xướng) trong nhiều hoàn cảnh: lúc đi làm nương, đi chợ, giao lưu bạn bè; lại cũng có thể hát một mình hoặc hát đối đáp; đặc biệt, Gầu plềnh được hát nhiều trong dịp Lễ hội Gầu tào (LHGT) đầu xuân. Do đó, trước hết, không gian nơi diễn xướng Gầu plềnh được phản ảnh đậm nét trong các bài ca. Đó là không gian của LHGT - nơi trai gái hàng năm về đây tụ họp, nơi hẹn hò, gặp gỡ, nơi của tình yêu thương, nơi chia xa lưu luyến: - “Người Mèo trồng cây nêu trên đèo/ Làm nơi cho đoàn trai gái trẻ trung về đậu”, - “Cây nêu mọc ở giữa, mình đứng một bên ta đứng một bên/...Kẻo nữa bước chân ra về, qua đồi nương cùng dốc núi” [132, tr. 123, 124]; hoặc là không gian gần gũi, gắn bó với đồng bào trong sinh hoạt đời thường với khung cảnh thiên nhiên cụ thể bao quanh nhân vật trữ tình mà người ta quan sát trực tiếp được: -“Trước cửa nhà em có cây lanh mọc/ Ong mới tìm về đậu” [133, tr. 10]
- “Nàng hỡi ta bảo nàng hát nàng không hát/ Lúc này mặt trời đã nghiêng về phía đồi”...[133, tr. 10]. Cũng có khi, đó là thiên nhiên - vũ trụ thể hiện sự quan sát thế giới tự nhiên xung quanh trong quá trình sống, lao động sản xuất, qua đó thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan, thậm chí cả tín ngưõng, văn hoá của đồng bào: Mặt trời chiếu mặt trăng/ Mặt trăng sáng rực soi ngả núi/ Đêm nay, mình cùng ta kết duyên thắm tươi [133, tr. 6]. Khác với dân ca trữ tình người Việt, Gầu plềnh trước đây hầu như không có những không gian nêu địa danh cụ thể kiểu như “nước Sông Thao biết bao giờ cạn/ Núi Ba Vì biết vạn nào cây”, nhưng giống ở chỗ Gầu plềnh có một số không gian con đò, dòng sông, ruộng lúa, ao bèo... mà nhiều người giả thuyết rằng đây là dấu ấn ký ức một thời dân tộc Hmông đã từng là cư dân đồng bằng còn lưu giữ lại (Ví dụ: “Chạy đến bờ sông, anh lấy bạc giắt người/ Đôi ta xuống thuyền, nước yên, thuyền đi trót lọt” [132, tr. 247]).
Có thể khẳng định, hầu hết không gian vật lý trong Gầu plềnh xưa không có không gian xác định địa danh cụ thể mà chủ yếu là không gian phiếm chỉ giống như dân ca của nhiều dân tộc khác, nhưng khác ở chỗ, trong Gầu plềnh không gian ấy gần gũi với cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng cao, là không gian miền núi đặc trưng, gắn với đặc điểm địa bàn cư trú đặc thù của người Hmông ở nơi cheo leo, hiểm trở nhất như: nương kiệu, nương ớt, ruộng bậc thang, hang sâu, núi, đá, đèo, đồi, khe suối, rừng cây... Chúng tôi thống kê 95 bài Gầu plềnh Doãn Thanh sưu tầm ở 5 huyện vùng cao Lào Cai năm 1967 [132] có 66 bài (69,4%) xuất hiện những hình ảnh trên; tần số xuất hiện hình ảnh là 286 lần/66 bài, có bài hình ảnh ấy lặp đi lặp lại nhiều lần; đặc biệt, hình ảnh núi xuất hiện trong 43/66 bài (65,1%), hình ảnh đá xuất hiện trong 8/66 bài (12%). Kết quả thống kê trên liên quan mật thiết tới địa bàn cư trú của người Hmông gần như ở khắp nơi trên các đỉnh núi mà độ cao trung bình trên 1000m và theo Nguyễn Mạnh Tiến nhận xét thì “...vùng người Hmông sinh sống nổi bật lên hai yếu tố sương mù và đá” [157, tr. 30]. Chính không gian sống ấy, một mặt cung cấp dữ liệu trực quan cho nhận thức, mặt khác chi phối các hoạt động, trong đó có hoạt động sáng tạo nghệ thuật của con người. Trong sáng tạo Gầu plềnh, không gian nơi đồng bào Hmông sinh sống trở thành chất liệu đặc thù tạo nên những hình ảnh, hình tượng độc đáo, hơn nữa, chủ yếu đó là những hình ảnh không gian thiên nhiên vùng cao có tính chất phiếm định nhưng vốn rất gần gũi, gắn bó với cuộc sống lao động hàng ngày của bà con Hmông, nhiều hình ảnh trở thành biểu tượng của người vùng cao: ngọn núi, rừng cây, lùm cây, chim lì di, nương ngô, ruộng ớt, mây trời, khe suối, hang đá...Ngày nay, không gian sống của đồng bào Hmông được mở rộng hơn bởi sự phát triển nhiều mặt kinh tế, xã hội và tầm nhìn con người có nhiều thay đổi. Điều đó làm cho việc sáng tạo Gầu plềnh biến đổi, trong đó có sự bổ sung về chất liệu không gian vật lý so với trước
kia. Chẳng hạn, trong số 61 bài (lời) chúng tôi mới sưu tầm tại LHGT ở Lào Cai có 5 bài (lời) hình ảnh không gian LHGT xã Pha Long xuất hiện mà trước đây không có. Bản thân không gian LHGT cũng được nhìn nhận rất mới theo thực tại: Em ra khỏi cửa nhà/ Đến mảnh đất Pha Long/ Chàng trai, cô gái nhiều thật nhiều/ Đất Pha Long có gì hay?/ Pha Long sinh ra hội mùa xuân/ Em ra khỏi cửa đến mảnh đất này là vì anh [TLĐD, bài 36]. Tuy nhiên, do đặc điểm chung của dân ca trữ tình, nhìn chung, không gian trong Gầu plềnh không mang tính cá thể hoá, vì vậy, được nhiều người diễn xướng trong những bối cảnh khác nhau; theo tác giả Nguyễn Xuân Kính thì “không gian phiếm chỉ như vậy, tương ứng với những con người chỉ mang tâm trạng chung, tình cảm phổ biến của nhiều người trong dân chúng” [62, 184]. Tuy nhiên, qua các dẫn liệu trên, có thể nhận xét rằng, đối với người Hmông, khác với các dân tộc định cư vùng thấp, không gian phiếm chỉ nổi trội hơn và liên quan mật thiết với tập quán du cư của đồng bào trên những rẻo núi cao.