* Chuyển đổi đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều lấy giáo dục phổ thông làm nền tảng và coi giáo dục đại học là yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của nước mình, mỗi quốc gia có thể nhấn mạnh khía cạnh khác nhau trong chiến lược phát triển giáo dục đại học. Bởi vậy xu thế hiện nay là chuyển đổi chương trình đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ nhằm mục đích:
- Rút ngắn thời gian đào tạo từng môn học, đồng thời mở rộng thời gian tự học của sinh viên.
- Trao quyền chủ động cho sinh viên.
- Tạo điều kiện để sinh viên tăng cường khả năng tự học.
- Bắt buộc giảng viên đổi mới phương pháp dạy học: Từ thầy đọc ghi sang thầy là người tổ chức, điều khiển và hướng dẫn sinh viên tiếp nhận những tri thức.
- Trong vai trò của người tham gia vào quá trình dạy và học, người dạy hoạt động như là một thành viên tham gia vào quá trình học tập ở trên lớp với các nhóm người học. Với tư cách vừa là cố vấn vừa là người tham gia vào quá trình học tập, người dạy còn có thêm một vai trò bổ sung nữa: Đó là, nguồn tham khảo cho người học, giúp họ tháo gỡ những khó khăn trong quá trình học tập và nghiên cứu.
- Mở rộng nội dung tự chọn trong đào tạo. - Phát huy tính tự giác tích cực của sinh viên.
- Người học phải được tạo điều kiện để thực sự trở thành người đàm phán tích cực và có hiệu quả với chính mình trong quá trình học tập, với mục tiêu học tập, với các thành viên trong nhóm và trong lớp học và với người dạy.
- Tạo điều kiện để sinh viên có khả năng tự hoạch định kế hoạch đào tạo trong quá trình học đại học.
Phương thức đào tạo theo tín chỉ hầu như đã trở thành phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Chuyển sang phương thức đào tạo theo tín chỉ sẽ tạo được sự liên thông giữa các sơ sở đào tạo đại học trong nước và ngoài nước. Khi đó, người học có thể dễ dàng di chuyển từ trường đại học này sang học ở trường đại học kia (kể cả trong nước và ngoài nước) cũng được dễ dàng hơn mà không gặp khó khăn trong việc chuyển đổi tín chỉ.
Việc áp dụng phương thức đào tạo theo tín chỉ sẽ khuyến khích sự di chuyển của sinh viên, mở rộng sự lựa chọn học tập của họ, làm tăng độ minh bạch của hệ thống giáo dục, và giúp cho họ việc so sánh giữa các hệ thống giáo dục đại học trên thế giới được dễ dàng hơn.
* Đổi mới phương pháp dạy học
Trong quá trình tiến hành đổi mới phương pháp dạy học, các nhà trường sư phạm phải tạo nên sự đột phá và tiên phong đi đầu về đổi mới phương pháp dạy học. Bởi lẽ các trường sư phạm có ảnh hưởng rất lớn, quyết định đến phương pháp dạy học ở trường phổ thông, nếu ở trường sư phạm sinh viên có điều kiện tiếp cận với phương pháp dạy học tích cực, hiện đại thì khi trở thành giảng viên tương lại tại nhà trường phổ thông họ mới có thể sử dụng được các phương pháp đó vào trong quá trình công tác giảng dạy.
Việc đổi mới phương pháp dạy học là một quá trình liên tục hoàn thiện và không ngừng phát triển, khâu nọ ảnh hưởng trực tiếp đến khâu kia trong quá trình dạy học, khi bắt đầu xây dựng một chương trình dạy học nào đó thường phải đánh giá được thực trạng chương trình dạy học hiện hành xem nó có ưu, nhược điểm gì, có phù hợp với tình hình mới hay không, sau đó kết hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và nhu cầu đào tạo của người học, xã hội ... Từ đó đưa ra những đổi mới phương pháp dạy học sao cho phù hợp
với xu thế phát triển của thời đại. Xu hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay là:
- Đổi mới về phương tiện dạy học. - Đổi mới về phương pháp dạy học. - Đổi mới về nội dung dạy học.
Nhằm tích cực hóa quá trình học tập của sinh viên. Tăng cường bồi dưỡng cho người học ý thức, thói quen, phương pháp tự học biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, độc lập sáng tạo của học sinh, sinh viên. Tức là lấy hoạt động nhận thức của sinh viên làm trung tâm trong quá trình dạy học, ứng dụng các phương tiện dạy học hiện đại (công nghệ thông tin) vào quá trình đào tạo. [40]
Như vậy, việc đổi mới phương pháp dạy học là một khâu quan trọng của quá trình xây dựng và hoàn thiện chương trình, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo. Do đó khi đổi mới phương pháp dạy học cần phải chú ý xem xét đến từng môn học.
Phương pháp dạy học là những hình thức và cách thức hoạt động của giảng viên và sinh viên trong những điều kiện dạy học xác định nhằm đạt mục đích dạy học.
Cốt lõi của việc đổi mới phương pháp dạy học là hướng tới hoạt động học tập tích cực, chủ động sáng tạo của sinh viên, chống lại thói quen học tập thụ động. Đổi mới phương pháp dạy học bao gồm đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của giảng viên và sinh viên, đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới hình thức tương tác xã hội trong dạy học, đổi mới kỹ thuật dạy học với định hướng:
- Bám sát mục tiêu đào tạo.
- Phù hợp với nội dung dạy học cụ thể. - Phù hợp với đặc điểm lứa tuổi người học.
- Phù hợp với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học.
- Kết hợp giữa việc tiếp thu và sử dụng có chọn lọc, có hiệu quả các phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại với việc khai thác những yếu tố tích cực của các phương pháp dạy học truyền thống.
- Tăng cường sử dụng các phương tiện dạy học, thiết bị dạy học và đặc biệt lưu ý đến những ứng dụng của công nghệ thông tin.
Mục đích của việc đổi mới phương pháp dạy học là thay đổi lối dạy học truyền thụ một chiều sang dạy học theo “Phương pháp dạy học tích cực” với các kỹ thuật dạy, học tích cực nhằm giúp sinh viên phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, tinh thần hợp tác, kỹ năng vận dụng kiến thức vào những tình huống khác nhau trong học tập và trong thực tiễn; tạo niềm tin, niềm vui, hứng thú học tập. Làm cho “ Học” là quá trình kiến tạo; sinh viên tìm tòi, khám phá, phát hiện, luyện tập, khai thác và xử lý thông tin, tự hình thành tri thức, có năng lực và phẩm chất của con người mới tự tin, năng động, sáng tạo trong cuộc sống.
Như vậy đổi mới phương pháp dạy học là một khâu của quá trình xây dựng và hoàn thiện chương trình, nhằm không ngừng đáp ứng tốt hơn với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo của xã hội. Điều đó cho thấy chương trình dạy học có quan hệ, ảnh hưởng qua lại mật thiết với nhau không những ở các cấp học, bậc học mà ở ngay các môn học. Do đó khi đổi mới phương pháp dạy học cần phải chú ý xem xét đến từng môn học.