Biến đổi về nội dung

Một phần của tài liệu Dân ca Gầu plềnh và Lễ hội Gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 139 - 147)

- Các yếu tố biến đổi để thích nghi với môi trường cuộc sống hiện đại: Thứ nhất, thích nghi, chấp nhận sự lãnh đạo, tham gia tổ chức, quản lý với các mức độ

4.3.3.Biến đổi về nội dung

Biến đổi nội dung Gầu plềnh nổi bật nhất là biến đổi đề tài.

Đề tài là khái niệm chỉ loại các hiện tượng đời sống được miêu tả, phản ánh trực tiếp trong sáng tác văn học. Đề tài là phương diện khách quan của nội dung tác phẩm” [44, tr. 96]. Cần phân biệt đề tài với tư cách là phương diện khách quan của nội dung tác phẩm, nằm trong tác phẩm, được nhận thức, lựa chọn để sáng tạo nghệ thuật khác với đối tượng nhận thức, nguyên mẫu thực tế của sáng tác văn học, cái còn nằm ngoài tác phẩm, đối diện với tác phẩm. Đề tài có quan hệ mật thiết với cảm hứng chủ đạo. Cảm hứng chủ đạo là “trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm, xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm” [44, tr. 38].

Biến đổi đề tài trong Gầu plềnh, theo khảo sát của chúng tôi, có hai dạng cơ bản: Một là, hiện tượng bài hát thuộc đề tài khác như tiếng hát làm dâu, tiếng hát mồ côi được sử dụng trong hát Gầu plềnh trở thành bài (lời) Gầu plềnh với cảm hứng chủ đạo là thân phận hẩm hiu của người mồ côi, người làm dâu bất hạnh và mối tình trái ngang cháy bỏng với người yêu (gọi là hiện tượng sử dụng gầu ua nhéng, gầu tú giua trong hát Gầu plềnh). Hai là, bước đầu xuất hiện hiện tượng mở rộng thành các chủ đề mới trong đề tài tình yêu (gọi là hiện tượng chuyển đổi chủ đề).

4.3.3.1. Hiện tượng sử dụng gầu ua nhéng, gầu tú giua trong hát Gầu plềnh

Dân ca Hmông có 5 tiểu loại tương ứng với 5 đề tài: tình yêu, cưới xin, làm dâu, mồ côi, tang ma. Các đề tài tang ma, cưới xin chỉ hát trong đám cưới và đám tang còn các đề tài tình yêu, làm dâu, mồ côi, việc hát ở đâu không có quy định thật rõ ràng.

Thông thường tiếng hát làm dâu được hát trong ngày cô dâu chuẩn bị về nhà chồng, hát mỗi khi cảm thấy khổ cực trong cuộc sống làm dâu; tiếng hát mồ côi được hát mỗi khi người ta cảm thương về số phận mồ côi của mình, và như vậy, có một số bài sẽ chỉ để hát trong hoàn cảnh cụ thể nào đó mà thôi. Tuy nhiên, LHGT là cơ hội tốt nhất để những người có hoàn cảnh khổ cực trên bộc bạch tâm sự của mình với người mình yêu thương bởi đây là môi trường mà những cấm kị đời thường được dỡ bỏ, đây là môi trường mọi người đều có thể bộc lộ mình mà không bị rào cản về mặt tâm lý cũng như xã hội. Những người có hoàn cảnh éo le đã chọn và sáng tạo ra những bài phù hợp với hoàn cảnh, tâm sự của mình để hát mà vẫn được công đồng Hmông chấp nhận. Trong bối cảnh diễn xướng cụ thể đó, Gầu plềnh được bổ sung thêm những bài hát mà nếu tách riêng phần văn bản ra, ta ngỡ nó thuộc đề tài làm dâu, mồ côi và nếu đơn giản coi đề tài là tiểu loại hay thể loại thì vô hình chung đã xếp chúng sang một tiểu loại hoặc thể loại khác. Vận dụng triệt để quan điểm coi thể loại, tiểu loại với tư cách một “phạm trù của diễn ngôn văn hóa”, một thể loại riêng biệt có thể bao gồm các thể loại khác được chấp nhận theo kiểu văn hóa, “cái tổ chức nên các lối nói và lối tương tác trong các cộng đồng nhất định” (Alan Dundes, [147, tr. 508 -514]), Luận án xác định khái niệm tiểu loại Gầu plềnh bao gồm cả một số bài thuộc đề tài mồ côi, làm dâu nhưng mang cảm hứng chủ đạo là khúc hát tâm tình về tình duyên, tình yêu, quan hệ nam nữ như đã nêu trong khái niệm. Đáng lưu ý, “cảm hứng chủ đạo là một yếu tố của bản thân nội dung nghệ thuật, của thái độ, tư tưởng, xúc cảm ở nghệ sỹ đối với thế giới được miêu tả” [44, tr. 38] nên những bài (lời) có nội dung cảm hứng bộc lộ

