Biến đổi về văn bản và ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Dân ca Gầu plềnh và Lễ hội Gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 147 - 156)

- Các yếu tố biến đổi để thích nghi với môi trường cuộc sống hiện đại: Thứ nhất, thích nghi, chấp nhận sự lãnh đạo, tham gia tổ chức, quản lý với các mức độ

4.3.4.Biến đổi về văn bản và ngôn ngữ

Từ mô tả, phân tích ở mục 4.3.1 đến 4.3.3, chúng tôi khái quát 4 vấn đề chính liên quan đến biến đổi văn bản, ngôn ngữ Gầu plềnh từ truyền thống đến hiện đại như sau:

1) Diễn xướng Gầu plềnh rất đa dạng, mỗi người hát, mỗi một hoàn cảnh hát khác nhau có thể tạo ra các (văn bản) dị bản khác nhau nên số lượng dị bản rất phong phú. Vai trò sáng tạo của người hát, đặc biệt của các nghệ nhân hết sức quan trọng trong việc tạo ra biến đổi Gầu plềnh.

2) Ở các địa phương phát triển khác nhau, sự biến đổi diễn xướng, phương thức trao truyền và nội dung Gầu plềnh khác nhau.

3) Một số bài (lời) nhìn thuần túy theo đề tài, thuộc tiểu loại Gầu ua nhéng hoặc Gầu tú giua nhưng trong một hoàn cảnh diễn xướng cụ thể nào đó, đặc biệt hát đối đáp nam nữ sẽ biến đổi trở thành tiểu loại Gầu plềnh do cảm hứng chủ đạo là về tình yêu, tình cảm, hoặc quan hệ nam nữ.

4) Như vậy, kết quả cuối cùng của biến đổi Gầu plềnh là sự biến đổi về văn bản trong một hoàn cảnh diễn xướng cụ thể mà trước hết là biến đổi mặt ngôn ngữ văn bản.

Về mặt văn bản:

Sự biến đổi trước hết là từ đề tài khác (làm dâu, mồ côi) trở thành Gầu plềnh. Sự biến đổi này, như phân tích trên, nằm trong cấu trúc nội tại của xã hội Hmông, dù muốn hay không, dù xã hội thay đổi hay không thì khi diễn xướng với đúng đối tượng giao tiếp vẫn diễn ra bởi nhu cầu và tính ích dụng tự thân. Người mồ côi, người làm dâu đều được phép hát giãi bày lòng mình với bạn tình, vì vậy, khi lựa chọn những bài mồ côi, làm dâu để hát trong trường hợp này, văn bản đó trở thành Gầu plềnh, nội dung đó “mang nặng tình người, sâu sắc tận xương tủy” (theo ông Hoàng Chúng) là nội dung Gầu plềnh.

Giàng Thị Mảo sau đây về cảnh làm dâu trước đối tượng giao duyên trong cuộc hát đã biến đổi thành Gầu plềnh, văn bản sau đây mặc nhiên được coi là Gầu plềnh:

- Nàng ơi! Bông hoa nở trên cây/ Nàng sống có mẹ, có cha, nàng sung sướng/ Bông hoa nở trên cành/ Nàng sống đời người chân tay không vướng

[TLĐD, bài 32].

- Đất trời hết rồi! Chàng ơi! Ngựa loan không biết ngựa vằn đi thồ giấy.../ Con đường đi làm dâu của gái đồng trinh là con đường tan nát trái tim.../ Cha mẹ tưởng gái đồng trinh ở nơi tốt/ Gái đồng trinh sống cuộc sống vất vưởng như chim cắt, chim én treo chân [TLĐD, bài 49].

