Khác với thời gian khách quan, có khi thời gian nghệ thuật mang tính chủ quan của con người: "ba thu dồn lại một ngày dài ghê”. Thời gian nghệ thuật là thời gian được cảm nhận bằng tâm lý và mang ý nghĩa thẩm mĩ. Thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược, từ hiện tại hồi tưởng về qua khứ. “Thời gian nghệ thuật thường lưu ý đến những thay đổi có ý nghĩa, giúp ta cảm nhận thế giới một cách toàn diện, khắc phục khả năng cảm nhận hữu hạn của con người” [186, tr.135). Theo tác giả Nguyễn Xuân Kính, thời gian nghệ thuật, một mặt thuộc phương diện đề tài, mặt khác thể hiện nguyên tắc cơ bản của việc tổ chức tác phẩm của từng tác giả, từng thể loại, từng hệ thống nghệ thuật” và có thể khảo sát thời gian nghệ thuật trên hai bình diện thời gian sự kiện và thời gian tâm lý: Thứ nhất là nhịp độ thời gian, tức là độ dài của sự kiện và khoảng cách giữa các sự kiện cũng như độ dài của việc cảm thụ sự kiện ấy. Quan hệ giữa nhịp độ thời gian được tường thuật và nhịp độ thời gian tường thuật có ý nghĩa quan trọng. Thứ hai là trình tự thời gian, tức là tương quan giữa trật tự thời gian kể chuyện và thời gian hiện thực của các sự kiện kể lại trong tác phẩm [62, tr.163, 164]. Từ cơ sở lý thuyết trên, chúng tôi khảo sát thời gian nghệ thuật trong Gầu plềnh theo hai mảng: thời gian sự kiện và thời gian tâm lý.
Thời gian sự kiện trong Gầu plềnh xuất hiện ít và không điển hình. Khảo sát
124 bài có yếu tố thời gian thì 09 bài sử dụng yếu tố thời gian sự kiện chỉ khoảng cách thời gian và đó thường là những bài có tính chất tự sự, kể chuyện nên các nội dung tâm tình, bộc lộ tình cảm, bày tỏ cảm xúc giao duyên biểu hiện qua yếu tố thời gian không rõ: - “Hai năm trước anh muốn cùng em tình tự/ Vì cỏ gianh mọc vút vườn cao”;“Lúc này người Sã kéo quân đầy bên núi/ Đoàn trai tráng đánh không nổi” [132, tr. 195, 264].
Do vậy, chúng tôi không tập trung phân tích sâu khía cạnh này. Điều đáng quan tâm hơn cả là mảng thời gian tâm lý trong Gầu plềnh rất tiêu biểu, điển hình
cho lối nói, lối diễn đạt, lối biểu hiện trong đối đáp giao duyên của người Hmông, đồng thời, nó trở thành phương tiện nghệ thuật hữu hiệu dệt nên những bài ca say đắm lòng người.
Thời gian tâm lý, thời gian có tính ước lệ trong Gầu plềnh xuất hiện với
mức độ dày đặc, có giá trị nghệ thuật độc đáo, bộc lộ cảm quan nghệ thuật của đồng bào Hmông.
(1) Khảo sát 175 bài Gầu plềnh đã xuất bản, kết quả: loại bài ca có từ chỉ thời gian chiếm 124/175 bài, loại bài ca không có từ chỉ thời gian chiếm 51/175 bài (tuy không xuất hiện từ chỉ thời gian nhưng dễ dàng nhận ra đó là thời gian hiện tại, thời gian diễn xướng mà người hát đang hát). Tần suất từ chỉ thời gian là 495 lần/124 bài và phần lớn là trạng từ chỉ thời gian (463/495). Các trạng từ chỉ thời gian này thường mở đầu câu hát, và trong nhiều trường hợp là trạng ngữ của câu (412/495), (PL3.1, tr.271).