cảm xúc tình yêu, giãi bày tâm sự, tâm tình nam nữ (tuy dựa vào hoàn cảnh mồ côi hay làm dâu để kể lể, phô diễn, hơn nữa, nó lại được chính những người có hoàn cảnh ấy tâm tình với người thương trong một môi trường cụ thể cuộc hát Gầu plềnh) sẽ mang bản chất của Gầu plềnh. Có thể nhận biết sự biến đổi đề tài đó qua các VD sau:

trước 1990 (PL4.8, tr. 282).

Bảng 2: Khảo sát, lựa chọn qua TLĐD tại LHGT xã Pha Long (Mường Khương), xã Tả Giàng Phình (Sa Pa) giai đoạn 2003-2015 (PL4.9, tr. 284).

Tất cả những lời trong hai bảng VD trên đều có nội dung tâm sự, tâm tình, bộc lộ tình cảm nam nữ; nhiều lời (bài) là những khát khao cháy bỏng của tình cảm lứa đôi. Đó là sự thật cuộc hát Gầu plềnh do đặc trưng ích dụng của việc tìm hiểu yêu đương được luật tục Hmông cho phép. Kết quả khảo sát 35 bài tiếng hát làm dâu có 18 bài (49%), 26 bài tiếng hát mồ côi có 11 bài (45%) tiềm tàng khả năng chuyển thành Gầu plềnh. Ngoài ra còn những lời, những ý trong tiếng hát làm dâu (kể cả truyện thơ Tiếng hát làm dâu), tiếng hát mồ côi, người ta có thể nhặt ra để hát trong cuộc hát đối Gầu plềnh với số lượng rất phong phú. Trên thực tế tại LHGT Pha Long nhiều người hát như vậy. Hình ảnh số A2.10 là ông Vàng Seo Lìn (60 tuổi) và bà Lý Thị Say (59 tuổi) hát tại LHGT Pha Long (2015); bà Say chọn một số bài Gầu ua nhéng để hát, trong đó có đoạn tâm sự của người làm dâu (TLĐD, bài 49): Đất trời hết rồi! Chàng ơi!/ Thủa trước, ngựa loan không biết ngựa vằn/ Con đường đi thồ gạo/ Ngày xưa gái đồng trinh không biết/ Con đường đi làm dâu là con đường tan nát. Ông Lìn chọn những bài Gầu plềnh để tâm sự cùng bà Say.