Thứ hai, biến đổi về nội dung, trong đó, đặc biệt là mở rộng chủ đề trong cùng đề tài tình yêu. Sự biến đổi này do sự phát triển của cấu trúc xã hội mới mang lại. Chính vì vậy, xã hội càng phát triển, các văn bản Gầu plềnh càng có xu hướng biến đổi đa dạng về chủ đề, nhiều chủ đề mới trong đời sống hiện đại được đưa vào Gầu plềnh trên cơ sở cảm hứng chủ đạo là tình yêu, tình cảm nam nữ. Từ đây tạo thành rất nhiều văn bản (hay dị bản) tùy thuộc vào hoàn cảnh diễn xướng và người diễn xướng cụ thể. Nói chung, đây là quy luật chung của các nền dân ca các dân tộc và các xã hội đang phát triển. Chẳng hạn, ngày nay diễn xướng hay thưởng thức dân ca Việt chúng ta đều phải phân biệt đâu là lời cổ, đâu là lời mới cho nên mới quy định chèo cổ, tuồng cổ, dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ... và chèo, tuồng cải biên hay dân ca quan họ Bắc Ninh lời mới...

Để xác định một văn bản là Gầu plềnh ngày nay cần đồng thời căn cứ các tiêu chí:

- Nội dung cảm hứng chủ đạo của văn bản đó như thế nào. Điều này đã phân tích trong mục 4.3.3.

- Đối tượng do ai diễn xướng, diễn xướng với ai trong hoàn cảnh cụ thể nào. Đây là điều rất quan trọng khi nghiên cứu, thưởng thức một cách đầy đủ, trọn vẹn tác phẩm Gầu plềnh với quan điểm coi trọng cả diễn xướng và văn bản tác phẩm. Nói chung, xác định vấn đề này không quá khó bởi Gầu plềnh sử dụng đại từ nhân xưng rất phổ biến. Cách xưng hô sẽ cho biết rõ đối tượng diễn xướng (cur, caox, lênhx tangz, ư aoz lênhx...).

- Nhạc điệu Gầu plềnh với làn điệu Khâu xìa nhưng khó phân biệt hơn bởi làn điệu này được dùng cho cả Gầu ua nhéng và Gầu tú giua. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất là xác định văn bản trong trường hợp hát đơn lẻ bởi phải xem xét kỹ nội dung, cảm hứng chủ đạo và các yếu tố liên quan khác; trường hợp văn bản có tính chất hát đối đáp hay ghi lại trong cuộc hát đối đáp nam nữ thì dễ xác định là Gầu plềnh hơn.

- Cấu trúc văn bản Gầu plềnh ít biến đổi, dạng cấu trúc phổ biến: mở đầu là một ngữ cố định (ntux tês nduô...) -> cảnh thiên nhiên-> xuất hiện nhân vật trữ tình (cur hoặc caox, gâux sênh...) -> tâm sự, giãi bày, kể lể -> tiếc nuối, thề hẹn (thường

có dạng: txux txus xâuk tsi xâuk, muôx txus zar xâuk... Dịch: lời lời không hết, có lời sắp hết...). Căn cứ cấu trúc và nội dung, ta nhận diện văn bản tác phẩm Gầu plềnh dễ dàng và thuận lợi nhất.

Biến đổi văn bản Gầu plềnh vừa là tiền đề, vừa là hệ quả tất yếu của sự biến đổi ngôn ngữ tác phẩm.

Về mặt ngôn ngữ: nhận diện sự biến đổi Gầu plềnh, nhất là trên văn bản ngôn từ, trước hết phải xem xét sự đổi thay ngôn ngữ, đặc biệt việc sử dụng từ ngữ; điều này liên quan mật thiết với kết cấu, nội dung phản ánh của tác phẩm bởi trong nhiều trường hợp “đặc điểm ngôn ngữ là đặc điểm kết cấu” (Alan Dundes, [147, tr. 506]). Bởi vậy phải xuất phát từ xem xét kết cấu tác phẩm (xem Chương 3), thành tố nào cố định không thể hoặc khó thay đổi, thành tố nào có thể thay đổi.

