Phát triển cơ sở hạ tầng

Một phần của tài liệu Bao cao quoc gia ve Da dang sinh hoc 2011 (Trang 56 - 57)

Chương 2 Những

2.2.2. Phát triển cơ sở hạ tầng

Việc xây dựng các công trình đập hồ chứa nước, đường giao thông và các cơ sở hạ tầng khác đã trực tiếp gây ra sự suy thoái, chia cắt, hình thành rào cản sự di cư của các loài và làm mất các sinh cảnh tự nhiên, gây tác hại nghiêm trọng và lâu dài tới sự sống còn của các quần thể động vật hoang dã.

Về công trình thủy điện, tính đến năm 2010 cả nước có hơn 1.020 dự án thủy điện (tổng công suất 24.246 MW) đã được quy hoạch trong đó, có 138 dự án trong Quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng chính các sông lớn được Bộ Công thương phê duyệt.

Việc phát triển thủy điện là cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh mục tiêu sản xuất điện, hồ chứa còn có nhiệm vụ điều tiết dòng chảy, cấp nước cho các nhu cầu sử dụng về mùa cạn, góp phần cắt lũ trong mùa lũ. Tuy nhiên, ở góc độ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, một số nghiên cứu cho thấy tác động của việc xây đập, hồ chứa tới vùng sông hạ lưu sau đập là rất lớn, bao gồm: (1) Làm thay đổi các kiểu nơi cư trú như vực sông, suối, ghềnh, bãi cát trên sông, đồng bằng ngập lụt ven

sông, lòng sông dẫn đến làm thay đổi cấu trúc thành phần loài thủy sinh; (2) Nhịp sống của thủy sinh vật như thời kỳ sinh sản, sinh trưởng, kiếm mồi và các phản ứng khác với môi trường sống bị thay đổi; (3) Nhiều loài thủy sinh vật, đặc biệt các loài có tập tính di cư dài, có tính di chuyển kết nối theo chiều dọc sông bị ảnh hưởng và (4) Thay đổi dòng chảy tạo điều kiện thuận lợi cho các loài ngoại lai xâm nhập vào hệ sinh thái sông.

Việc phát triển quá “nóng” các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong thời gian qua đã cho thấy nhiều tồn tại, bất cập. Đặc biệt, hai công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A trong hệ thống thủy điện bậc thang sông Đồng Nai đang gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học do tác động của chúng tới Vườn Quốc gia Cát Tiên và các khu rừng phòng hộ lân cận chưa được xác định và đánh giá thống nhất. Theo tính toán, hai Dự án thủy điện này sẽ làm mất khoảng 137ha đất rừng của VQG Cát Tiên. Việc xây dựng các hồ chứa cho thủy điện, bên cạnh làm mất đi các khu rừng tự nhiên, ngăn cản đường di cư của cá, phân cắt dòng sông, nhiều công trình hồ chứa thủy điện khi đi vào hoạt động đã không vận hành đúng quy trình như chế độ xả lũ, bảo đảm dòng chảy môi trường... đã gây ra các sự cố thiệt hại về người, kinh tế làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái vùng hạ lưu. Việc thống nhất chế độ vận hành liên hồ chứa theo quy trình không được thực hiện đầy đủ như đã xẩy ra ở các công trình thủy điện trên hệ thống sông Ba, Vu Gia - Thu Bồn trong mùa mưa lũ năm 2009, 2010 đã gây thiệt hại lớn về người và của ở Trung Bộ.

Việc các chủ đầu tư công trình tận thu quá mức rừng gỗ ở lòng hồ thủy điện trước khi ngập nước trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn tại Quảng Nam thời gian vừa qua đã làm dư luận rất bất bình.

Ngoài ra, việc phát triển cơ sở hạ tầng còn góp phần làm tăng dân số cơ học, người dân dễ tiếp cận với các khu rừng có giá trị ĐDSH cao, tạo ra tác động gián tiếp đến suy thoái ĐDSH.

Ảnh: Nguyễn Hữu

Biểu đồ 2.1. Mật độ công trình hồ chứa dung tích trên 0,5 triệu m3 trên một số lưu vực sông ở Việt Nam

(Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2010)

Một phần của tài liệu Bao cao quoc gia ve Da dang sinh hoc 2011 (Trang 56 - 57)