Mối quan hệ văn học nghệ thuật dân gian Hmông và Lễ hội Gầu tào

Một phần của tài liệu Dân ca Gầu plềnh và Lễ hội Gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 60 - 62)

Từ những điều trình bày trên, khái quát lại, LHGT là loại hình lễ hội nông nghiệp có tính chất tổng hợp, thu hút nhiều sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian đặc sắc, cổ xưa, nguyên thuỷ. Từ những bài ca có tính chất thần thoại thể hiện quan niệm vũ trụ, nhân sinh đến những bài ca giao duyên hồn nhiên, mộc mạc; từ những trò chơi bách hí đến những điệu múa dân gian độc đáo phản ánh bản sắc, bản chất cuộc sống của một dân tộc cư trú trên địa bàn vùng cao cheo leo, hiểm trở; thậm chí có những tập quán nguyên thuỷ, phản ánh phong tục truyền thống Hmông vẫn tồn tại trong một vài lễ hội như tục kéo vợ… LHGT không chỉ có các trò chơi và hoạt động nghệ thuật dân gian mà còn thu hút mạnh mẽ hoạt động văn học dân gian với nhiều thể loại, nhiều hình thức.

Thứ nhất, văn học dân gian Hmông phản ánh nguồn gốc lễ hội. LHGT vốn bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ nhiên thần: thờ cây nêu - là một cây vũ trụ [184] gắn với tục thờ mặt trời của cư dân nông nghiệp và theo các nhà “Miêu học” TQ, đây là phong tục “tế trụ” cổ đại, cột nêu là “tiết vi” của dân tộc Miêu [Lương Vũ Minh, 189, tr. 128.bg]. Điều đó được phản ánh trong thần thoại Hmông và bài này thường được hát trong thực hành nghi lễ suốt quá trình lễ hội: Hai anh em Chừ Sào trở lại được trần gian/ Thấy cỏ cây thảy đều tuyệt giống/ Họ bèn đem giống má cỏ cây muôn vật/ Về cõi trần gian, lập lại trần gian/... Kể rằng thủa ấy cây mọc về trên đá/ Biết chắp nối thành cây tre mọc ở giữa rừng/ Ấy là chỗ gái trai cùng nhau về chơi về nghỉ [134, tr.128]. Bên cạnh đó, trong ngày hội, những truyền thuyết phản ánh nguồn gốc LHGT (PL2.1, tr. 267 - 269) được sáng tạo, bổ sung ngày càng phong

phú và lưu truyền rộng rãi trong nhân dân.

Thứ hai, tục thờ nhiên thần gắn liền với tín ngưỡng cầu mùa được phản ánh vào văn học dân gian và qua văn học dân gian, hồi ảnh của một lễ hội mừng công nguyên thuỷ cũng thấp thoáng hiện lên. Điều đó thể hiện trong một số truyện cổ tích mà đồng bào hay kể cho nhau nghe trong lễ hội: Sâu và Sía, Quả Pa pao, Sự tích kèn môi, Tiếng khèn Tú Dùa, Bức lanh thêu,...Truyện Sâu và Sía kể hai anh em Sâu, Sía mồ côi nhưng có sức khoẻ, tài năng đã giết chết đàn hổ dữ cứu dân làng; giết chết khỉ độc và mụ Yêu tinh độc ác cứu hai cô gái trẻ đẹp. Họ lấy hai cô gái và trở thành vua. Kết thúc câu chuyện là cảnh: "hội Gầu tào năm ấy náo nức tưng bừng, các cô gái mở dù đón bạn trai. Các chàng trai đua nhau múa khèn, thi với tiếng chim trời bay lượn trên tầng không, thi với tiếng gió rừng vờn khắp núi đồi, nói chuyện với lá với hoa. Quả pa pao tung giữa mùa xuân tìm người vừa đôi, đẹp lứa” [131, tr. 89]. Truyện Tú Dùa kể về chàng trai Tú Dùa nhờ giỏi khèn mà lấy đươc con gái thần mặt trăng. Trải qua bao nhiêu nguy hiểm, hai vợ chồng trở về đến bản làng giữa lúc bản đang mở hội Gầu tào: “Con trai, con gái cọ ô múa hát, Tú Dùa cùng vợ đẹp chơi vui ngày hội tưng bừng...” [131, tr.160].

Thứ ba, văn học dân gian phản ánh trực tiếp các hoạt động lễ hội. Truyện “Bạc nén và tình yêu” phản ánh một phương diện khác của hội Gầu tào, tập trung nhất là hoạt động giao duyên của trai gái: A Dính là chàng trai nghèo, còn Dợ là con gái vua, vốn rất kiêu kỳ, chẳng bao giờ đoái hoài đến A Dính. A Dính nhờ cứu Nấm thần mà đươc Nấm cho khèn và điếu. Ngày hội gầu tào, Dợ vác dù hoa đi chơi hội và kén chồng đẹp. A Dính cũng đến hội. Nhờ tài ca hát, tài thổi khèn mà A Dính được Dợ yêu. Sau, Dợ phát hiện ra A Dính chính là chàng trai nghèo, nhưng sức mạnh tình yêu đã khiến Dợ vượt qua. Dợ theo A Dính về làm vợ. Câu chuyện tràn đầy tính nhân văn, phản ánh đậm nét phong tục luyến ái của thanh niên nam nữ Hmông trong LHGT.