Kết cấu Gầu plềnh dù là lối đối đáp một vế, hai vế hay lối kể chuyện, bao giờ cũng cấu tạo bởi những công thức cố định. Công thức này trong tổng thể một bài ca khó thay đổi, tức là nó không thể vắng mặt trong bài ca đó nhưng bản thân chất liệu tạo nên công thức có thể thay đổi tùy thuộc người hát, mối quan hệ với đối tượng hát và hoàn cảnh hát. VD: công thức mở đầu bài (đoạn): “ntux tês nduô + x” thì yếu tố “ntux tês nduô” cố định, ít thay đổi nhưng yếu tố “x” có thể biến đổi và thực tế hát sẽ có các dạng: - Ntux tês nduô!; - Ntux tês nduô + lênhx tangz! - Ntux tês nduô + mêr tuz! - Ntux tês nduô + gâux sênh! Ntux tês nduô + nxeik gâu sênh...

Tương tự như vậy, công thức mở đầu câu hát thường sử dụng đại từ nhân xưng “cur”, “caox” + “x” thì “cur”, “caox” là yếu tố cố định, còn x là yếu tố biến đổi tùy mức độ thân sơ của người hát với đối tượng hát:Cur + lênhx tăngz, Cur + nxeik gâux sênh...

Tuy nhiên, sự thay đổi trên mới phản ánh mức độ mối quan hệ của người hát - người nghe và hình thức bài (lời) ca chứ chưa thể khẳng định là đã làm biến đổi nội dung bài (lời) ca. Sự biến đổi nội dung bài (lời) ca chỉ thực sự xảy ra khi người ta lắp ráp vào công thức yếu tố ngôn ngữ có nội dung hoàn toàn mới. Xem xét bảng so sánh các lời ca (từ ngữ) truyền thống và hiện đại (PL4.12, tr. 289) sau sẽ thấy rõ điều đó.

- Truyền thống: a) Trên trời chẳng có gì hay mà đồn/ Hạ giới đồn có cô nàng đẹp người đẹp nết, b)Nên ta mới lần mò đêm hôm tới nơi [134, tr. 117].

- Hiện đại: a’)Vì nơi nơi ai cũng bảo đất Pha Long có lễ hội vui nhất từ ngàn năm xa xưa đến nay, b’)Bước chân anh băng qua đèo, vượt qua núi đến mảnh đất Pha Long này/ Được chơi hội cùng em [TLĐD, bài 30].

Nhìn tổng thể, cấu trúc chung của lời ca ít biến đổi nhưng cụ thể từng vế (a,b; a’,b’) lời ca từ truyền thống đến hiện đại đã thay đổi hoặc cả cấu trúc và từ ngữ, hoặc chỉ thay đổi cấu trúc, hoặc chỉ thay đổi từ, ngữ; trong trường hợp nào thì nội dung ý nghĩa lời ca cũng biến đổi. Sự thay đổi cấu trúc không phản ánh được trạng thái tinh thần nhưng sự thay đổi từ, ngữ trong lời ca hiện đại lại phản ánh rõ

những thay đổi về trạng thái tinh thần, hơn nữa còn bộc lộ tình cảm, tư tưởng, thái độ người diễn xướng. VD, cùng trạng thái hờn giận, trách móc nhưng cô gái xưa bộc lộ thái độ bi quan, nặng nề: Mến thương anh em hỏi tin anh dưới quê hương ở bên nước lớn (cõi chết, ý hờn giận) còn cô gái hiện đại bộc lộ thái độ nhẹ nhàng, trách nhiệm với cuộc sống: Anh nhớ em thì anh hãy lần theo dấu chân em/ Đến với gia đình em/ Xem em có còn cùng bố mẹ em lo vụ rẫy khi xuân đến.

Biến đổi văn bản, ngôn ngữ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, biến đổi ngôn ngữ làm cho nội dung bên trong văn bản biến đổi nhưng hình thức văn bản Gầu plềnh (nhất là kết cấu, cấu trúc) có thể không biến đổi. Khi nghiên cứu một tác phẩm cụ thể hoặc tiểu loại Gầu plềnh, cần xem xét trong tổng thể diễn xướng, văn bản và ngôn ngữ thể hiện.

Tiểu kết chương 4

Gầu plềnh và LHGT là những thành tố tạo nên văn hóa Hmông chịu sự tác động và biến đổi của quy luật biến đổi văn hóa, xã hội.

LHGT được phục hồi với xu hướng ngày càng mở rộng quy mô, biểu hiện nhu cầu hướng về tâm linh của đồng bào ngày càng mạnh; tuy nhiên, chưa xuất hiện hiện tượng buôn thần bán thánh hay tệ nạn như một số lễ hội khác. Hình thức tổ chức LHGT biến đổi từ cá thể đứng ra tổ chức, có nơi đã phát triển thành cộng đồng tổ chức, từ một gia đình chủ hội xưa phát triển thành liên gia đình, từ một làng phát triển thành liên làng, liên xã, ngày càng nhiều người dự. Sự biến đổi nội dung hoạt động LHGT ở mỗi vùng Hmông khác nhau do sự phát triển kinh tế - xã hội, do quản lý của mỗi địa phương khác nhau song đều theo quy luật chung là những nhân tố nghi lễ, phản ánh tâm linh truyền thống có tính chất cơ bản, căn cốt cấu trúc nên lễ hội được duy trì hoặc ẩn vào lớp văn hóa khác để thích nghi tồn tại, những yếu tố sinh hoạt vui chơi, giải trí chịu sự chi phối của xã hội hiện đại có thể thay đổi, thậm chí mai một dần hoặc mất hẳn được thay bởi yếu tố sinh hoạt khác phù hợp thị hiếu con người hiện đại. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Gầu plềnh là sinh hoạt dân ca truyền thống cơ bản trong LHGT đang biến đổi và bị chi phối mạnh mẽ bởi thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ hiện đại. Phương thức truyền miệng truyền thống đang được thay thế dần bằng phương thức tiếp cận từ các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại. Diễn xướng Gầu plềnh trong lớp trẻ có xu hướng biến đổi từ hát đối đáp hai người đối mặt để tìm hiểu yêu đương phát triển thành hình thức biểu diễn trước công chúng và đã xuất hiện hiện tượng hát Gầu plềnh chuyên nghiệp. Ứng tác Gầu plềnh ngày càng đa dạng, phong phú hơn, cập nhật, mới mẻ, phản ánh cuộc sống tự do, dân chủ hơn. Trong diễn xướng, Gầu plềnh được bổ sung thêm những bài (lời) thuộc đề tài khác nhưng mang cảm hứng tình yêu, tình cảm, quan hệ nam nữ, đồng thời, Gầu plềnh ngày càng được bổ sung nhiều nội dung mới phong phú hơn, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Cảm hứng về tình yêu của người Hmông hiện đại biến đổi theo chiều hướng tích cực hơn, phản ánh tinh thần làm chủ của con người rõ nét hơn.

Nghệ nhân dân gian Gầu plềnh ở Lào Cai hiện nay khá đông đảo với nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội; trong đó, vai trò cán bộ địa phương, lớp người trẻ được ăn học có nhận thức, rất quan trọng trong việc bảo lưu, sáng tạo làm cho Gầu plềnh phát triển ngày càng phong phú, đa dạng.

KẾT LUẬN

1. LHGT là một sinh hoạt văn hoá truyền thống mang tính cộng đồng, rất tiêu biểu và đặc sắc của đồng bào Hmông. Là lễ hội có nguồn gốc cổ xưa, nguyên thủy; trong quá trình phát triển cùng với lịch sử phát triển của dân tộc Hmông, LHGT trở thành lễ hội nông thôn tiêu biểu, độc đáo với những tín ngưỡng, lễ thức, phong tục, tập quán truyền thống quý báu được bảo lưu gìn giữ đến ngày nay. LHGT chứa đựng trong nó những biểu tượng văn hoá, những "trầm tích văn hoá” và đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Hmông đã kết tinh hàng ngàn năm lịch sử. Việc giải mã những biểu tượng văn hoá đó sẽ có giá trị to lớn đối với nhiều lĩnh vực trong cuộc sống hiện đại.

