Tư tưởng, tình cảm, tâm hồn dân tộc Hmông qua Gầuplềnh

Một phần của tài liệu Dân ca Gầu plềnh và Lễ hội Gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 70 - 74)

Chúng tôi không tham vọng khái quát toàn bộ tư tưởng, tình cảm, tâm hồn dân tộc Hmông mà chỉ nêu 4 điểm tiêu biểu, nổi trội được phản ánh trong Gầu plềnh. Nó chi phối, trở thành nguyên tắc sáng tạo Gầu plềnh và mang tính quan niệm.

Nhân ái và bao dung: Chương 2 đã trình bày, một trong những mục đích của LHGT là để thanh niên nam nữ tìm hiểu, yêu đương, những người bạn cũ gặp nhau tâm tình, những người có đôi, có lứa được sống trong những ngày tự do, vui vẻ hát ca...Sự giao lưu tình cảm ấy, tuy luôn có sự kiểm soát của luật tục, đặt trong khuôn khổ luật tục nhưng vẫn thể hiện tư tưởng nhân ái, bao dung trong quan niệm về con người và cuộc sống con người. Hát Gầu plềnh ở LHGT, ngoài những bài cho nam nữ thanh niên, còn có riêng những bài cho những người đã có đôi, có lứa, những người goá bụa hát với nhau. Đó là cách ứng xử với điều kiện một xã hội dân cư thưa thớt, điều kiện tự nhiên khó khăn, núi rừng cách trở, cheo leo, công việc làm ăn cực kỳ vất vả. Mỗi năm dự hội một lần như vậy cũng đủ để họ bước vào cuộc sống lao động mới vui vẻ, tự tin hơn.

Luật tục của người Hmông xưa về vấn đề luyến ái rất ngặt nghèo. Con gái sau khi được gả chồng là đã thuộc ma nhà chồng. Giả sử chồng chết thì phải lấy anh hoặc em chồng, nếu muốn lấy người ngoài, phải đi biệt xứ; vợ phải luôn đi bên chồng vì theo mê tín, nếu không như vậy, chồng sẽ bị thần hổ (Pù dông) bắt. Đã là vợ chồng, vấn đề chung thuỷ được đặt lên hàng đầu nhưng bù vào đó, luật tục lại cho phép họ được hát, thoải mái giãi bày tâm sự trong lễ hội mà vợ, chồng “không ghen tuông, ích kỷ" [91, tr. 94]: Bây giờ, thân em như trâu măng đã có chuồng/ Thân em như ngựa măng đã có tàu/ Gặp nhau đây ta tình tự cho cạn nhẽ/ Để mai sau ta khỏi ân hận sầu đau [132, tr. 230].Mặc dù luật tục chặt chẽ, ngặt nghèo, nạn bố mẹ ép hôn đối với con cái, nhất là đối với con gái rất phổ biến nhưng ngược lại, trai gái có quyền tự do yêu đương, thậm chí có thể theo nhau về nhà lấy nhau, vẫn được cho phép. Thời gian trước khi kết hôn (hoặc trước khi bị gả bán, ép duyên), là khoảng thời gian tự do của thanh niên nam nữ; cho nên, trong hát đối ở LHGT Pha Long, người con gái bày tỏ suy nghĩ rất hồn nhiên: Nam: Em có thể đi cùng anh được không?/ Nữ: Anh không đưa tay kéo tay em/ Làm sao em đi được cùng anh [TLĐD, bài 36]. Rõ ràng, một mặt luật tục ngặt nghèo, có nhiều cấm đoán, ép buộc con người nhưng mặt khác lại để con người có một khoảng tự do nhất định. Điều đó không phải sản phẩm của một nền văn minh mà là sản phẩm của văn hóa con người. Đó chỉ có thể là tấm lòng nhân ái, bao dung, độ lượng trong đối xử giữa con người với con người ẩn sâu trong tâm hồn những người nông dân Hmông mà vẻ ngoài lầm lỳ, lam lũ, khắc khổ.