(2) Đặc điểm nổi bật của Gầu plềnh là các trạng từ chỉ thời gian xuất hiện theo những công thức ước lệ nhất định phản ánh đặc trưng dân ca Hmông và là phương tiện quan trọng trong hát đối đáp giao duyên. Tính chất ước lệ biểu hiện ngay trong việc sử dụng nhiều từ, ngữ chỉ thời gian có tính chất phiếm định. Các trạng từ chỉ thời gian thường xuất hiện là bây giờ, lúc này (thâuk nor, nhil nor); sau đây, ngày mai (lưv hnuz, taov kăngz, nhaoz cil); đêm nay (hmao nor); ngày xưa, ngày trước, thuở xưa (thâuk ntêx; taov ntêx); năm nay (shông nor); và một số từ khác như thuở sớm, mùa này, có ngày, tết này... Những từ chỉ thời gian xuất hiện với tần suất cao trong Gầu plềnh là đêm nay, đêm khuya (57/495), ngày mai
(75/495) lúc này, bây giờ (86/ 495), năm nay, mùa này (68/495). Đặc trưng cơ bản là nhiều trạng từ chỉ thời gian đặt trong cấu trúc câu ca trở thành trạng ngữ của câu; mô hình cấu trúc câu ca Gầu plềnh phổ biến là dạng công thức: Trạng ngữ, chủ ngữ (hoặc cụm chủ ngữ) – vị ngữ (hoặc cụm vị ngữ) + câu (hoặc các câu) khác,
VD: Tangr nor (trạng ngữ), cur (chủ ngữ) tâu tsi tâul caox cha caox môngl (cụm vị ngữ)/ Caox (chủ ngữ) môngl (vị ngữ), caox (chủ ngữ) uô luz tsêr txơưv jux jaos tuôx đruôz (cụm vị ngữ). (Bây giờ, anh không lấy được em/ Em về, em làm nhà giữa đèo [132, tr. 67]).
Tất nhiên, không phải tất cả đều có cấu tạo như vậy mà đôi khi trạng từ thời gian xuất hiện ở vị trí khác tuỳ theo cấu trúc câu ca, song tần suất thấp hơn và không tiêu biểu nên chúng tôi không đi sâu nội dung này mà tập trung phân tích dạng công thức trên. Từ chỉ thời gian và cấu trúc câu ca (theo công thức trên) trở thành phương tiện rất quan trọng trong câu hát đối đáp giao duyên của người Hmông, là một phần giá trị tạo nên sức sống của các bài hát. Biểu hiện ở những điểm sau:
Trước hết, công thức thời gian góp phần tạo dựng câu ca, tạo ra hàng trăm
câu hát tiêu biểu trong Gầu plềnh; đồng thời, công thức ấy cũng là cơ sở tạo nên cách sử dụng trạng từ chỉ thời gian biến hóa đa dạng. Người hát chỉ cần nắm được công thức, giai điệu hát và một số vốn liếng dân ca là có thể hát, tham gia cuộc hát. Thực tế khi hát, người diễn xướng có thể thay đổi những từ chỉ thời gian cho phù hợp với hoàn cảnh diễn xướng, địa điểm hát, thời điểm diễn xướng, nội dung cần bày tỏ... Chẳng hạn, có thể thay đổi (trong những hoàn cảnh nhất định nào đó) bây giờ bằng lúc này; ngày trước bằng khi xưa; sáng mai bằng ngày mai; buổi sớm, đêm nay bằng lúc này...: Tangr nor, cur tâu tsi tâul caox cha caox môngl, có thể thay bằng: Thâuk nor, cur tâu tsi tâul caox cha caox môngl, hoặc: Hmao nor, cur tâu tsi tâul caox cha caox môngl..., chỉ cần phù hợp với hoàn cảnh là được. Là thời gian tâm lý, có tính tượng trưng, ước lệ, nó không mang tính chất chỉ dẫn thời gian cụ thể, xác thực nên có thể dùng chung cho mọi người và có thể thay thế sao cho phù hợp hoàn cảnh, "cốt sao đảm bảo thể hiện cảm xúc trữ tình trong câu (bài) hát, tạo sự cảm thông, gần gũi giữa những người đang tham gia cuộc hát hiện tại" [101, tr.133] mà cảm xúc trữ tình thì vô cùng phong phú, nhiều cung bậc với nhiều hoàn cảnh, cảnh ngộ của “sự tâm tình” nên sự sáng tạo từ chất liệu thời gian cũng phong phú là lẽ đương nhiên.
