Trường tiểu học trong hệ thống quốc dân.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học ở quận 5 thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 28 - 32)

1.3.1.1. Vị trí trường tiểu học

Trong hệ thống Giáo dục Quốc dân theo Nghị định 90-CP ngày 24/11/1993 của Thủ tướng Chính phủ thì mỗi cấp học, bậc học đều có một vị trí vai trò nhất định và có tính liên thông bậc học dưới làm cơ sở, tiền đề và nền tảng cho bậc học trên trong đó có bậc giáo dục tiểu học.

Trường tiểu học hiện nay được thành lập theo điều 59 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành năm 1992. Điều 26, Chương II, Mục 2 Luật Giáo dục ban hành năm 2005 nêu rõ: “Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 5 năm học lớp 1 đến lớp 5.Tuổi của học sinh vào lớp 1 là 6 tuổi” [ 40].

Theo Luật phổ cập giáo dục tiểu học “Giáo dục tiểu học là bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân”. Đây là bậc học tiền đề để thực hiện “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Tính phổ cập là bắt buộc trẻ em học xong tiểu học phải đạt được những yêu cầu tối thiểu. Nhưng bậc học này cũng tạo điều kiện để trẻ tiếp tục phát triển, có khả năng học tập suốt đời. Có thể ví giáo dục tiểu học như nền móng của từng ngôi nhà giáo dục và tất nhiên chúng ta sẽ không thể xây lên được những ngôi nhà cao, đẹp, chắc chắn, bền vững trên một nền móng yếu ớt. Điều lệ trường tiểu học ban hành ngày 30.12.2010, tại điều 2 đã xác định vị trí trường tiểu học trong hệ thống quốc dân: “Trường tiểu học là cơ sở giáo dục phổ thông của hệ thống giáo dục quốc dân, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.” [6].

Trường tiểu học có các loại hình như: Trường tiểu học công lập, dân lập và tư thục. Ngoài ra còn có trường tiểu học dành cho các em bị tàn tật; trường phổ thông dân tộc nội trú. Các cơ sở giáo dục khác gồm lớp tiểu học linh hoạt; lớp tiểu học gia đình; lớp tiểu học dành cho trẻ em bị thiệt thòi, bị tàn tật.

Nhà trường là nơi kết tinh trình độ văn minh cụ thể của một quốc gia trong giai đoạn lịch sử xã hội nhất định, là nơi thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT ở mỗi bậc học, cấp học. Sản phẩm của nhà trường, kết quả giáo dục của nhà trường thể hiện ở học sinh, những công dân tương lai của đất nước. Sản phẩm này đạt mục tiêu nhân cách ở mức độ nào là phụ thuộc vào nội dung, phương pháp, tổ chức giáo dục của nhà trường và sự tiếp nhận của học sinh.

Trường tiểu học có vị trí, chức năng và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp trồng người. Đó là nơi đầu tiên tác động tới trẻ em bằng phương pháp nhà trường (bao gồm cả nội dung, phương pháp và tổ chức giáo dục); Trường tiểu học lần đầu tiên tổ chức một cách tự giác hoạt động học với tư cách là hoạt động chủ đạo của trẻ em, đồng thời còn tổ chức một cách tự giác những hoạt động khác cho học sinh. Nói cách khác, trường tiểu học là nơi tổ chức một cách tự giác quá trình phát triển toàn diện của trẻ em.

Jean VaLerien (Công tác quản lý và sư phạm của trường tiểu học – Trường CBQLGDT-1997) khẳng định “Giáo dục tiểu học, không cần bàn cãi gì nữa, là cấp đào tạo chính để cung cấp nền giáo dục cơ bản mà mọi trẻ em đều được hưởng” [32]. Coi trọng bậc tiểu học là một quan niệm đúng đắn vì đó là bậc dạy cho trẻ em lần đầu tiên biết cách học – một loại lao động trí óc rất phức tạp. Nếu trẻ em được hướng dẫn đúng và tuần tự ngay từ đầu thì khi học xong tiểu học, trẻ em sẽ có một sức năng động tự tìm tòi, học hỏi rất thuận lợi cho việc học tập ở các bậc học tiếp theo.

1.3.1.2. Mục tiêu đào tạo của trường tiểu học

Sau khi có Nghị quyết Trung ương II, khóa VIII, trường tiểu học được xây dựng theo mô hình trường chuẩn quốc gia. Nhà trường có đủ điều kiện để thực hiện giáo dục toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục. Trong chiến lược phát triển giáo dục tiểu học, vấn đề xây dựng trường tiểu học chuẩn quốc gia vừa là mục tiêu chung, vừa là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện được mục tiêu giáo dục.

Điều 27, Luật giáo dục năm 2005 đã xác định mục tiêu của giáo dục tiểu học: “Giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học THCS” [40]. Mục tiêu giáo dục của bậc học tiểu học từ năm 2000 đến năm 2020 là: Xây dựng bậc học lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển bền vững về cơ bản đạt trình độ tiên tiến”. Cụ thể:

- Mạng lưới trường, lớp thích hợp, hầu hết trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

- Phổ cập giáo dục tiểu học bắt buộc, đúng độ tuổi, có chất lượng toàn diện. Trẻ em trong độ tuổi đều được đi học, được học lành mạnh, được phát triển lành mạnh.

Mục tiêu nhân cách: Hình thành cơ sở ban đầu rất cơ bản và thiết yếu cho sự phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp

hóa – hiện đại hóa (CNH – HĐH), thời kỳ phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

Điều 2 – Luật phổ cập giáo dục tiểu học có ghi: “Giáo dục tiểu học là bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân, có trách nhiệm xây dựng và phát triển tình cảm, đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ và thể chất của trẻ em, nhằm hình thành và phát triển toàn bộ nhân cách con người Việt Nam XHCN. Giáo dục tiểu học đảm bảo cho học sinh nắm vững các kỹ năng nói, đọc, viết, tính toán, có những hiểu biết về thiên nhiên, xã hội, con người, có lòng nhân ái, hiếu thảo với ông, bà, cha, mẹ, yêu quí anh, chị, em, kính trọng thầy, cô giáo, lễ phép với người lớn tuổi, giúp đỡ bạn bè, các em nhỏ, yêu lao động, có kỷ luật, có nếp sống văn hóa, có thói quen rèn luyện thân thể và giữ gìn vệ sinh, yêu quí quê hương đất nước…”.

1.3.1.3. Nhiệm vụ của trường tiểu học

- Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục tiểu học do Bộ Trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo quyết định ban hành;

- Huy động trẻ em đúng độ tuổi vào lớp một, vận động trẻ em đã bỏ học đến trường, thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và tham gia xóa nạn mù chữ trong phạm vi cộng đồng;

- Quản lý giáo viên, nhân viên và học sinh;

- Quản lý và sử dụng đất đai, trường sở, trang thiết bị, tài chính theo qui định của pháp luật;

- Phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong cộng đồng thực hiện các hoạt động giáo dục;

- Tổ chức cho giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia các hoạt động xã hội trong phạm vi cộng đồng;

Căn cứ vào mục tiêu và nhiệm vụ trường tiểu học thì mục tiêu quản lý của trường tiểu học là: Chỉ đạo thực hiện tốt công tác phổ cập và phát triển giáo dục tiểu học; quản lý quá trình của giáo viên và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; xây dựng tập thể sư phạm, xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường; quản lý tài chính, sử dụng kinh phí đạt hiệu quả cao; cải tiến công tác quản lý nhà trường.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học ở quận 5 thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 28 - 32)