Lãng mạn và thực tế: Gầu plềnh có hàng trăm câu thơ tràn đầy tinh thần lãng mạn, thể hiện ước mơ của đôi lứa yêu nhau nhưng trước hết, đó là ước mơ của

những người nông dân vốn có cuộc sống lao động vất vả, nghèo khó nơi núi cao khắc nghiệt. Ước mơ hạnh phúc lứa đôi của họ thật giản dị; có khi chỉ là:“Mình làm vụ lanh đôi ta mặc lành/ ta làm vụ nương đôi ta không ăn bữa nhạt” [132, tr.189], hoặc chỉ là có nhà có cửa: “Ví dù ta lấy được mình, mình lấy được ta/ Đôi ta làm nhà rung rinh giữa làng” [132, tr. 188] nhưng đôi khi thật bay bổng: “Có ngày nào em được chàng, chàng được em/ Đôi ta thanh thản dắt tay nhau đi dưới ánh trăng”

[133, tr. 83]. Tâm hồn lãng mạn đã khiến họ dệt nên những câu Gầu plềnh bay bổng, diệu kỳ “có thể nằm không hổ thẹn trong tuyển tập thơ hay của thế giới” [134, tr.16]: Đêm đã qua, sao lượn vòng, đổi chỗ/ Ngày đã dạng lối đi sáng tỏ/ Ta lê bước về nhà/ Mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em [132, tr. 87].

Song tâm hồn Hmông không đơn giản một chiều như vậy, nó đa dạng và tinh tế hơn nhiều. Đa dạng bởi tâm hồn ấy vừa rung cảm trước thực tại cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn vừa rung cảm trong tình yêu cháy bỏng và lãng mạn; tinh tế bởi tâm hồn ấy cảm thức và đưa ra được phép ứng xử trong từng hoàn cảnh một cách khôn ngoan. Qua Gầu plềnh có thể thấy người Hmông ý thức rất rõ gianh giới giữa tình yêu lãng mạn và thực tại cuộc sống. Họ yêu hết mình, yêu đắm say nhưng lại tỉnh táo rạch ròi, phân minh trước thực tế cuộc sống bộn bề khó khăn và quy định ngặt nghèo của luật tục (ở đây là luật tục thách cưới): Nếu thôi không đành, dứt không được/ Anh hãy về cân bạc đủ cân/ Em mới dám theo anh làm vợ [132, tr. 197].Sự lãng mạn ở đây được giới hạn bởi thực tế cuộc sống; bản thân cô gái cũng luôn ý thức giá trị cá nhân con người mình và quan niệm sống của dân tộc mình, vì người Hmông cho rằng “mèo không mất tiền mua là mèo xấu, dâu không mất tiền mua là dâu tồi" [175, tr. 28]. Cho nên, lời tâm sự kia, xét cho cùng là phản ánh một lối tư duy thực tế mang bản sắc cộng đồng Hmông, cái được cộng đồng Hmông “chấp nhận theo lối văn hóa” riêng của họ.

Trọng tình và trọng lý: Trọng tình và nghĩa lý là điều hết sức phổ biến và quan trọng trong đời sống tư tưởng, tình cảm của người Hmông.

Nhà văn Mã A Lềnh khẳng định người Hmông thuộc cộng đồng Bách Việt, vậy người Hmông phải có những đặc điểm chung của cộng đồng cư dân Bách Việt. Theo phân tích của tác giả Trần Ngọc Thêm từ góc nhìn loại hình văn hóa, một số điểm khác biệt cơ bản giữa văn hóa cư dân lúa nước vùng Bách Việt phương Nam với cư dân du mục phương Bắc là ở lối tư duy tổng hợp, mọi thứ đều đi đôi, thiên về âm tính, trọng tình cảm trên cơ sở triết lý âm dương [144, tr.105-117]: một mặt nói

trăm cái lý không bằng một tý cái tình nhưng mặt kháclại nói tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát. Gầu plềnh phản ánh đặc điểm chung đó khá rõ nét song vẫn có nét riêng của dân tộc. Trong tình có lý, trong lý có tình. Người Hmông sống bộc trực, thẳng thắn, xây dựng mối quan hệ trên cơ sở niềm tin là chính; do vậy, họ tin nhất là

người trong gia đình, thứ đến người trong dòng họ rồi mới đến làng xóm, người ngoài... Khi đã tin yêu thì cho dù chết cũng không sờn lòng, khi mất niềm tin là mất tất cả. Tâm hồn Hmông một mặt dữ dội, mãnh liệt, yêu tự do, phóng khoáng trong khuôn khổ của niềm tin tình cảm: Ta có thể bỏ ao nước mạch của cha mẹ ta để cho/ Ta cũng có thể lìa cả mẹ cha/ Nhưng đường trai gái yêu nhau, rời nhau là nát tim

[134, tr. 77]; mặt khác, khi tin yêu, tình cảm của họ cũng thật đắm say, tinh tế. Đắm say đến mức không cần biết đâu là cõi trần, đâu là cõi ma; miễn sao được yêu nhau, được lấy nhau: Nếu chết, ta hoá thành thần, thành ma/ Ta vờn lấy của mình chín mươi tám vía [132, tr. 184]; nhưng ngay sau đó là sự tinh tế đến vô cùng của tâm hồn ấy: Nếu ta là hạt mưa sương/ Ta xin tan dưới gót chân nàng [132, tr. 170]. Mãnh liệt, đắm say, tinh tế đó là gì nếu không phải là bản chất trọng tình trong tâm hồn.

