bảo tồn thiên nhiên
Hệ thống các khu bảo tồn trên cạn:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống phân hạng thống nhất cho các khu rừng đặc dụng (RĐD); thực hiện rà soát, quy hoạch và phát triển hệ thống rừng đặc dụng. Theo Báo cáo đánh giá hệ thống quy hoạch rừng đặc dụng của Trần Thế Liên (2010) và Dự án rà soát quy hoạch hệ thống RĐD quốc gia (Viện Điều tra quy hoạch rừng, 2007), cả nước hiện có 164 rừng đặc dụng với diện tích 2.198.744 ha (chiếm 7% diện tích cả nước), bao gồm 30 vườn quốc gia, 58 khu dự trữ thiên nhiên, 11 khu bảo tồn loài, 45 khu bảo vệ cảnh quan và 20 khu rừng thực nghiệm nghiên cứu khoa học. Các khu RĐD là nơi dự trữ nguồn tài nguyên ĐDSH, nguồn gen phục vụ lâu dài và ổn định cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguồn: Báo cáo Dự án Rà soát hệ thống rừng đặc dụng (Viện ĐTQHR, 2007), Trần Thế Liên, 2010.
Bảng 1.5: Số lượng và diện tích các khu bảo tồn sau khi đã được rà soát Loại hình rừng đặc dụng Số lượng Diện tích (ha)
Vườn Quốc gia 30 1.077.236
Khu dự trữ thiên nhiên 58 1.060.959
Khu bảo tồn loài 11 38.777
Khu bảo vệ cảnh quan 45 78.129
Khu rừng thực nghiệm nghiên cứu khoa học 20 10.653
Như vậy, so với dẫn liệu trong báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, Chuyên đề đa dạng sinh học năm 2005, 126 khu Bảo tồn thiên nhiên với diện tích khi đó hơn 2,5 triệu ha, chiếm khoảng 7,6% diện tích lãnh thổ thì diện tích rừng đặc dụng hiện nay, sau khi rà soát, đã giảm đi khoảng 0,3 triệu ha. Lý do là:
Trong quá trình rà soát đã không tính các diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư, mặt nước bao gồm cả nước ngọt và nước biển. Tuy nhiên, về quản lý nhà nước, các diện tích rừng này vẫn do ban quản lý khu bảo tồn quản lý.
Một số rừng đặc dụng bị loại ra khỏi hệ thống rừng đặc dụng quốc gia do không còn đáp ứng được với các tiêu chí bảo tồn. Trong các khu này, một số chuyển sang rừng phòng hộ, một số khác chuyển sang Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý.
Năm 2006, nước ta có 6 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 khu Di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận và 4 khu Di sản ASEAN. Đến năm 2011, đã có thêm 3 khu Dự trữ sinh quyển thế
giới, đó là: các khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An (được công nhận tháng 9 năm 2007), khu Dự trữ sinh quyến Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau và Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam (được công nhận vào tháng 5 năm 2009).
Hệ thống các khu bảo tồn vùng nước nội địa:
Theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2008, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020 với 45 khu, bao gồm các khúc sông quan trọng, hồ tự nhiên, hồ chứa nước nhân tạo, đầm, phá, cửa sông, sân chim, khu rừng ngập nước, trảng cỏ ngập nước theo mùa. Trong các năm, từ năm 2009 đến năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết 5 khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia là: khu bảo tồn vùng nước nội địa ngã ba sông Đà-Lô- Thao, khu bảo tồn vùng nước nội địa hồ Lắc, khu bảo tồn vùng nước nội địa ven biển Cà Mau, khu bảo tồn vùng nước nội địa cửa sông Hồng và khu bảo tồn vùng nước nội địa sông Hậu.
KBTTN Vĩnh cửu
Hộp 1.6: Các khu RAMSAR của Việt Nam Khu Ramsar Xuân Thủy
Khu Ramsar Xuân Thủy thuộc huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định, được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận vào năm 1989, đây là khu Ramsar thứ 50 của thế giới và là khu Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á và Việt Nam. Khu Ramsar Xuân Thủy là một vùng cửa sông ven biển, là nơi sinh sống theo mùa của Cò thìa
(Platalea minor) - một loại chim nước di cư quý
hiếm. Ngoài ra, Xuân Thủy còn là nơi sinh sống của 8 loài chim quý hiếm khác như Rẽ mỏ thìa
(Calidris pygmeus), Choắt (Tringa ochropus), Bồ
nông (Pelecanus philippensis),…
Khu Ramsar Bàu Sấu
Tiếp theo khu Ramsar Xuân Thủy, khu Ramsar Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên được công nhận vào năm 2005, là khu Ramsar thứ hai của Việt Nam. Đây là vùng điển hình cho kiểu đất ngập nước ngọt thường xuyên trong rừng.
Bàu Sấu là nơi đang hiện hữu rất nhiều loài chim lớn như Công (Pavo muticus imperator),
Trĩ (Phasianus spp.), Gà lôi (Lophura spp.), Mòng
(Anas spp.), Le le (Trachybatus spp.)…,đặc biệt
là môi trường thích ứng phục hồi lại quần thể cá Sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis) của Việt Nam.
Khu Ramsar Ba Bể
Khu Ramsar Ba Bể là khu Ramsar thứ ba của Việt Nam mới được công nhận năm 2011, thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Trung tâm của khu Ramsar là hồ Ba Bể, một hồ tự nhiên rộng lớn nằm trên vùng núi đá vôi. Ba Bể là một kiểu hình đất ngập nước rất độc đáo với hệ thống hồ và sông suối trên địa hình castơ. Ba Bể giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước ở lưu vực sông Năng/Gâm, là nơi cung cấp nguồn lợi cá quan trọng cho các cộng đồng và là nơi duy nhất ở Việt Nam có một quần thể loài sắp nguy cấp trên toàn cầu là Vạc hoa (Gorsachius
magnificus)....
Hồ Ba Bể
Hệ thống các khu bảo tồn biển:
Theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020 có 16 khu với tổng diện tích vùng biển 169.617 ha. Theo quy hoạch này, mục tiêu đến năm 2015, có ít nhất 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong các khu bảo tồn biển và khoảng 30% diện tích của từng khu bảo tồn biển được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện đã có 5 khu bảo tồn biển đi vào hoạt động là: Vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Núi Chúa, Phú Quốc và Cồn Cỏ.
Trong thời gian qua, phương pháp tiếp cận bảo tồn tại chỗ từ bảo tồn loài, quần thể đến sinh cảnh, hệ sinh thái và vùng sinh thái đã được thực hiện. Xu hướng mở rộng không gian bảo tồn thông qua các liên kết bằng hành lang tự nhiên giữa các khu bảo tồn bước đầu được chú trọng, ví dụ như: chương trình bảo tồn vùng sinh thái Trung Trường Sơn; hành lang Xanh Bạch Mã – Phong Điền. Ngoài ra, phương pháp bảo tồn dựa vào cộng đồng cũng được chú trọng và bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Có thể thấy các hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên ở khắp các cảnh quan trên cạn, dưới nước và vùng biển trong thời gian qua đã cho thấy hiệu quả của những chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. Các khu bảo tồn nếu được quan tâm thích đáng sẽ là những nơi có mức ĐDSH cao, lưu giữ nguồn giống tự nhiên, nguồn gen quý hiếm có giá trị kinh tế cho các vùng lân cận. Đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội mà trước tiên là các địa phương có khu bảo tồn thiên nhiên đó.