Theo số liệu thống kê, vốn đầu tư cho công tác BVMT (trong đó có công tác bảo tồn đa dạng sinh học) từ ngân sách Nhà nước trong thời gian qua tăng lên đáng kể. Trong giai đoạn trước năm 2005, tổng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường chỉ khoảng 150-200 tỷ đồng/năm, nhưng tính đến giai đoạn hiện nay, con số này đã tăng lên nhiều lần. Theo số liệu của Bộ Tài chính năm 2009, tổng chi ngân sách nhà nước cho công tác BVMT khoảng 5.264 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách trung ương khoảng 850 tỷ đồng, chi ngân sách địa phương là 4.414 tỷ đồng. Đến năm 2010, con số này là 6.590 tỷ đồng (trung ương: 980 tỷ đồng; địa phương: 5.610 tỷ đồng).
Nguồn chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Chi cho sự nghiệp môi trường ở Việt Nam mới đạt 1% tổng ngân sách từ năm 2006 và duy trì tỷ lệ này cho đến nay. Tuy nhiên, so với GDP, tỉ lệ chi ngân sách cho môi trường năm 2010 chỉ đạt xấp xỉ 0,4% GDP. Trong khi đó, ở Trung Quốc và các nước ASEAN đầu tư cho môi trường trung bình hàng năm chiếm khoảng 1% GDP, ở các nước phát triển thường chiếm 2-3% GDP. So bình quân đầu người, tỉ lệ chi cho môi trường từ nguồn ngân sách chỉ đạt 4,5 USD/người năm 2010. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước trên thế giới (khoảng 5% so với mức trung bình). Bên cạnh đó, qua giám sát cho thấy, việc sử dụng nguồn kinh phí 1% ngân sách cho sự nghiệp môi trường còn dàn trải, kém hiệu quả; có một số địa phương còn sử dụng kinh phí này vào mục đích khác. Hầu hết nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của địa phương được sử dụng cho thu gom chất thải đô thị, nên các nội dung chi khác bị
hạn chế đáng kể, không đạt được hiệu quả mong muốn. Do tính chất là nguồn chi thường xuyên nên kinh phí từ nguồn này không thể bố trí để đầu tư giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc đang ngày càng gia tăng, trong đó có cả các vấn đề bức xúc trong bảo tồn đa dạng sinh học. Việc phân bổ, thực hiện nguồn chi ở nhiều địa phương chưa có sự tham gia của cơ quan chuyên môn (Sở TN&MT), chưa có sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân các cấp. Cơ chế sử dụng các nguồn thu từ phí BVMT, tiền phạt, tài trợ ODA, tài trợ phi chính phủ cho BVMT chưa rõ ràng; thiếu sự điều hòa, phối hợp.
Từ nguồn ngân sách cho sự nghiệp BVMT nói chung cho thấy kinh phí chi cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế công tác quản lý lĩnh vực này. Tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, đầu tư cho quản lý bảo tồn chiếm chưa đến 10% ngân sách chi cho bảo vệ môi trường. Tại các bộ, ngành, địa phương tình trạng cũng tương tự.
Đối với các Khu bảo tồn, ngân sách đầu tư cho các Vườn quốc gia (06 VQG) trực thuộc khoảng 3,5 triệu USD/năm, còn đối với các Vườn quốc gia trực thuộc tỉnh (khoảng 24 khu) là 5 triệu USD/năm. Tuy nhiên, các khoản kinh phí đầu tư này cũng chỉ tập trung cho xây dựng cơ bản như làm đường, xây dựng nhà cửa, trụ sở làm việc trong khu bảo tồn, kinh phí đầu tư cho các công trình bảo tồn đa dạng sinh học là rất nhỏ.
Hộp 3.4: Đánh giá nguồn tài chính cho các khu rừng đặc dụng
1. Nguồn ngân sách đầu tư cho các khu Rừng đặc dụng thiếu đa dạng, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước và tài trợ quốc tế. Nguồn tài trợ quốc tế có xu hướng giảm trong một số năm gần đây.
2. Nguồn tài chính được phân bổ không đồng đều giữa các loại khu rừng đặc dụng. Vườn quốc gia được bố trí kinh phí tương đối đầy đủ, trong khi đa số các khu rừng đặc dụng khác (Khu Dự trữ thiên nhiên, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh và khu Bảo vệ cảnh quan) thường xuyên thiếu kinh phí. Các dự án ODA chủ yếu tập trung 15/128 Khu RĐD, hầu hết là các khu VQG có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao với các loài động thực vật bị đe doạ ở mức độ quốc gia hoặc toàn cầu. 3. Thiếu sự lồng ghép giữa đầu tư cho khu bảo
tồn và vùng đệm. Sự đầu tư giữa khu bảo tồn và vùng đệm đôi khi gây hiệu quả trái ngược
nhau. Đa số các dự án quốc tế đều chú ý đến vùng đệm, còn dân vùng lõi hầu như không được đầu tư (do hạn chế phát triển cơ sở hạ tầng và các chương trình phát triển) nên dân cư sống trong vùng lõi thường rất nghèo, phải săn bắn thú rừng và khai thác lâm sản để sống.
4. Kinh phí dành cho xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 60%), tỷ lệ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu, điều tra và giám sát đa dạng sinh học thường rất thấp.
5. Thiếu cơ chế khuyến khích và ít có cơ hội để các Khu RĐD tìm kiếm nguồn thu kinh phí bổ sung.
6. Các khu RĐD phụ thuộc vào kinh phí phân bổ hàng năm, do đó không chủ động về kế hoạch tài chính trung/dài hạn, và việc nhận kinh phí hàng năm của các khu rừng đặc dụng thường chậm trễ.
Nguồn: Nguyễn Hữu Dũng, 2009
Rừng nhiệt đới khô ở Phú Quốc