Những người lớn tuổi như bà Giàng Thị Mảo (người giúp chúng tôi sưu tầm Gầu plềnh ở Si Ma Cai) rất thích hát tiếng hát làm dâu, VD bài 50, TLĐD: Ta nói lời hay ý đẹp/ Em thôi anh không thôi/ Cắt ngay trên gác, thu gọn trên bàn/ Ta ở trần không lấy được thì bỏ qua/ Có một ngày ta chết, ta làm đời sung sướng hạnh phúc dưới âm phủ. Ông Lù Seo Sềnh, người hát Gầu plềnh Pha Long kể đã từng hát những bài tiếng hát mồ côi (do bố ông hy sinh lúc ông còn nhỏ) mà chiếm được tình cảm của bà Vàng Thị Làng (vợ ông hiện nay). VD bài 32 trong TLĐD do ông Sềnh hát: Mẹ mình biết sinh, cha mình biết đặt/ Đặt mình trúng mùa ông sấm/ Mình ra đời xinh tươi như bông hoa đèn/ Mình ơi, ta không mẹ không cha/ Tay cầm quai nón trở về, nước mắt chảy như nhuộm/ Ta quay trở về tay cầm sải dây lụa/ Miệng nói cùng mình bằng con đường khóc than. Vì lời hát có phần cay đắng, xót xa, nên theo ông Sềnh thì không thể tùy tiện hát những bài (lời) có nội dung này; chỉ khi nào đã hiểu, thông cảm với nhau mới hát để giãi bày tâm sự, tình cảm; không hát ở chặng đầu mới làm quen nhau, không hát trước nhiều người và khi mới khai hội vì sẽ mất vui.

Như vậy, trong thực tế diễn xướng Gầu plềnh, một bộ phận bài (lời) thuộc đề tài làm dâu, mồ côi đã chuyển đổi sang đề tài tình yêu, tâm tình, quan hệ nam nữ. Có sự chuyển đổi này, trước hết, vì tính chất ích dụng của lời ca nhằm giãi bày tâm sự, tâm tình của người hát cho bạn hát hiểu, cảm thông; sau đó là do cảm hứng chủ đạo của lời hát phù hợp với cuộc tâm tình mà người hát đồng điệu, đồng cảm; cho nên không chỉ xem xét trên văn bản để xếp những bài (lời) này vào đề tài nào đó cố

định mà cần xem xét trên thực tế sử dụng và bối cảnh diễn xướng cụ thể.

4.3.3.2. Hiện tượng chuyển đổi chủ đề

Hiện tượng chuyển đổi chủ đề thực chất là mở rộng chủ đề mới trong đề tài tình yêu, quan hệ nam nữ với cảm hứng đa dạng hơn như: tình yêu gắn với quê hương đất nước; tình yêu gắn với xây dựng gia đình, làng bản văn hóa, văn minh theo quan niệm mới; tình yêu gắn với phòng chống tệ nạn xã hội; tình yêu gắn với việc học văn hóa, chữ viết... Gọi là chủ đề mới bởi so với Gầu plềnh truyền thống trước đây các chủ đề này chưa xuất hiện.

Bước đầu sơ bộ xem xét tư liệu những bài (lời) hát thu thập tại LHGT Pha Long (Mường Khương), Tả Giàng Phình (Sa Pa) trong khoảng chục năm trở lại đây có một số dấu hiệu cho thấy sự thay đổi so với những bài (lời) hát được sưu tầm thập kỷ 50 - 80 của thế kỷ XX. Mặc dù khối lượng tư liệu bài Gầu plềnh chưa thật nhiều nhưng vẫn dễ dàng nhận ra sự biến đổi mở rộng chủ đề qua bảng thống kê, so sánh (xem PL4.10, tr. 286).

Từ bảng thống kê ta thấy, nếu trước đây Gầu plềnh về đề tài tình yêu chủ yếu xoay quanh các chủ đề: thề ước thủy chung, hạnh phúc, lao động sản xuất, hờn giận, trách móc, thái độ bi quan thì ngày nay đã xuất hiện một số chủ đề hoàn toàn mới như tình yêu gắn với xây dựng quê hương, đất nước với địa danh sinh sống cụ thể (13,1%); tình yêu gắn với xây dựng gia đình, nếp sống văn minh, xóm làng văn hóa (6,6%); tình yêu gắn với phòng chống tệ nạn xã hội (1,6%). Ví dụ tại bảng PL4.11, tr. 287 trích dẫn một số lời trong 17 bài Gầu plềnh mới sưu tầm có yếu tố chủ đề mới. Đọc các bài này sẽ thấy một tinh thần mới của cuộc sống mới được vang vọng vào Gầu plềnh.

