Hầu hết các khách hàng vay vốn để thi công xây lắp đều có nguồn vốn chủ sở hữu thấp nên giá trị tài sản bảo đảm là rất nhỏ, trong khi đó nhu cầu vay rất cao. Tuy nhiên, một số trường hợp Ngân hàng vẫn thực hiện bảo lãnh cho khách hàng mà không có thêm một biện pháp bảo đảm nào khác. Để đảm bảo an toàn cho bảo lãnh, Chi nhánh cần kiên quyết yêu cầu, hướng dẫn và phối hợp khách hàng để thực hiện việc áp dụng giá trị khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành chờ thanh toán làm tài sản bảo đảm.
Tuỳ từng loại hình thức bảo lãnh, tuỳ từng xếp hạng của doanh nghiệp mà có mức độ ký quỹ phù hợp. Đối với những DNXL xếp loại A, sử dụng bảo lãnh dự thầu thì mức yêu cầu ký quỹ có thể bằng không. Ngân hàng có thể linh hoạt kết hợp ký quỹ ở một tỷ lệ nhất định với các biện pháp bảo đảm tài sản khác. Đối với hồ sơ về TSBĐ thì cần kiểm tra kỹ xác nhận của cơ quan công chứng Nhà nước, cần giữ bản gốc của các giấy tờ sở hữu, giấy nộp thuế trước bạ, giấy cấp đất, cam kết thế chấp tài sản cho Ngân hàng để phòng ngừa khách hàng lừa đảo. Công tác đánh giá tài sản thế chấp phải đảm bảo đến giá trị hiện tại và dự đoán những biến động.
Khi có rủi ro xảy ra cần tìm mọi biện pháp phù hợp ít gây tổn thất cho khách hàng và đảm bảo Ngân hàng thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên ký quỹ và TSBĐ chỉ là những biện pháp phòng bị rủi ro xảy ra, không phải là điều kiện tiên quyết để Ngân hàng bảo lãnh cho khách hàng. Khi thẩm định, các cán bộ thẩm định còn cần chú ý tới khả năng thực hiện công trình của DNXL. Trong quá trình bảo lãnh, Ngân hàng cần không ngừng kiểm tra, giám sát, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện tốt hợp đồng.
Nếu thấy có rủi ro, Ngân hàng cần tư vấn giúp đỡ doanh nghiệp, nếu không thể cứu vãn thì cần có biện pháp xử lý kịp thời để giảm thiểu tối đa mức độ thiệt hại.