LHGT có tầm quan trong đặc biệt trong đời sống tinh thần của đồng bào Hmông, là nơi con người được sống vui vẻ, hạnh phúc sau một năm lao động vất vả; là nơi để mọi người nhớ về cội nguồn, tổ tiên, ông bà... tự hào về truyền thống dân tộc mình; là nơi người ta nhen nhóm, hình thành, nuôi dưỡng những hy vọng về tương lai tươi sáng. LHGT còn là một trong những cái nôi sản sinh ra các tài năng nghệ thuật dân gian; sản sinh ra nền nghệ thuật dân gian Hmông vô cùng độc đáo. Những sinh hoạt văn hoá và văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, phong phú trong LHGT chính là bộ mặt của đời sống tinh thần của dân tộc Hmông được thăng hoa trong không khí linh thiêng ngày hội. LHGT là nơi bảo tồn và phát triển một nền văn hoá - nghệ thuật đặc sắc và độc đáo có một không hai của đồng bào Hmông. Nó đã góp thêm một bông hoa đẹp cho vườn hoa văn hoá truyền thống muôn sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Là một hoạt động sinh hoạt văn hoá cộng đồng, LHGT là nơi trao truyền những giá trị truyền thống từ đời này sang đời khác nên có ý nghĩa lớn lao trong việc giáo dục truyền thống cho mọi người trong cộng đồng. Đó là lòng yêu quê hương, yêu thiên nhiên, đất nước, con người với những truyền thống quý báu, tốt đẹp của cha ông để lại... Bên cạnh đó, LHGT còn là điểm giao lưu văn hoá, giao thương giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện cho các dân tộc hiểu nhau hơn, đoàn kết, thân ái và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, phát triển kinh tế - xã hội.

2. Hát Gầu plềnh là một hoạt động quan trọng của LHGT. Gầu plềnh với những nội dung phong phú, với những giá trị nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc, gắn bó mật thiết với LHGT; đó là mối quan hệ tương hỗ, sinh thành, đồng hành phát triển. LHGT có một mục đích quan trọng là để cho nam nữ thanh niên hát giao duyên, giao lưu, tìm hiểu và kết đôi, kết lứa... duy trì và phát triển cộng đồng. Cho nên, LHGT là một trong những cái nôi quan trọng nhất sản sinh, nuôi dưỡng,

phát triển nền dân ca đằm thắm trữ tình đó; ngược lại, sinh hoạt Gầu plềnh là điều kiện tiên quyết có sức hút mạnh mẽ mọi người đến dự hội làm cho LHGT ngày càng phát triển.

Gầu plềnh là tiểu loại dân ca Hmông với thi pháp đặc trưng, là tiếng nói, là tâm hồn, tình cảm mãnh liệt, sâu sắc trong gan ruột của cộng đồng Hmông được thăng hoa trong LHGT; có sức cuốn hút, lan toả, là niềm tự hào của dân tộc Hmông không chỉ bởi chất trữ tình đắm say, bởi những tình cảm hồn nhiên, mộc mạc, giản dị, gần gũi, quen thuộc với đồng bào mà còn ở chỗ nó là kết tinh của một nền văn hoá truyền thống lâu đời với những tư tưởng, quan niệm nhiều mặt về cuộc sống nhân sinh của dân tộc Hmông; ẩn chứa trong đó những trầm tích văn hóa truyền

Một phần của tài liệu Dân ca Gầu plềnh và Lễ hội Gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 147 - 156)