Thứ hai, thời gian nghệ thuật trong Gầu plềnh có giá trị biểu đạt tình cảm
lứa đôi với nhiều cung bậc, nhiều khi diễn ra trùng với thời gian hiện tại, thời gian đang diễn xướng mà nếu nhìn bề ngoài, dễ ngộ nhận là miêu tả sự kiện nhưng thực chất, nó cùng với nội dung của câu ca, diễn tả những điều sâu sắc hơn trong tâm tưởng. Xét hai VD: (1) Đọc câu ca sau sẽ thấy ngay thời gian diễn ra sự kiện LHGT của người Hmông: “Trời mới, bảy năm trời xanh/ Nhờ đâu sinh được cây nêu trên bãi núi này/ Năm nay là năm gì để đôi ta cùng nhau về đỗ?/ Lúc này, mình hẹn ta về còn sớm/ Ta hẹn mình về từ lúc tinh sương/ Ta đi trên đoạn đường, chim rừng ca ríu rít” [132, tr. 123]. (2) Còn câu ca sau là thời gian đang diễn xướng, có thể là đêm ở lễ hội, có thể là một ngày bất kỳ nào đó mà trai gái hát đối đáp, cũng có thể là cái cớ để trai gái giãi bày tâm sự với nhau: “Nam: Giờ này, đôi ta ngồi đã khuya/ Ta hãy mở miệng cất lời mình ơi!”; - “Nữ: Giờ này, trời đã về khuya/ Sao đã lượn vòng đổi nơi, sương đá phủ trắng/ Tôi chỉ biết miệng anh nhưng chưa biết tim anh” [134, tr. 48]. VD (1) không chỉ miêu tả các sự kiện buổi sớm ngày hội Gầu tào qua các từ
cây nêu (biểu tượng của lễ hội), lúc này, còn sớm, tinh sương mà còn bộc lộ tâm trạng vui tươi của người đã hát và đã hẹn được người tình đi chơi hội bởi một loạt từ chỉ thời gian có tính chất trong sáng, tinh khiết của “trời mới” “bảy năm trời xanh” (mở đầu năm mới), “buổi sớm”, “tinh sương” (mở đầu một ngày) kết hợp với các từ miêu tả thiên nhiên vui tươi náo nức (“chim rừng ca ríu rít”). Nhưng VD (2)
ngược lại, xem ra, chàng và nàng còn đang ướm lòng nhau. Họ đang sống trong tâm trạng nghi ngờ chưa tin nhau nên thời gian “đã khuya” thực ra chỉ là thời gian của tâm trạng; sự hối thúc của con tim mong bạn mình giãi bày tâm sự. Ở hai VD trên, thời gian của câu ca chính là thời gian tâm trạng của người đang hát và người nghe hát, hơn thế nữa, nó còn cho biết các tâm trạng, tình cảm của những con người ấy như thế nào. Cho nên trong cuộc hát ban ngày (ngày hội) mà người ta vẫn có thể hát là đêm về khuya vì ngươì hát chỉ quan tâm đến hiệu quả bộc lộ tâm trạng, cảm xúc của mình cho đối phương thấu hiểu mà thôi. Rõ ràng, tác giả dân gian ít chú ý đến yếu tố thực của thời gian mà chú ý nhiều hơn đến thời điểm nào phù hợp với việc bộc lộ tâm trạng nhất.
Thứ ba, thời gian nghệ thuật trong Gầu plềnh biểu cảm tinh tế những trạng
thái tình cảm. Có khi trong câu ca nói đến thời gian hôm qua, ngày mai nhưng lại nhằm mục đích bộc lộ tấm lòng của người hát khi ấy chứ không phải nói về quá khứ hay tương lai, điều đó ẩn sâu bên trong nội hàm của công thức (nêu trên), tức là từ chỉ thời gian có quan hệ mật thiết với ý nghĩa của phát ngôn đi cùng; cho nên cấu tạo yếu tố thời gian là một trạng ngữ rất quan trọng, nó có quan hệ mật thiết, thậm chí chi phối các mệnh đề chủ - vị (phần nội dung của câu hay phát ngôn) bên trong: - “Nam: Có ngày, mình có chồng, ta có vợ/ Ta chẳng còn được lấy tay che mắt ta nhìn”; - “Nữ: Ta theo mình nói hay thế này/ Mai sớm, ta về sống cuộc đời không có chủ” [132, tr. 158]. Thời gian ở đây là cái cớ bâng quơ để chàng và nàng giãi bày tâm sự. Cái điều đơn sơ mà khó nói, rằng “anh chưa có vợ", “em chưa có chồng" ấy mà nói trắng ra thì thật chẳng nên thơ. Vậy nên, tác giả dân gian đã mượn cái cớ thời gian bâng quơ: "có ngày, mình có chồng, ta có vợ", vừa như muốn nói hiện nay anh chưa có vợ đâu, vừa như hờn giận: sao bây giờ không gần gũi nhau hơn? "Mai sớm, ta về ta sống cuộc đời không có chủ" tức là bây giờ em chưa có chồng đâu, nhưng biểu cảm rằng bây giờ em đang muốn có anh, sao anh không làm chủ cuộc đời em? Cái lối giao duyên, tâm tình như vậy tế nhị và tinh tế biết bao!
Thứ tư, qua công thức thời gian trong Gầu plềnh có thể thấy bản chất sáng tạo
thể loại dân ca, nhất là hát đối đáp giao duyên, ở chỗ luôn đề cập đến hiện tại, bộc lộ cảm xúc hiện tại của cuộc tâm tình, đồng thời phản ánh bản sắc độc đáo của dân ca Hmông. Gầu plềnh có nhiều bài mặc dù nói đến thời gian quá khứ xa xưa và những sự kiện xảy ra trong quá khứ nhưng lại nhằm giải thích cho hiện tại hoặc luôn luôn đề cập đến hiện tại của những cuộc tâm tình. Nó tạo ra những cặp quan hệ quá khứ - hiện tại
với tần suất xuất hiện là 58/495 lần; đồng thời tạo ra các câu thơ, khổ thơ đối sánh quá khứ - hiện tại – tương lai. Các công thức chỉ thời gian quá khứ - hiện tại thường là: ngày trước - ngày sau (thâuk - ntêx); ngày xưa - ngày nay (thâuk u - nhil nor); thuở xưa - bây giờ (taov ntêx - tangr nor) hoặc xưa - nay (ntêx - nor)... Nếu dân ca trữ tình người
Việt sử dụng những cặp từ thời gian quá khứ – hiện tại và diễn đạt ngắn gọn, cô đọng quan hệ quá khứ và hiện tại: Ngày đi em chửa có chồng/ Ngày về em đã con bồng con mang thì Gầu plềnh lại chọn cách kể lể, phô diễn tình cảm: “Xưa kia, anh bảo em theo anh nói em chẳng nói/ Có ngày em đi lấy chồng/ Em gặp phải con đường nát gan/ Xưa,
