Điều kiện tự nhiên và tình hình phát triển kinh tế xã hộ

Một phần của tài liệu Một số biện pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học ở quận 5 thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 49 - 52)

- Phân tích thực tế Hoạch định chính sách

2.1.1. Điều kiện tự nhiên và tình hình phát triển kinh tế xã hộ

Quận 5 có địa thế khá thuận lợi vì nằm trên trục lộ huyết mạch của cửa ngõ phía Tây thành phố, vừa có đường thủy thuận lợi, vừa có hệ thống đường bộ khá hoàn thiện. Hệ thống giao thông thủy trên địa bàn quận 5 chủ yếu qua rạch Bến Nghé (kênh Tàu Hủ) có cùng chiều dài với chiều dài của quận. Rạch Bến Nghé trở thành đường giao thông thủy nối liền với các sông ngòi chảy xuống vùng Hậu Giang. Nhờ có con kênh này, các loại tàu ghe xuôi ngược, chuyên chở hàng hóa từ đồng bằng sông Cửu Long lên Chợ Lớn và ngược lại.

Cộng đồng người Việt, người Hoa ở quận 5 từ xa xưa đã tạo dựng cơ nghiệp trên nền tảng kinh tế căn bản dựa vào hoạt động trao đổi, buôn bán, kinh doanh thương mại và đẩy mạnh việc mở mang các ngành sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, hội nhập vào thị trường chung khu vực. Chợ Lớn vẫn là trung tâm thương mại có tầm vóc quốc tế, đặc biệt là đối với khu vực Đông Nam Á. Hàng hóa trong và ngoài nước dồn về đây và từ đây được phân phối đi khắp nơi thông qua các chợ, thương xá và các khu phố buôn bán đầu mối. Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi rất phát triển. Vì thế quận 5 trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu, đầu tư và sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Quận 5 có 1849 đơn vị hoạt động theo luật doanh nghiệp, 25 hợp tác xã, gần 15.500 hộ sản xuất – kinh doanh cá thể, sử dụng 46.864 lao động. Có nhiều trung tâm thương mại lớn như: Trung tâm thương mại – dịch vụ An Đông, An Đông Plaza, Thuận kiều Plaza, Parkson Hùng Vương Plaza; một số khu phố

kinh doanh (chợ đầu mối) chuyên ngành như: phố Đông y (Hải Thượng Lãn Ông – Phùng Hưng – Triệu Quang Phục), thiết bị viễn thông, điện thoại (Hùng Vương), kinh doanh xe máy (An Dương Vương – Nguyễn Tri Phương)… các chợ đầu mối như: Kim Biên (hóa chất), Trần Chánh Chiếu (gạo), Phùng Hưng (văn phòng phẩm), Soái Kình Lâm (buôn bán vải)…đã tạo thêm sự đa dạng, phong phú cho hoạt động mua bán trên địa bàn, góp phần cùng thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Ngoài ra trên địa bàn quận có 52 đơn vị ngân hàng kinh doanh tài chính đặt trụ sở chi nhánh và phòng giao dịch, việc phát triển với quy mô hoạt động ngày càng lớn và số lượng ngày càng nhiều của ngành ngân hàng trên địa bàn đã cho thấy thị trường quận 5 có tiềm năng về hoạt động kinh tế. Đặc biệt giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp đạt tỉ lệ khá cao 68%, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt khoảng 15% năm.

Quận 5 không chỉ là một trung tâm hoạt động kinh tế mà còn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của thành phố Hồ Chí Minh. Đời sống văn hóa của quận rất đa dạng và phong phú, vừa gắn với vùng đất và con người thành phố, vừa có sắc thái riêng của địa phương. Toàn quận có 60 cơ sở tôn giáo tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc. Trong đó có 9 chùa vừa là hội quán của các nhóm ngôn ngữ địa phương của người Hoa. Quận 5 còn có các đình là nơi lễ hội và tín ngưỡng cổ truyền của làng, xã người Việt xưa, mà nay cả đồng bào Việt – Hoa quanh vùng đều tín ngưỡng và dâng lễ hàng năm.

Trong những ngày đàn nguyên, lễ phật hay vía thánh thần ở các đình, chùa, miếu… ở quận 5, hội lễ truyền thống diễn ra tấp nập, đồng bào Việt – Hoa cùng nhau đi lễ, dâng hương và chiêm bái rất đông. Thêm vào đó, các đoàn võ đạo lân, sư, rồng và các ban nhạc lễ hội cổ truyền cũng góp phần vào các dịp lễ hội truyền thống này.

Tháng 5 năm 1976 Quận 5 chính thức trở thành một đơn vị hành chính trong hệ thống quận huyện của thành phố Hồ Chí Minh. Đây là vùng đất có lịch

sử gắn liền với sự hình thành phát triển của khu vực Chợ Lớn và lao động 300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Trước năm 1975 quận 5 có vị trí quan trọng trong hoạt động kinh tế của Sài Gòn – Chợ Lớn và toàn miền Nam với nhiều hoạt động, nhiều khu vực kinh doanh đa dạng sầm uất nhất là của người Hoa. Ngày nay Quận 5 là một trong những khu vực trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh. Khi nói đến Quận 5 là nói đến khu vực Chợ Lớn, quận 5 thường xuyên có những đoàn du khách đi tham quan, vì vậy, quận 5 thường xuyên quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh hơn góp phần cùng với thành phố Hồ Chí Minh xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân, quận đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng nhiều công trình về nhà ở, trường học, công trình phục vụ cho hoạt động vui chơi giải trí, rèn luyện thể dục thể thao. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhiều tuyến đường, hẻm, vỉa hè, công viên được sửa chữa, mở rộng, làm mới, góp phần tạo nét khang trang cho đô thị, cải thiện môi trường sống của người dân trên địa bàn. Trong các năm qua, quận đã hoàn tất đưa vào sử dụng 8 công trình chung cư phục vụ cho nhân dân và một số hộ bị giải tỏa làm cho khang trang bộ mặt đô thị và an cư cho người dân.

Trên địa bàn quận 5 có 5 trường Đại học, 5 trường Cao đẳng, 3 trường Trung học chuyên nghiệp, 4 trường Trung học phổ thông, 13 bệnh viện của trung ương, thành phố gần 890 cơ sở dịch vụ y tế tư nhân, 11 di tích lịch sử - văn hóa, 3 rạp hát.

Quận đã công nhận 38 khu dân cư xuất sắc, 61 khu dân cư văn hóa, có 146 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 190 gương người tốt – việc tốt cấp quận và 19 gương cấp thành phố, 255/264 đơn vị đạt danh hiệu Công sở văn minh, sạch đẹp, an toàn và 183/192 đơn vị đạt danh hiệu đơn vị văn hóa.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học ở quận 5 thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 49 - 52)