Bên cạnh đó, Gầu plềnh còn phản ánh tâm hồn Hmông thèm khát một cái gì đó là lý nhưng “là chân lý", “là cái lý có lý, có tình, có nghĩa”" [134, tr. 24]. Điều đó phản ánh lối suy nghĩ chặt chẽ với mong muốn tìm “cái lý” của sự vật, hiện tượng, “cái lý” để tồn tại; đồng thời cũng là một cách ứng xử khôn khéo trước điều kiện cuộc sống luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. “Cái lý của tộc người là một kiến tạo chứ không cố định, bất biến, có từ “xa xưa” trong văn hóa truyền thống đầy mơ hồ, mang tính chất tưởng tượng tập thể” [157, tr. 8]. Phân tích dân ca Hmông, nhà thơ Chế Lan Viên nhận xét sắc sảo: “người Hmông đã giải quyết được nhiều mâu thuẫn, lập được cân bằng ở những thế khá cheo leo" [134, tr. 24]. Chúng tôi cho rằng, chiều sâu trong “cái lý” của người Hmông là luôn lấy bản thân mình để soi chiếu ra xung quanh, nhìn người khác, sự vật khác qua lăng kính của bản thân mình. Chẳng hạn, mời bạn uống rượu, họ có thể nói: mình có hai chân, hai tay, vậy anh phải uống với tôi hai chén rượu; hoặc ra đường, chẳng may bạn va phải anh ta, anh ta sẽ nói: nếu hôm nay mà không ra đường thì làm sao có thể va vào nhau; hoặc như Hùng Hà kể câu chuyện người Hmông dùng “lý” của họ để xử tội người ăn trộm cái điếu hút thuốc sẽ nặng hơn người ăn trộm vàng vì họ lập luận rằng ăn trộm điếu có 2 tội: lười lao động và trộm cắp còn ăn trộm vàng chỉ có 1 tội trộm cắp mà thôi [43, tr. 86]. Cái “lý” của người Hmông biểu hiện sự ưu tư, suy nghĩ, thậm chí dằn vặt, luôn cố gắng tìm ra lẽ sống: Chúng ta mất mảnh đất này, được mảnh đất kia/ Chúng ta xấu số ở cõi trần này, tốt số ở cõi trời kia/ Chúng ta xấu số ở mạch đất này, tốt số ở mạch đất kia [134, tr. 284]. Nhưng cái “lý” ấy nhiều khi lại là một thế ứng xử chênh chao giữa tình và lý. Đây là một ứng xử đẹp của đôi tình nhân mà chàng đã yên ấm cửa nhà, nàng còn son, được soi chiếu từ bản thân mình theo cái “lý” của người Hmông: Một ngày nào đó...Em sinh con gái.../ Con trai anh lấy con gái em, em không thu lễ/ Con gái em lấy con trai anh, anh không nộp cheo.../ Để bà con không biết thuở sớm trước kia/ Anh và em đã từng chắp con đường bè bạn [132, tr. 62].

Cởi mở và khép kín: Bên cạnh chất thơ lãng mạn Gầup lềnh có nhiều bài cho thấy những trạng thái tình cảm nam nữ vừa cởi mở, giao hòa vừa e lệ, kín đáo, tinh tế. Đây là đặc điểm tâm lý tộc người khá phổ biến được phản ánh trong dân ca Hmông nói chung, Gầu plềnh nói riêng. Dân ca Hmông nhiều bài nói về sự khác biệt, phân biệt giữa Hán và Hmông, nhiều bài là thái độ không đội trời chung với giặc Hán nhưng với nhân dân Hán, nhân dân các dân tộc khác như Nhắng, Nùng...thì người Hmông lại bày tỏ trong dân ca của mình một tinh thần khác, cởi mở và cầu thị: Em đi đầu thai con gái một bà người Hán/ Anh đi đầu thai con trai một bà người Thái...Ở đấy, vợ chồng nói tiếng Hmông pha tiếng Hán/ Vợ chồng nói tiếng Sã pha tiếng Nhắng/ May mặc vải Sã, vải Nhắng lẫn vải Hmông/ Cùng sống chung với trẻ già người Sã, người Nhắng một bản [134, tr. 283]. Trong tình yêu, nhiều khi họ bộc lộ tấm lòng yêu thật cởi mở, tràn ngập ước mơ hạnh phúc lứa đôi: Mình đưa chân ta tới đỉnh núi bên kia/ Ta mở dù che chung cùng nhau sóng bước.../ Đôi ta, tay trong tay thong dong đi trên đường rộng;