anh bảo em theo anh rằng em chẳng rằng/ Có ngày em đi lấy chồng/ Em gặp phải con đường nát tim/ Ngày nay, em bước chân về nhà chồng chưa đủ năm/ Nhà chồng đã giầy vò em, họ kể vật” [134, tr. 58]. Cách kể lể, phô diễn tình cảm như vậy phản ánh đặc điểm riêng biệt của lối nói, lối diễn đạt của dân ca Hmông, mặt khác phù hợp với việc thể hiện những bài ca có tâm trạng tiếc nuối thời quá khứ vàng son không trở lại; tâm trạng hờn giận trách móc khi tình duyên lỡ làng và nhất là trạng thái tình cảm hiện tại: yêu thương nhau mà không lấy được nhau, phải chấp nhận tình yêu lỡ dở. Thời gian ở đây là thời gian nghệ thuật, thời gian của cảm xúc. Tác giả dân gian đã có cảm giác về sự thay đổi vận động của dòng thời gian nhưng, tựu chung lại, hơn tất cả, vẫn là cảm giác về sự thay đổi của chính cuộc sống con người, của lòng người, làm cho tiếng hát yêu thêm chơi vơi, xao xuyến. Nhà thơ Chế Lan Viên bình luận về dân ca Hmông: “Tình yêu khó đo lường nhưng người ta biết lấy sự chảy trôi đo sự chảy trôi. Bây giờ, bóng nắng hoàng hôn làm đơn vị đo lường: Ta lấy được mình, ta quý mình như bóng nắng chiều hôm/ Ta lấy được mình ta yêu mình như bóng nắng chiều tà” [134, tr. 27]. Ngay cả khi người ta nói về tương lai bằng các cặp quan hệ hiện tại - tương lai: bây giờ - mai sau; ngày nay - đến khi; bây giờ - rồi đây... thì cũng là ước mơ hay dự kiến của hiện tại. Số lượng loại này xuất hiện ở Gầu plềnh không nhiều, chỉ có trong 11/175 bài ca nhưng rất đáng nói ở chỗ nó cốt sao giãi bày cho được những suy tư, dự tính, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con người lúc ấy. Tức là làm sao bày tỏ được lòng mình cho người tình thấu hiểu, với rất nhiều cung bậc tình cảm: Khi là một lời hẹn ước thuỷ chung: Bây giờ, ta gặp nhau đây/ Em cùng anh tự tình.../ Rồi đây, anh về, em ở/ Em hãy vì anh chớ nghe ai cám dỗ/ Đôi ta yêu nhau, mối tình gìn giữ đừng phai [132, tr.195]; khi là lời tiếc nuối tình duyên trắc trở: Em ơi, sao trước em muốn thôi/ Em chẳng cùng anh mở miệng/...Đến bây giờ em theo chồng lên đường/ Em than van khắp phố [132, tr. 244]; cũng có khi là một tấm lòng yêu đang khao khát thổ lộ tâm sự: Đêm nay, theo nàng ta nói/ Mai sớm, ta cất bước về nhà/ Hai ba tháng sau, vẫn say mộng thấy ta cùng nàng kể lể [134, tr. 161].
Ngoài những lời (bài) ca có từ chỉ thời gian và những công thức chỉ thời gian như trên, Gầu plềnh còn những bài (lời) không sử dụng từ chỉ thời gian (51/175 bài) nhưng ta luôn xác định được yếu tố thời gian trong sáng tạo nghệ thuật câu ca. Trong trường hợp này, người bình dân hát vào lúc nào thì lúc đó chính là thời gian bộc lộ tâm trạng của người diễn xướng. "Chính vì vậy Likhatrôp đã gọi thời gian nghệ thuật trong thơ ca dân gian là thời gian diễn xướng’’ (dẫn theo [62, tr. 170]).
VD: Ta bảo em hát bài vui, bài lành em không hát/ Em chỉ hát những bài làm tan nát tim gan [132, tr. 154]. Ở đây, thời gian của tác giả, thời gian của người thưởng thức hoà lẫn với thời gian của người diễn xướng. Tuy không có từ chỉ thời gian, nhưng có thể xác định thời gian đó là hiện tại, cái hiện tại đang diễn ra trong tâm sự của đôi tình nhân đang hát kia. “Tính chất độc đáo thể hiện thời gian nghệ thuật trong thơ ca dân gian là tác giả với tư cách là một cá thể, là cái tôi trữ tình không được biểu lộ ra mà vai trò của người diễn xướng rất quan trọng [183, tr. 140], chính vì vậy mà trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, Gầu plềnh luôn luôn đắm say