Đặc điểm chung kết cấu tác phẩm Gầuplềnh

Một phần của tài liệu Dân ca Gầu plềnh và Lễ hội Gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 91 - 93)

2) Không gian tâm lý gắn với trường nhìn, điểm nhìn của nhân vật trữ tình nên trở thành phương tiện chiếm lĩnh đời sống mang ý nghĩa cảm xúc, tâm tưởng.

3.3.1. Đặc điểm chung kết cấu tác phẩm Gầuplềnh

Về hình thức, đặc điểm nổi bật là bài Gầu plềnh có kết cấu dài. Nếu dân ca Việt, phần lớn một bài từ 2 đến 4 dòng, tính chất cô đọng, giàu màu sắc ẩn dụ nổi bật thì Gầu plềnh khác hẳn. Hầu hết một bài Gầu plềnh từ 10 câu trở lên (99%), (PL3.2, tr. 271). Đây cũng là đặc điểm chung, độc đáo, khác biệt của dân ca một số dân tộc miền núi phía Bắc như dân ca Nùng, Giáy, Thái...so với dân ca Việt. Có thể nét tương đồng của dân ca các dân tộc miền núi là tính chất kể lể phô diễn nên nó phù hợp với kết cấu dài. Nhà thơ Chế Lan Viên nhận xét trong bài giới thiệu dân ca Hmông là tính cách người Hmông bộc trực, thẳng thắn nhưng lại ưa hiểu rõ cái lí của sự vật, hiện tượng, muốn phân biệt rõ phải trái, nguyên nhân từ đâu...Có lẽ vì vậy mà Gầu plềnh vừa đậm đà chất yêu thương nồng nàn, mãnh liệt nhưng cũng mang tính chất giãi bày: “Bao nhiêu lời ca là bấy nhiêu lời bày tỏ tình yêu, nỗi nhớ nhung giận hờn, trách móc. Dường như không hát thì thôi, đã hát thì giãi bày cho hết, cho thoả nỗi lòng” [186, tr. 61]. Tính chất tự sự kết hợp với mạch trữ tình dàn trải ở Gầu plềnh in đậm nét hồn nhiên, bộc trực, tràn đầy cảm xúc. Dân ca Việt diễn tả tình nghĩa vợ chồng đằm thắm, sâu nặng bằng hai câu ẩn dụ: Gái thương chồng như đông buổi chợ/ Trai thương vợ, nắng quái chiều hôm; nhưng Gầu plềnh giãi bày, kể lể bằng rất nhiều hình ảnh lật đi lật lại, nhấn nhá cho tình cảm ấy sâu nặng hơn, tha thiết hơn, giản dị nhưng không kém phần tinh tế: Ví dù mình lấy được ta, mình quý ta như chiếc quạt lụa/ Ta lấy được mình, ta quý mình như bóng nắng chiều hôm/ Ví dù mình lấy được ta, mình yêu ta như chiếc quạt nhiễu/ Ta lấy được mình, ta yêu mình như bóng nắng chiều tà [134, tr. 86]...Lối nói phổ biến trong Gầu plềnh là vừa cụ thể, rõ ràng, mạch lạc, hài hoà, cân đối giữa các vế, ý, vừa tràn đầy xúc cảm, đằm thắm, mãnh liệt, phù hợp với bản chất tâm hồn người Hmông tạo ra nhiều khổ thơ trong một bài. Sự phân bổ, phối hợp các khổ thơ trong một bài là một đặc điểm độc đáo, góp phần tổ chức và trình bày hệ thống cảm xúc của nhân vật trữ

tình. Kết quả khảo sát 175 bài (PL3.2, tr. 271): bài 1 khổ thơ: 4 (2%); bài 2 khổ thơ: 23 (21%); bài 3 khổ thơ: 40 (26%); bài 4 khổ thơ trở lên: 108 (61%). Những khổ thơ có những câu chỉ đặc điểm thiên nhiên, thời tiết, con người, cảnh vật...thường mở đầu bài ca và ít nhiều liên quan, thậm chí chi phối nội dung các khổ thơ sau; khổ cuối thường khép lại bài ca hoặc phát triển ý đã nêu ở phần mở đầu: VD: Mở đầu:

