lúng túng thiếu khoa học, hiệu quả quản lý thấp, chưa thu hút hết sức mạnh tổng hợp để đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý.
+ Mặt trái của cơ chế thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, hành động của cán bộ, giáo viên trong việc thực hiện nề nếp kỷ cương dạy và học. Nhà trường chịu nhiều áp lực của xã hội, của cấp trên, của các cấp, các ngành trong việc tuyển sinh vào đầu cấp, trong việc đánh giá xếp loại học sinh, trong việc tổ chức thi lên lớp, thi tốt nghiệp THPT. Chính vì lẽ đó chất
lượng dạy thật , học thật và đánh giá thật không đạt được như mục tiêu mong muốn.
+ Điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, có trường còn phải học 2 ca. Quỹ thời gian sinh hoạt chuyên môn rất hạn hẹp; trang thiết bị thí nghiệm thực hành không đồng bộ, chất lượng kém, lạc hậu, thực tế phải dạy chay nhiều.
+ Đời sống cán bộ giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, nhìn chung lương của giáo viên còn thấp chưa đủ tối thiểu để giáo viên để yên tâm công tác và có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
+ Cơ chế quản lý vẫn còn mang nặng tính bao cấp, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường còn hình thức (tuyển dụng giáo viên, huy động nguồn lực … ) Vì vậy, khó phát huy được hiệu quả, năng động của Hiệu trưởng. Hiệu trưởng có khi tránh né trách nhiệm, không giám làm, ngồi chờ chủ trương dẫn tới hiệu quả công việc kém.
+ Công tác đánh giá xếp loại giáo viên còn mang tính hình thức chung chung nể nang, ít tính định lượng.
2.5. Kết luận chương 2
Công tác quản lý trường học mà trọng tâm là quản lý chất lượng dạy học, nhằm đáp ứng được với yêu cầu của thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá là vấn đề được xã hội quan tâm. Về công tác quản lý chất lượng dạy học ở các trường THPT công lập thành phố Thanh Hóa đã có sự quan tâm của cán bộ quản lý và giáo viên. Chất lượng dạy học trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực song về thực hiện các giải pháp quản lí nâng cao chất lượng dạy học trên thực tế chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân chính là chưa có giải pháp kiên quyết thiết thực, nhà trường chưa quan tâm đúng mức cho việc đột phá vào việc tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng dạy và học.
Để góp phần tháo gỡ những khó khăn, đáp ứng những yêu cầu cấp bách trong việc nâng cao chất lượng dạy học cũng như khắc phục những hạn chế đã thể hiện trong kết quả khảo sát thực trạng, tôi xin mạnh dạn nêu ra các giải pháp quản lý chất lượng dạy học ở các trường THPT công lập trên địa bàn
thành phố Thanh Hóa nhằm góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp GD - ĐT của tỉnh nói chung và của thành phố nói riêng.
CHƯƠNG 3
CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC Ở CÁC TRƯỜNG THPT TP THANH HOÁ