Diện tích rừng tự nhiên có tính ĐDSH cao đang bị thu hẹp

Một phần của tài liệu Bao cao quoc gia ve Da dang sinh hoc 2011 (Trang 37)

đang bị thu hẹp

Tuy diện tích và độ che phủ rừng đang tăng dần nhưng chủ yếu là rừng trồng, còn diện tích rừng tự nhiên có tính ĐDSH cao đã giảm mạnh so với trước đây. Phần lớn rừng hiện nay thuộc nhóm rừng nghèo, rừng trồng, trong đó, rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 0,57 triệu ha phân bố rải rác ở một số khu vực như Tây Nguyên, Tây Bắc. Rất ít điều kiện phục hồi hoàn toàn loại rừng giàu vì các khu rừng này đã bị chia cắt và cô lập thành những khu nhỏ.

Theo số liệu trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học” của tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2007-2010 (tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất cả nước): năm 2007, tỉnh có 211.536 ha diện tích rừng tự nhiên, tới 2009, diện tích này giảm xuống, chỉ còn 210.889 ha, nghĩa là chỉ trong 2 năm, đã mất trên 600ha rừng tự nhiên. Một số tỉnh miền núi (vùng đầu nguồn của các con sông lớn) có độ che phủ rừng thấp so với khả năng tự nhiên như: tỉnh Lai Châu chỉ có độ che phủ rừng 39,2% (số liệu 2009), tỉnh Lạng Sơn là 46,33% (số liệu 2008), tỉnh Lào Cai là 48,2%, tỉnh Hà Giang là 51,6% (số liệu 2009), tỉnh Đắc Nông là 50,8%. Điều đó cho thấy, đây có thể là một trong những nguyên nhân chủ quan của những trận lũ lụt lớn vừa qua. Do vậy, để có thể bảo đảm điều hòa nguồn nước, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt thì tại các tỉnh miền núi là vùng đầu nguồn của các sông lớn, độ che phủ rừng phải đạt ít nhất 68-70%.

Một phần của tài liệu Bao cao quoc gia ve Da dang sinh hoc 2011 (Trang 37)