- Khu vực Châ uÁ Khu vực khác
3.1.1.1. Xu hướng hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế
Với việc nước ta tham gia các tổ chức khu vực như AFTA, APEC và WTO tạo môi trường thuận lợi và điều kiện mở rộng các quan hệ hợp tác trên nhiều mặt, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư trực tiếp và tiếp nhận vốn ODA. Để có thể tiếp tục nhận vốn ODA và thu hút vốn FDI trên phạm vi cả nước cũng như trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư cả về khuôn khổ pháp lý, thủ tục hành chính và các chính sách nhất quán.
Với việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ có những ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Về mặt thuận lợi:
Gia nhập tổ chức thương mại thế giới, Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi để mở rộng xuất khẩu vào thị trường 149 nước thành viên hiện nay cũng như các
thành viên mới trong tương lai, các doanh nghiệp của Đà Nẵng sẽ được cung ứng các loại dịch vụ trên thị trường từ các nền kinh tế tiên tiến, trên cơ sở đó Đà Nẵng có cơ hội phát triển các sản phẩm có lợi thế của mình.
Thực hiện các cam kết trong WTO, thể chế kinh tế thị trường ở nước ta sẽ ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch sẽ mở ra cơ hội và động lực mới cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố Đà Nẵng.
Việt Nam mở rộng thị trường hơn, người tiêu dùng trong nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng sẽ có thêm sự lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, mẫu mã và chủng loại đa dạng, góp phần nâng cao và cải thiện đời sống dân cư cả về vật chất lẫn tinh thần.
Việc hình thành hành lang kinh tế Đông - Tây dài 1.450 km đi từ thành phố cảng Mao-la-my-in (Myanma) chạy qua 7 tỉnh của Thái Lan sang tỉnh Savanakhet của Lào và đi theo đường 9 về cảng Tiên Sa của Đà Nẵng là một lợi thế quan trọng để thành phố Đà Nẵng mở rộng quan hệ thương mại với các nước và là tiền đề quan trọng để thành phố phát triển các lĩnh vực dịch vụ và du lịch.
Từ các bối cảnh trên sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến một số lĩnh vực kinh tế của Đà Nẵng, thể hiện ở các mặt sau:
- Tác động đến tăng trưởng khối lượng xuất nhập khẩu của Đà Nẵng. Hiện tại, trong thời ký 2003-2007, nhịp độ tăng trưởng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Đà Nẵng đạt 13,2%, trong tương lai, do các yếu tố trên khả năng xuất khẩu của Đà Nẵng sẽ tăng lên khoảng 15-20%.
- Tác động đến lĩnh vực dịch vụ của thành phố Đà Nẵng:
Trước hết Đà Nẵng sẽ có cơ hội phát triển dịch vụ hàng hải do lượng hàng xuất nhập khẩu ngày càng tăng, do hành lang kinh tế Đông - Tây sẽ mở rộng vùng sức hút của cảng Đà Nẵng đến các nước Myanma, Thái Lan, Lào.
Đà Nẵng còn là trung tâm bưu chính viễn thông của khu vực Miền Trung, khi quan hệ kinh tế quốc tế được mở rộng, số các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước tăng lên, quan hệ giao lưu trao đổi thông tin sẽ không ngừng phát triển là tiền đề để lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin của Đà Nẵng phát triển nhanh.
Việc hoàn thiện tuyến hành lang kinh tế Đông Tây tạo cơ hội phát triển các tour du lịch từ các nước thuộc bán đảo Đông Dương đi theo đường bộ đến Đà Nẵng, là tiền đề để Đà Nẵng phát triển xuất khẩu tại chỗ và phát triển các lĩnh vực dịch vụ liên quan.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, gia nhập WTO Việt Nam sẽ phải thực hiện các cam kết mở rộng thị trường và các quy định, luật lệ và tham gia sâu vào quá trình toàn cầu hóa trong bối cảnh các nước tư bản công nghiệp và các tập đoàn xuyên quốc gia chi phối kinh tế thế giới sẽ là những thách thức nhiều mặt đến quá trình phát triển của Đà Nẵng.
Về mặt khó khăn, thách thức:
Đà Nẵng sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh ngày càng mạnh hơn. Hàng hóa và các sản phẩm dịch vụ của Đà Nẵng sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa và sản phẩm dịch vụ của các nước có nền kinh tế tiên tiến, thậm chí phải cạnh tranh với ngay cả các sản phẩm trong nước.
Do sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực, sự tác động của bên ngoài vào Đà Nẵng cũng không đồng đều, một bộ phận dân cư ở các khu vực kém phát triển sẽ không được hưởng lợi ích hơn, thậm chí sẽ phải chịu tác động của toàn cầu hóa, nguy cơ thất nghiệp và phá sản một số doanh nghiệp ngày càng tăng.
Đẩy nhanh quá trình mở cửa, quá trình toàn cầu hóa kinh tế dẫn đến tính phụ thuộc lẫn nhau ngày càng sâu rộng đòi hỏi tính nhạy cảm trong dự báo và phân tích tình hình phải nhanh nhạy, xử lý kịp thời, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn thị trường, thậm chí dẫn đến khủng hoảng kinh tế.
Quá trình hội nhập đòi hỏi năng lực của cán bộ quản lý, cán bộ khoa học ký thuật và đội ngũ công nhân phải không ngừng vươn lên để sớm hòa nhập với nền kinh tế quốc tế.
Quá trình hội nhập sẽ có nhiều luồng văn hóa của các dân tộc và các nước trên thế giới du nhập vào Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, đòi hỏi cần có sự lựa chọn những tinh hoa của các nền văn hóa nhưng không làm phai mờ bản sắc văn hóa dân tộc.
Cùng với quá trình hội nhập và mở cửa của Việt Nam, các thế lực chống đối sẽ tìm cách chống phá ta, đòi hỏi ta cần tăng cường công tác bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định kinh tế xã hội và chính trị.
Quá trình hội nhập và mở cửa là quá trình đẩy mạnh khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ gây nên tình trạng suy thoái và mất cân bằng môi trường sinh thái, tác động trực tiếp đến phát triển bền vững và chất lượng cuộc sống của nhân dân.