Lúa lại héo vì nước, cỏ lại lụi vì bờ...(ý nói: Sao ngược đời, tôi đã chẳng chê anh mà anh lại làm cao với tôi); Khổ hai: Tôi đi khỏi/ Tim gan anh lại như trâu buộc chân...; Khổ ba: Tôi đi, dù anh có tiễn chân tôi tới tận bờ khe/ Chỉ thấy nước chảy mà không thấy nước đứng/ Nước chảy không hề biết cùng anh hát (Nội dung: cô gái bày tỏ sự giận dỗi khi mời mà chàng trai không hát cùng [134, tr. 82]). Sự phân chia thành các khổ thơ có vai trò đặc biệt khi hát giao duyên, nhất là lối hát đối đáp và lối kể chuyện tiêu biểu trong Gầu plềnh.

Lối đối đáp là hình thức cơ bản, chiếm số lượng lớn trong Gầu plềnh (161/175 bài) với hai hình thức: lối đối đáp một vế và lối đối đáp hai vế.

Lối đối đáp hai vế chiếm số lượng không lớn (27/161 bài) nhưng tiêu biểu cho diễn xướng đối đáp. Bài ca tồn tại hai vế đối ca nam - nữ là tiếng ca bộc bạch trực tiếp nỗi lòng của đôi lứa yêu đương: Nam: Em ơi! Anh mong nếu được em thương yêu/ Anh sẽ lội theo vết chân em qua suối đục/ Nếu em như con trâu hay con ngựa/ Anh cầm ngay dây dắt tuột em về. Nữ: Anh hỡi! Anh có thể bỏ em thì bỏ/ Nếu bỏ không đành, thôi không được/ Anh hãy về cân bạc đủ cân/ Em mới dám cùng anh dựng nhà [132, tr.197]. Lối đối đáp của Gầu plềnh không bắt buộc đối ý, đối câu như kiểu hát đối ứng Quan họ nhưng ý tứ diễn đạt phải đảm bảo mạch tâm tình như là cuộc tâm sự đang diễn ra vậy. Ở ví dụ trên, mạch tâm tình của cuộc tâm sự rất rõ, lời cô gái là câu trả lời khi chàng trai ngỏ ý yêu thương. Chúng tôi cho rằng, đây là nét độc đáo liên quan đến phong tục luyến ái của người Hmông: hát là hình thức tìm hiểu yêu đương, có thể lấy nhau sau cuộc hát, nhất là cuộc hát trong lễ hội Gầu tào vào dịp đầu năm.

Lối đối đáp một vế (hình thức độc thoại), chiếm số lượng lớn trong Gầu plềnh (134/161 bài), là một vế lời ca của chàng trai hoặc cô gái. Hình thức độc thoại nhưng dấu ấn của lối trò chuyện, đối đáp rất đậm nét qua các cách gọi, nhắn nhủ, dùng các đại từ nhân xưng, mở đầu bài ca...Khảo sát 35 bài đối đáp một vế trên văn bản tiếng Hmông, chúng tôi thấy hầu hết các bài đều sử dụng các đại từ nhân xưng như: Cur (tôi, anh, em....), Caox (bạn, anh, em...), ưz aoz lênhz (chúng mình, chúng ta...) hay những đại từ nhắn nhủ thân tình như: Nux xuô tăngz (hỡi chàng trai!); Nar muôv nxeik gâux xưz (hỡi em thiếu nữ, hỡi cô nữ đồng trinh...); Cur lênhx tăngz

(anh đây, anh trai này...); Cur nxeik gâux xênh (em gái này, em đây...). Cũng như dân ca Việt, việc dùng đại từ nhân xưng trong bài ca tạo thành các cặp xưng hô: anh

- em, mình - ta, chàng - nàng...; qua đó ta thấy, mặc dù là hình thức độc thoại nhưng có thể ước đoán đó là những phiến đoạn, một vế của tầng tầng, lớp lớp những đối ca nam nữ trong các cuộc hát đối đáp, nhất là hát đối đáp mùa xuân trong lễ hội Gầu tào. Thực tế, người dân nơi tổ chức lễ hội Gầu tào xã Pha Long (Mường Khương) cho chúng tôi hay: để hát đối đáp được ở LHGT, người hát phải học thuộc nhiều bài hát (loại một vế này), sau đó nhặt những đoạn nhỏ để hát cho phù hợp với hoàn cảnh, tình cảnh, đối tượng hát...; từ đó, bổ sung thêm ý của mình vào. Như vậy, muốn sáng tạo được, cũng phải trên cơ sở thuộc nhiều lời ca có sẵn; Có lẽ vì vậy mà trai gái Hmông có thể tìm hiểu nhau quan lời hát.

Lối kể chuyện trong Gầu plềnh xuất hiện không nhiều, có 14/175 bài nhưng là những bài dài, rất đặc trưng cho dân ca Hmông. Những bài này, lời kể, nội dung câu chuyện trình bày tương đối khách quan; người kể đứng ngoài cuộc, và đôi chỗ có lời trần thuật. Một số bài là những câu chuyện tương đối hoàn chỉnh: có một vài nhân vật, diễn biến, đã có những yếu tố của cốt truyện. VD, bài số 82 [134] là một câu chuyện dài: Đầu tiên, lời dẫn truyện: Pằng Dao nhặt lá non đặt môi thổi thổi một hồi không thôi... Sau đó, mẹ chồng rằng: Này con dâu! Mọi năm con chưa về, rừng nhà ta yên ắng... Tiếp đến, nàng rằng: Mẹ ơi! Mọi năm rừng nhà ta không sinh mầm nảy lá...; chàng rằng: Ta đến đây xem nét mặt nàng đã già hay trẻ...Lối kể chuyện mà chúng tôi muốn nói đến ở đây là "lối kể chuyện - trữ tình" [101, tr.138] chứ không phải lối kể chuyện - tự sự trong các loại hình tự sự. Vì vậy, những bài Gầu plềnh thuộc loại này tuy có sự nhưng nổi lên trên bình diện của việc kể và

tả lại là tình, là nỗi niềm của nhân vật trữ tình. Đó là cảm xúc - tâm lí của nhân vật trữ tình phản ứng lại trước những biểu hiện, những vẻ ngoài của sự kiện: Chàng rằng: Ta đến đây xem nét mặt nàng đã già hay trẻ/ Ta đến đây xem mối duyên xưa đã mất hay còn/ Xem mối tình cũ còn giữ hay đã lìa tan... Nàng rằng: Chàng ơi! Nét mặt em tuy già/ Nhưng mối duyên xưa em quên sao được/ Nét mặt em tuy đổi, nhưng mối tình cũ em chẳng hề quên (Bài 82 [134, tr.152-155]). Rõ ràng, sự kiện chỉ như cái cớ để nhân vật giãi bày cảm xúc, tâm tình nên đây là nét độc đáo của Gầu plềnh.

Ở những bài Gầu plềnh kết cấu theo lối kể chuyện, tính chất tự sự kết hợp với mạch trữ tình dàn trải phù hợp với việc giãi bày tình cảm nhân vật trữ tình, tạo nên vẻ đẹp hồn nhiên, chân thành, gây được đồng cảm với người đọc. Tính chất tự sự "tạo cho cái nền cảm hứng trữ tình của ca dao những yếu tố mới lạ, hấp dẫn, khiến người ta có thể nhớ lâu"[39]. Như vậy, kiểu kết cấu này trong Gầu plềnh góp phần khắc hoạ vẻ đẹp tâm hồn dân tộc Hmông mộc mạc, chất phác, đắm say, mãnh liệt và tha thiết yêu thương.

Một phần của tài liệu Dân ca Gầu plềnh và Lễ hội Gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 91 - 93)