nhưng cũng có khi rất rụt rè: Ta mua gói thuốc muốn gửi tới ai mà chưa dám gửi/ Đành để gói thuốc hả hơi [132, tr. 159]. Có khi là sự hờn giận, mát mẻ, nhẹ nhàng:

Người Hán, người Sã mời điếu thuốc ngon thật ngon/ Nàng có của quý đeo nơi cổ tay/ Nàng xem ta không đáng là người bạn thân thiết/ Nên nàng quay mặt vào vách núi

[134, tr. 63]; có khi là sự trách móc đến đắng cay, ai oán: Anh đã bảo trâu bò húc nhau chỉ thêm đứt sẹo/ Xưa kia anh bảo em theo anh nói anh chả nói/ Có ngày em đi lấy chồng/ Em gặp phải con đường nát gan [132, 237]. Tất cả những điều trên đều xoay quanh một trục tâm lý vừa cởi mở, vừa tự ti, khép kín. Nhìn chung, khi đã quen, tin tưởng, họ rất cởi mở, ngược lại chưa quen hay còn nghi ngại điều gì họ sẽ tỏ ra khép kín, tránh va chạm, tiếp xúc. Đây cũng là cách xử sự quen thuộc của đồng bào hàng ngày, đến mức, nếu bạn vào làng gặp một người Hmông lạ (nhất là phụ nữ), bạn hỏi điều gì đó, thường sẽ nhận được câu trả lời “tsi pâuz” (không biết).

Chúng ta không ngạc nhiên khi có người nhận xét: Người Hmông sống khép kín, có phần tự ti nhưng rất cởi mở, giao hoà [112, tr. 85]; cho nên, ta hiểu vì sao trong đám ma họ lại hát về sự sống, trong đám cưới có“Tiếng khóc làm dâu” (chữ dùng của Hùng Đình Quí), trong ngày hội yêu đương lại nhắc nhở nhau không làm điều gì quá trớn.

Tất cả những đặc điểm tư tưởng, tình cảm, tâm hồn nêu trên, có mặt tương đồng, có mặt đối lập, có khi đan xen, hòa lẫn vào nhau, bổ sung cho nhau, tạo thành điểm chung tâm lý tộc người rất độc đáo. Vì sao vậy? Vì do đặc thù lịch sử như đã trình bày, do điều kiện sinh sống trên những rẻo núi cao hiểm trở, hẻo lánh hết sức khó khăn, cộng với tâm lý một dân tộc chịu nhiều thiệt thòi, nhưng do yêu cầu sinh tồn đặt ra, người Hmông phải và đã giải quyết được hài hoà các mối quan hệ: điều kiện lịch sử, tự nhiên khắc nghiệt - phải duy trì cuộc sống; luật tục nghiêm khắc - tư

tưởng dân chủ tự do; khát khao lý lẽ - trọng tình cảm; lối sống mãnh liệt, thẳng thắn, bộc trực - tâm hồn tinh tế; tính cách phóng khoáng - luôn giữ đúng chuẩn mực; cởi mở - khép kín. Điều này làm nên sự khác biệt, độc đáo trong đời sống tinh thần của một dân tộc, tạo thành bản sắc dân tộc.

Những đặc điểm về tư tưởng, tình cảm, tâm hồn chỉ là một khía cạnh của quan niệm nghệ thuật về con người trong Gầu plềnh nhưng là khía cạnh bao trùm mang bản sắc riêng chi phối các khía cạnh khác đa dạng hơn trong quan niệm về con người của đồng bào. Để hiểu rõ hơn các quan nịêm về con người trong Gầu plềnh cần thiết phải xem xét các khía cạnh đó.

Một phần của tài liệu Dân ca Gầu plềnh và Lễ hội Gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 70 - 74)