Những hoạt động khác của hội cũng được phản ánh trong nhiều truyện cổ tích Hmông: cọ ô, múa hát, tung còn, ném pa pao, bắn nỏ, thổi kèn lá, thổi sáo... truyện “Qủa pa pao” vừa mang dáng vẻ hội mùa, vừa mang dáng vẻ của lễ hội tình yêu: “Mùa được, trời đẹp, hội Sải Sán càng vui. Các cụ già ngồi ăn thịt uống rượu, nói chuyện ngày xưa cho nhau nghe. Trai gái mang khèn, mang dù, hớn hở cùng nhau lên hội. Họ đi từng đôi, từng đôi, từng cặp, từng cặp. Tiếng kèn vi vút, tiếng hát bay bổng vang xa khắp nơi”... [131, tr. 77]. Truyện “Qủa pa pao” là sự tích về trò chơi ném pa pao của nam nữ Hmông trong LHGT: "Từ đó hội sải sán có một trò chơi mới (ném pa pao), trai gái thích, các cụ già đến xem cũng thích” [131, tr. 78].

Nguồn gốc và hoạt động của LHGT không chỉ được phản ánh trong truyện cổ Hmông mà còn được phản ánh trong dân ca Hmông, nhất là trong Gầu plềnh.

Thứ tư, LHGT với những hoạt động của nó đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bảo lưu và phát triển nền văn học nghệ thuật Hmông. Sở dĩ chúng tôi khẳng định điều này vì vấn đề giao tiếp lễ hội là một nguyên lý hết sức quan trọng, nó lôi cuốn tích cực những người tham gia. Một là, sự kết hợp của tham dự và diễn xướng trong một bối cảnh giữa công chúng đòi hỏi con người phải tập trung chú ý và nâng cao ý thức. Giao tiếp trong bối cảnh đặc biệt của lễ hội tạo cho cá nhân nhu cầu tự ý thức về bản thân mình trước mọi người nên họ thường có sự chuẩn bị chu đáo từ ăn mặc, đi đứng, nói năng đến việc thể hiện tài năng của mình trước mọi người. Chẳng hạn để tham gia cuộc hát, họ phải chuẩn bị bài hát tốt nhất, nghĩ ra những câu hay nhất, phải tập luyện sao cho giọng mình được đẹp nhất, duyên nhất...điều đó đã tạo ra sự sáng tạo, sáng tác lời ca, nhạc điệu. Hai là, giao tiếp xã hội trong LHGT tạo ra sự hoán đổi từ những cái có tính chất khuôn khổ hàng ngày vốn chú trọng vào sinh kế sang khuôn khổ, cung bậc khác mà ở đó, con người thăng hoa hơn, nhìn sự vật, hiện tượng trong trạng thái bay bổng hơn, khả năng sáng tạo tốt hơn; điều đó giải thích vì sao những sự vật, hiện tượng quan sát được trong LHGT đã dễ dàng đi vào Gầu plềnh. VD: đến LHGT Pha Long, ông Vàng Văn Củi (cán bộ công tác xa nhà) hát: Anh ở nơi xa tới mảnh đất Pha Long/ Thấy cây mai nằm dưới đất/ Có đôi chủ Say sán (tức Gầu tào)/ Mang cây mai dựng trên sườn núi.../ Nếu em vui lòng, mở ô tím, hồng cùng che [TLĐD, bài 35]. Ba là, giao tiếp Lễ hội Gầu tào tạo ra các thông điệp của lễ hội liên quan đến trải nghiệm chung của cộng đồng Hmông ở vùng đó nhưng nhận thức khác nhau dẫn đến cách lý giải hết sức đa dạng đối với những trải nghiệm đó. Đây là nguyên nhân tạo ra sự sáng tạo phong phú, đa chiều. Chẳng hạn, cùng trải nghiệm hoạt động xung quanh cây nêu linh thiêng nhưng người cho rằng hai cây tre dựng nêu là một cây đực, một cây cái để cầu sự sinh đẻ; người cho là cây này dựng lên để mọi người biết mà tập trung về, người cho rằng dựng nêu lên trời để tổ tiên có chỗ đậu...chính điều đó đã tạo ra các dị bản khác nhau về truyền thuyết cây nêu, LHGT (xem thêm PL2.1, tr. 267 - 269). Tuy nhiên, cho dù suy nghĩ khác nhau, sáng tạo khác nhau nhưng mọi người không phản bác nhau mà đều thừa nhận, chấp nhận sự khác nhau đó và lưu truyền. LHGT còn là môi trường thuận lợi để mọi người tụ họp kể chuyện, hát dân ca, diễn kịch... qua đó văn học dân gian được giữ gìn, truyền bá. Chúng tôi cho rằng đây là một nguyên lý hết sức quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật dân gian bởi chính “hoạt động một sự kiện lễ hội” được xác định rõ ràng là “của chúng ta” [148, tr. 144].

Một phần của tài liệu Dân ca Gầu plềnh và Lễ hội Gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 60 - 62)