● Bối cảnh chung.
Trong năm 2007, nền kinh tế đất nước đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua (8,5%), tạo khả năng hoàn thành nhiều chỉ tiêu chủ yếu của kế
hoạch 5 năm 2006-2010 ngay trong năm 2008. Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản được bảo đảm, đầu tư phát triển của nền kinh tế tăng mạnh, nhiều công trình hạ tâng và cơ sở sản xuất được đưa vào sử dụng, tạo tiền đề quan trọng để phát triển đất nước trong các năm tiếp theo. Bức tranh kinh tế sáng sủa, các lĩnh vực văn hoá – xã hội cũng có những chuyển biến tiến bộ, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Cùng với sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, chưa bao giờ uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế lại được nâng cao như thời điểm này. Việt Nam đẩy mạnh quá trình hội nhập Quốc tế thông qua việc gia nhập ASEAN (1995), tham gia tiến trình ASEM (1996), tham gia Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc (1997), gia nhập APEC (1998) và trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (2006). Đặc biệt trong năm 2007, với vị thế và uy tín của mình, Việt Nam đã ứng cử thành công vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng đã tổ chức thành công những hội nghị lớn như: Hội nghị cao cấp diễn đàn hợp tác kinh tế Á – Âu lần thứ 5, hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC)…Những sự kiện liên tiếp này sẽ giúp Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội - là nơi tổ chức các sự kiên – nói riêng thu hút được nhiều sự chú ý của các tổ chức kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới.
Khoa học và công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt và những đột phá lớn. Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, tác động rộng lớn đến cơ cấu và sự phát triển kinh tế thế giới, trong đó có nền kinh tế của Việt Nam.
●Tình hình địa bàn hoạt động.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế chính trị của cả nước, là nơi có rất nhiều công ty hàng đầu của Việt Nam và một số công ty nước ngoài đặt trụ sở. Ngoài ra, Hà Nội còn có khối khách hàng là doanh nghiệp và dân cư có tiềm năng, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư lớn, có nhiều thuận lợi trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ hiện đại. Do vây, Hà Nội là thị trường rất tiềm năng cho hoạt động đầu tư và thị trường vốn, có nhiều thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng và dịch vụ.
Lợi thế hiện nay của Hà Nội là có sức hút lớn đối với những người lao động có trình độ cao, trên 60% số cán bộ khoa học và quản lý có trình độ trên đại học, giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của cả nước hiện đang sống và làm việc tại Thủ đô cho thấy rằng Hà Nội là nơi quy tụ mạnh nhất về chất xám quốc gia, có nguồn nhân lực chất lượng cao trí tụê dồi dào với chỉ số phát triển con người dẫn đầu cả nước. Đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội có thể sớm tiếp cận kinh tế tri thức, nghiên cứu triển khai và áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin…
Xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển tiếp tục gia tăng, Hà Nội là nơi đón đầu những thời cơ mà xu thế hoà bình, hợp tác trên thế giới mang lại. Vì vậy, Hà Nội có điều kiện tận dụng nó, phát huy được lợi thế của mình nhằm thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế đặt ra trong những năm tiếp theo trên nguyên tắc hợp tác cùng phát triển.
●Hoạt động Ngân hàng.
Trong lĩnh vực Tài chính ngân hàng, việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả cơ bản: Chính sách tiền tệ được điều hành một cách linh hoạt, thận trọng theo nguyên tắc thị trường để ổn định lãi suất, tỷ giá, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các công cụ chính của Chính sách tiền tệ như: lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở, nghiệp vụ chiết khấu và tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc và chính sách tỷ giá… được điều hành linh hoạt nhằm giảm áp lực tăng tổng phương tiện thanh toán, ổn định lãi suất thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.
Công tác thanh tra giám sát các hoạt động nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng được quan tâm chú trọng, đặc biệt là các hoạt động tín dụng, kinh doanh ngoại hối, hoạt động xây dựng cơ bản và ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ đó, môi trường hoạt động của ngành Ngân hàng ngày càng minh bạch và thuận lợi hơn.
Tốc độ tăng trưởng của nguồn vốn được chu chuyển qua hệ thống ngân hàng tăng cao liên tục. Đây là những diễn biến tích cực - dấu hiệu nền kinh tế tiếp tục trong xu hướng đi lên ở thời điểm hiện tại cũng như trung và dài hạn. Đồng thời,
cũng cho thấy hiệu quả đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong cả nước. Tốc độ tăng trưởng đó cũng cho thấy tiềm lực về vốn trong dân, trong xã hội rất lớn, hoạt động ngân hàng đổi mới mạnh mẽ tạo lòng tin cho khách hàng, cho người gửi tiền, dịch vụ phát triển đa dạng. Đồng thời cũng cho thấy, người dân ngày càng có thói quen gửi tiền vào Ngân hàng vừa hưởng lãi, vừa an toàn.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động huy động và tín dụng cho vay của các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội trong cho thấy một cơ hội lớn đã mở ra với chính sách phát triển kinh tế Thủ đô của chính quyền địa phương. Và ngành Ngân hàng tài chính đang cùng với các cấp, các ngành của
Thành phố xây dựng định hướng phát triển Hà Nội thành trung tâm Tài chính ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc.
b. Khó khăn – Thách thức.
● Thời điểm 1/4/2007 là thời điểm các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam về các lĩnh vực ngân hàng bắt đầu có hiệu lực; theo đó các nhà đầu tư được lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài. Thách thức từ các Ngân hàng nước ngoài là có quy mô hoạt động lớn. Ngoài tiềm lực về kinh tế, tài chính, có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ, quy trình nghiệp vụ tiêu chuẩn, tiên tiến, quy trình quản lý rủi ro, quy trình chăm soc khách hàng chu đáo và nhiều ưu việt khác so với ngân hàng trong nước của Việt Nam, trong đó có NHĐT & PT HN.
● Quá trình hội nhập và toàn cầu hoá nền kinh tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ: Trong quá trình đó, nhiều cơ chế, chính sách mới liên tục được ban hành. Tuy nhiên còn có những chính sách chưa có hướng dẫn thực hiện hoặc không đồng bộ hay mâu thuẫn với những quy định đang có hiệu lực gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
● Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng phát triển, Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt với không ít những thách thức đang đặt ra trước mắt: khoảng cách giữa một bên là tầm cao của sứ mệnh lịch sử mà cả nước đã trao cho Đảng bộ
và nhân dân Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, với một bên là khả năng chưa đáp ứng được do nhiều mặt còn hạn chế của Thủ đô Hà Nội. Nguy cơ tụt hậu về kinh tế và khoa học công nghệ so với Thủ đô và một số thành phố lớn của các nước trong khu vực khi mà quá trình toàn cầu hoá về kinh tế đang diễn ra ngày càng nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tuy ấn tượng nhưng tính bền vững chưa cao.
● Hàng loạt NHTM cổ phần, Ngân hàng liên doanh và các Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài được thành lập trên địa bàn Hà Nội. Đây là những nhân tố rất tích cực trên thị trường tài chính thông qua các sản phẩm ngân hàng đa dạng, tác phong làm việc chuyên nghiệp, và có khả năng đưa ra mức chi phí thấp để thu hút khách hàng. Mặt khác, trên địa bàn Thủ đô có hơn 200 Tổ chức tín dụng và đơn vị thành viên TCTD với rất nhiều phòng giao dịch, điểm giao dịch, quỹ tiết kiệm hoạt động nên NHĐT & PT HN phải cạnh tranh gay gắt trong việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn.