SỰ DI NHẬP CÁC GIỐNG MỚI VÀ CÁC LOÀI SINH VẬT NGOẠI LA

Một phần của tài liệu Bao cao quoc gia ve Da dang sinh hoc 2011 (Trang 57 - 59)

Chương 2 Những

2.3. SỰ DI NHẬP CÁC GIỐNG MỚI VÀ CÁC LOÀI SINH VẬT NGOẠI LA

LOÀI SINH VẬT NGOẠI LAI

Ở Việt Nam, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại cũng đã ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học, nông nghiệp... gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế và môi trường. Ốc bươu vàng là loài có nguồn gốc từ Nam Mỹ được du nhập vào Việt Nam vào cuối những năm 1980 đã trở thành một trong những loài gây hại nguy hiểm nhất đối với canh tác lúa gây thất thoát sản lượng lúa lên đến hàng triệu đôla mỗi năm (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới và Sida, 2005).

Theo thống kê, số lượng thực vật ngoại lai di nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau. Có khoảng 94 loài thuộc 31 họ khác nhau, trong đó có 42 loài xâm hại, 12 loài thực vật xâm hại điển hình và đang rất phát triển như cây Mai dương, cỏ Lông tây, cỏ Tranh Mỹ, Bèo tây, ... .

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2009) đã công bố danh sách 48 loài động vật thuỷ sinh lạ xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, 10 loài được đánh giá là không có tác động xấu tới ĐDSH ở nước và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống được xếp vào mục “trắng”; 24 loài chưa rõ có hay không có tác động xấu đến ĐDSH ở nước và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống nhưng cần phải tiếp tục theo dõi được xếp vào mục “xám“; 14 loài là những loài có tác động xấu tới ĐDSH ở nước và nghề nuôi trồng thuỷ sản truyền thống, cần quản lý chặt chẽ ở các cơ sở nuôi và tiêu diệt ở các vực nước tự nhiên được xếp vào mục “đen“.

Ở Việt Nam, chưa có một nghiên cứu, đánh giá toàn diện nào về tác hại và tổn thất do sinh vật ngoại lai xâm hại gây ra. Tuy nhiên, những bằng chứng quan sát được và một số số liệu nghiên cứu đã cho thấy sinh vật ngoại lai xâm hại là mối đe dọa tới đa dạng sinh học, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Hộp 2.3: Tác động tiêu cực của một số sinh vật ngoại lai xâm hại

Cây Mai dương (Mimosa pigra) lần đầu được ghi nhận ở Vuờn quốc gia Tràm Chim trong những năm 1984-1985. Đến tháng 5 năm 2000, diện tích bị cây Mai Dương xâm lấn đã lên đến 490 ha, và tăng đến 1.846 ha vào tháng 5 năm 2002 (Trần Triết và cộng sự 2004), chủ yếu tại các vùng đồng cỏ ngập nước theo mùa. Với tốc độ xâm lấn như vậy, các nhà quản lý dự báo cây Mai dương sẽ chiếm khoảng 4.000 ha đất, tức hơn 50% diện tích của toàn bộ Vườn Quốc gia Tràm Chim. Mối đe dọa lớn nhất mà cây Mai Dương gây ra cho các vùng đất ngập nước ở Vườn Quốc gia Tràm Chim là khả năng xâm lấn nhanh và thay thế dần các thảm thực vật tự nhiên, gây tác động tiêu cực đến các quần thể động vật tại chỗ, đáng chú ý nhất đối với khu hệ chim. Rùa tai đỏ (Trachemys scripta) đã xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng 10 năm nay. Rùa tai đỏ khi đã thoát ra ngoài tự nhiên sẽ phát triển nhanh trong các thủy vực, cạnh tranh mạnh ảnh hưởng đến với loài thủy sinh vật bản địa và đa dạng sinh học. Ở Hà Nội, do sự thiếu hiểu biết, nhiều Rùa tai đỏ đã được người dân phóng sinh xuống Hồ Gươm khiến cân bằng sinh thái hồ này bị đe dọa nghiêm trọng.

Ốc Bươu vàng (Pomacea canaliculata, P. insunarum)

có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được nhập vào nước ta từ năm 1975 nhưng nó đã xâm nhiễm vào đồng ruộng Việt Nam và trở thành dịch hại trên nhiều loại cây trồng, đặc biệt là lúa và rau muống. Theo đánh giá, ốc bươu vàng làm thất thoát sản lượng lúa lên đến hàng triệu đôla mỗi năm. Diện tích lúa nhiễm Ốc bươu vàng trong năm 2009 là 123.024 ha.

Cá Hoàng đế (Cichla ocellaris) có nguồn gốc từ vùng Nam Mỹ và được du nhập vào Việt Nam do người dân mua để nuôi làm cá cảnh. Cá Hoàng đế là loài cá ăn thịt rất hung dữ, có khả năng làm thay đổi hệ sinh thái nơi nó được du nhập. Khi đói, chúng có thể ăn bất cứ một sinh vật nào mà chúng bắt gặp. Ngoài ra, đây cũng là loài cá sinh sản hữu tính, tốc độ sinh sản rất nhanh, mỗi lần đẻ từ 2.000 đến 3.000 trứng. Nếu sống trong môi trường nhiệt độ thuận lợi và nguồn thức ăn dồi dào, cá hoàng đế có thể đạt đến chiều dài khoảng 60cm. Từ năm 2006, loài cá này đã xuất hiện nhiều ở lòng hồ Trị An và trở thành đối tượng khai thác chính của ngư dân địa phương.

Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo khoa học

Cây Mai Dương ở VQG Tràm Chim

Một phần của tài liệu Bao cao quoc gia ve Da dang sinh hoc 2011 (Trang 57 - 59)