Sự xuất hiện chủ đề mới này tất yếu làm giảm tỷ lệ số lượng bài (lời) trong các chủ đề quen thuộc trước đây nhưng lại phản ánh diện mạo cuộc sống mới trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Hmông nói chung, đồng bào Hmông ở Lào Cai nói riêng. Sự xuất hiện chủ đề mới, mà bản chất, là sự biến đổi nảy sinh, phát triển của các tiểu chủ đề trong cùng một đề tài về tình yêu. Nó không chỉ diễn ra ở bề mặt sự biến đổi của các đề tài mà ở chiều sâu của vấn đề là sự triển khai thành các chủ đề mới gắn với hiện thực mới trong đời sống hiện tại của người Hmông. Các chủ đề mới như tình yêu gắn với quê hương, đất nước hay tình yêu gắn với xây dựng gia đình, làng bản ấm no, văn minh, văn hóa là kết quả của một quá trình xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa mới với công cuộc định canh định cư, xây dựng nông thôn mới và phổ cập giáo dục – xóa mù chữ trong suốt mấy chục năm qua ở Lào Cai. Điều đó có tác động mạnh mẽ đến đời sống tư tưởng, tình cảm của người Hmông, mang đến cho họ một cảm hứng sáng tạo mới (nhất là những người được ăn học).

nội dung, song lại có mối quan hệ gắn bó với việc lựa chọn, tổ chức, cấu tạo đề tài, một phương diện của thi pháp học; và vì vậy, đây cũng là nhân tố tạo nên thay đổi về cảm hứng chủ đạo giữa Gầu plềnh truyền thống và Gầu plềnh hiện đại. Có thể coi đó là sự thay đổi cảm quan nghệ thuật trong sáng tạo Gầu plềnh. Do dung lượng, Luận án không thể phân tích kỹ càng các vấn đề trên tại đây mà chỉ nêu một số nét tiêu biểu sau:

- Cảm quan về quê hương, đất nước. Nói chung dân ca Hmông (kể cả truyện cổ) trong truyền thống không đề cập đến vấn đề quê hương, đất nước và rất khó khăn để tìm thấy một địa danh cụ thể trong kho tàng dân ca cổ truyền ấy. Bốn cuốn Dân ca Hmông sưu tầm giai đoạn những năm 60 - 80 (thế kí XX) chỉ thấy xuất hiện địa danh “quê hương Bắc Hà” 01 lần nhưng chú thích đây là nơi âm phủ theo quan niệm của người Hmông. Điều này khác biệt so với dân ca truyền thống của một số dân tộc khác. Trong dân ca cổ truyền Việt, Mường, chúng ta dễ dàng tìm thấy những câu đại thể: Núi Ngự Bình trước tròn, sau méo/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong/ Đôi ta như chỉ lộn vòng [99, tr. 314]; trong dân ca Tày Nùng cũng không khó khăn gì để ta tìm những câu kiểu: Lục Khu chỉ biết ăn ngô/ Tam Châu gạo ruộng cũng thua không bằng [124, tr. 13] (Lục Khu: vùng dân cư rộng lớn trên núi cao tỉnh Cao Bằng; Tam Châu tên gọi các huyện vùng lúa nước miền đông Cao Bằng) hay Áo em mặc màu chàm cánh niếng/ Vô theo anh Bản Viểng thì vô [135, tr. 61] (tên làng ở Cao Bằng nổi tiếng dệt vải, ươm tơ). Phải chăng sự khác biệt trên là do lịch sử đặc thù của dân tộc Hmông gắn với việc di cư, không định cư lâu một chỗ. Làng (jiaox) của người Hmông định cư lâu nhất ở Lào Cai khoảng trên 200 năm; so sánh với làng người Việt, Mường đã định cư hàng nghìn năm, người Tày Nùng, Thái định cư trên 500 trăm năm sẽ thấy sự khác biệt trong cảm quan về quê hương, quan niệm về đất nước của người Hmông như thế nào. Cho nên, việc gần đây trong Gầu plềnh xuất hiện một số địa danh như Pha Long, Hạ huyện, Thượng huyện...là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ một sự thay đổi bước đầu quan trọng trong nhận thức và cảm quan về quê hương, đất nước. Hơn nữa, một số lời Gầu plềnh ngày nay thể hiện rõ thái độ, tình cảm của bà con đối với một miền quê cụ thể. VD bài (lời) 30, 31 trong TLĐD:

Nữ: Dự Gầu tào xong, em quay về nhà/ Trong lòng không yên/ Anh ở (nguyên nghĩa: một góc) phương trời xa xôi/ Vì sao anh đến mảnh đất Pha Long này?

Nam: Vì nơi nơi ai cũng bảo nơi đây (mảnh đất Pha Long) có lễ hội vui nhất/ Từ ngàn năm xa xưa đến nay/ Bước chân anh băng qua đèo, vượt qua núi/ Đến mảnh đất Pha Long này/ Được chơi hội cùng em.

Rõ ràng việc định cư lâu dài đã nảy sinh tình yêu, hơn nữa còn là niềm tự hào về quê hương, đất nước.

mẻ trong Gầu plềnh, phản ánh nếp sống mới với nhận thức mới văn minh, hiện đại hơn về cuộc sống và về bản thể con người, đặc biệt trong gần chục năm trở lại đây khi công cuộc phổ cập giáo dục đạt kết quả, công cuộc xây dựng nông thôn mới được triển khai. Dân ca Hmông xưa, thái độ bi quan khá phổ biến, phản ánh cái cảm quan tiêu cực, uất hận, bế tắc, thậm chí tự tử: Gầu plềnh có 17,1%, Gầu ua nhéng có 50%; Gầu tú giua có 35% (tính trên số bài, lời; xem thêm Chương 3). Những câu hát như: - Ta tiễn mình đến khe rừng trúc/ Đôi ta dừng chân thở than buồn khóc; - Anh lùi ba bước chân nghỉ bên mô đá/ Miệng im lòng thầm nghĩ đường chết không xa; - Bụng em chẳng cùng ta lo tính/ Khiến gan ta như bị ma núi ghẹo trêu [132, tr. 150, 186, 178] xuất hiện nhiều trong các tập dân ca Hmông xuất bản từ 1984 trở về trước.

Tuy nhiên, những năm gần đây, theo sưu tầm của chúng tôi, số bài (lời) có thái độ bi quan giảm xuống còn 4,9%; thay vào đó, xuất hiện những bài, lời phản ánh tình yêu gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc (11,5%), cộng đồng văn minh (6,6%) và xuất hiện thêm nội dung tình yêu gắn với quyết tâm học tập (33,3%); đặc biệt, xuất hiện những câu phản ánh tinh thần trách nhiệm của nhân vật trữ tình trước gia đình, cộng đồng; VD:

+Nàng nghĩ nàng không quán xuyến gia đình/ Gia đình sẽ tan nát (theo nàng)/ Nàng nghĩ nàng không làm ruộng nương/ Ruộng nương (sẽ) mọc lên rừng cây

[TLĐD, bài 39]; + Mình giảm tiếng, ta giảm lời/ Là người một nhà chung cả cuộc sống/ Vui vẻ yên bình quý nhau yêu đời [TLĐD, bài 53]; + Em nhớ anh, hãy cầm cây bút biên thư cho anh/ Hãy đưa thư cho cánh chim nhỏ mùa đông [TLĐD, bài 20]. “Thơ Hmông có yếu tố tình cảm, có yếu tố bản năng” [134, tr. 22] là nhận xét của nhà thơ Chế Lan Viên về dân ca Hmông truyền thống nhưng chúng tôi cho rằng, ngày nay, cùng với sự thay đổi trong xã hội Hmông, sự can thiệp của lý trí, trí tuệ con người

Một phần của tài liệu Dân ca Gầu plềnh và Lễ hội Gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 139 - 147)