Xây dựng và quản lý đội ngũ giáo viên.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng dạy học ở các trường trung học phổ thông tỉnh thanh hóa luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 52 - 54)

Trong việc nâng cao chất lượng dạy học, phải rất chú trọng công tác quản lý đội ngũ. Quản lý giáo viên phải được coi là một trong những tiêu chí hàng đầu để xây dựng thành công một nhà trường mạnh toàn diện.

Quản lý đội ngũ cán bộ, giáo viên đòi hỏi nhà trường phải thực hiện các nhiệm vụ như tuyển chọn cán bộ, giáo viên. Cán bộ, giáo viên về trường công tác phải trải qua kỳ thi tuyển công chức và thi tuyển kiểm tra chuyên môn; ngoài ra phải chú ý tới công tác sắp xếp, bồi dưỡng, đào tạo, đánh giá, khen thưởng, đề bạt... Tất cả phải được thực hiện trên cơ sở hiểu biết về cơ sở khoa học, luật pháp, kinh tế, chuyên môn, nghề nghiệp, tìm nguồn cung cấp cán bộ, giải quyết đầu ra, xây dựng đội ngũ đủ số lượng, đảm bảo chất lượng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của chương trình và mục tiêu đào tạo của nhà trường.

Trong công tác quản lý, nhà trường luôn đánh giá cao và đòi hỏi giáo viên có trình độ cao cả về khoa học cơ bản và khoa học sư phạm, phải có năng lực tổ chức cho học sinh làm nòng cốt cho việc chuyển giao và vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào địa phương.

Ban Giám hiệu nhà trường tạo mọi điều kiện để cho giáo viên tự học, tự bồi dưỡng như mở các lớp tiếng Anh, tin học giành cho giáo viên, tăng cường sách tham khảo, xây dựng thư viện, tăng cường các trang thiết bị thí nghiệm, tạo điều kiện cho giáo viên không những đáp ứng yêu cầu giảng dạy trên lớp hàng ngày mà còn có điều kiện nghiên cứu khoa học, hội thảo, biên soạn các chương trình giành cho các lớp bồi dưỡng của nhà trường, động viên và tạo điều kiện để giáo viên mua máy tính xách tay để thuận lợi hơn trong công tác.

Nhà trường có chính sách động viên khen thưởng những giáo viên có tinh thần vượt khó khăn, nâng cao trình độ chuyên môn như trợ cấp thêm cho giáo viên đi học, đề nghị nâng lương sớm cho các giáo viên có thành tích cao, khen thưởng những giáo viên có kết quả học tập tốt.

Trong công tác quản lý, Ban giám hiệu tích cực tìm tòi phát hiện những điểm mạnh và yếu của giáo viên trong kiến thức và phương pháp giảng dạy để chỉ ra cho họ thấy có vấn đề cần bồi dưỡng trước mắt và lâu dài thông qua việc dự giờ, thao giảng, khảo sát giáo viên giỏi hàng năm.

Quan niệm của nhà trường trong việc bồi dưỡng nhân tài: Muốn có học sinh giỏi thì phải có giáo viên giỏi, muốn có đội ngũ giáo viên giỏi thì phải làm tốt công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ của giáo viên, nhà trường thường xuyên tiến hành phân loại giáo viên để bố trí dạy ở các lớp bồi dưỡng, các lớp ôn thi đại học, các đội tuyển học sinh giỏi. Tiến hành phân công giáo viên lâu năm kèm cặp giáo viên mới bằng hình thức dạy mẫu theo môn, hướng dẫn chỉ bảo cho giáo viên mới nhanh chóng hoà nhập vào đội ngũ.

Trong công tác quản lý xây dựng đội ngũ, nhà trường mạnh dạn giao cho giáo viên những công việc phù hợp với vấn đề mà họ cần bồi dưỡng để

cho giáo viên chuẩn bị trước, nghiên cứu các giải pháp thực hiện, ví dụ: Giao cho giáo viên chuẩn bị dạy một bài theo phương pháp mới, soạn một chuyên đề dùng cho lớp bồi dưỡng, kết quả giáo viên được phân công sẽ học hỏi được nhiều điều, trình độ của họ nhanh chóng được nâng lên rõ rệt.

Ngoài việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nhà trường phải chú trọng vào việc bồi dưỡng về công tác tư tưởng chính trị, phong cách đạo đức của người thầy giáo XHCN, để mỗi giáo viên của nhà trường thực sự trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo, kết quả nhận thức của giáo viên biến thành hành động cách mạng nâng cao lòng yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục làm cho chất lượng bài giảng được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường. Ngoài ra nhà trường cần tổ chức cho giáo viên đi tập huấn, tham quan trao đổi kinh nghiệm quản lý, giảng dạy ở các trường bạn, tổ chức tốt việc thực hiện bồi dưỡng thường xuyên theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Công tác xây dựng đội ngũ phải xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ chung song cũng phải xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm và nguyện vọng của thầy, cô giáo. Mặt khác việc xây dựng đội ngũ cũng phải có tính kế thừa, không tạo ra sự gián đoạn trong các thế hệ thầy, cô giáo, kết hợp sự năng động của thế hệ trẻ với kinh nghiệm của thế hệ giáo viên lâu năm để tạo ra sức mạnh hài hoà của đội ngũ.

Với cương vị là một Hiệu trưởng trường THPT thuộc TP Thanh hoá. Trong công tác quản lý, chỉ đạo có những khó khăn nhất định: Nhận thức chính trị, hiểu biết về ngành, hiểu biết xã hội của một số cán bộ giáo viên hạn hẹp, còn mang nặng tính bao cấp, ít học hỏi không chịu đổi mới cách nghĩ, cách làm, chính vì vậy còn trông chờ ỉ lại. Trong tư tưởng đòi hỏi nhiều hơn cống hiến. Chúng ta phải đi sâu giải quyết các tồn đọng này.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng dạy học ở các trường trung học phổ thông tỉnh thanh hóa luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 52 - 54)